Chữ viết các DTTS, thêm một cơ hội phục hưng

11:15 AM 09/11/2010 |   Lượt xem: 2847 |   In bài viết | 

Với Nghị định này, thêm một lần tiếng nói - chữ viết các DTTS là mối quan tâm của Đảng và Chính phủ, nhằm giúp đồng bào có điều kiện giữ gìn vốn văn hoá trên cơ sở các mẫu tự truyền thống...

Tại thời điểm này, dựa vào kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc nhiều ngành liên quan, được biết trong số 20 DTTS ở tỉnh Điện Biên, chỉ có 8 dân tộc có chữ viết (Dao, Giáy, Hoa, Lào, Mông, Nùng, Tày và Thái). Trong số 8 dân tộc được xem là có chữ viết riêng ấy, nếu xét về mặt tự dạng lại thấy như sau: Dân tộc Dao, dân tộc Giáy và dân tộc Hoa dùng chữ Hán; dân tộc Mông, dân tộc Tày và dân tộc Nùng dùng loại chữ có nguồn gốc từ chữ cái Latinh; dân tộc Lào và dân tộc Thái dùng loại chữ có nguồn gốc từ chữ Phạn (Ấn Độ). Nhân đây, cần lưu ý rằng tuy cùng dùng loại chữ có nguồn gốc từ chữ Phạn, nhưng chữ Thái cổ hoàn toàn khác chữ Lào cổ. Đặc biệt, đến giờ mà nói, trên địa bàn tỉnh Điện Biên không còn người Lào nào có thể đọc được chữ Lào cổ của chính dân tộc Lào. Riêng với chữ Thái cổ tình hình xem ra có nhiều dấu hiệu lạc quan hơn, trước hết thể hiện ở các nỗ lực truyền bá, trên tinh thần chấn hưng, bảo tồn. Sau nữa, đấy là việc hiện nay trong cộng đồng cư dân Thái, đâu đó còn một số người- xin lưu ý là chỉ một số người thôi - có thể đọc và viết được hoặc nhiều hoặc ít chữ Thái cổ.

Có tài liệu nói chữ Thái ở Việt Nam tuy có cùng nguồn gốc xuất xứ với hai hệ chữ Pali và Sanscrit (miền Nam Ấn Độ), nhưng lại khác cơ bản so với chữ Lào và Thái Lan; vì những bộ chữ này được vay mượn qua mẫu tự Khmer, còn chữ Thái ở Việt Nam được mô phỏng theo chữ Nôm. Người Thái ở Việt Nam có đến 8 kiểu chữ Thái cổ, của các nhóm Thái cư trú trên khắp miền Tây Bắc, Việt Bắc và khu vực bắc Trường Sơn. Tình hình trên là một trong những lý do dẫn đến ngày 27/11/1961, sau nhiều cuộc hội thảo khoa học (kể cả những tranh luận học thuật nảy lửa trên báo chí), Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ ký Nghị định số 206/1961/NĐ-CP, phê chuẩn “Các phương án chữ Tày - Nùng, chữ Thái và chữ Mèo”. Kết quả, bộ chữ Thái cải tiến, thống nhất được đưa vào chương trình tiểu học từ niên khoá 1962-1963. Mấy năm nhiệt huyết trôi nhanh và điều chả ai mong đã đến: Không ít người cho rằng việc học chữ Thái chẳng những không đem lại lợi ích thiết thực, mà vô hình trung còn làm chậm việc học chữ Việt trong chương trình phổ thông chính khoá. Để rồi 8 năm sau Nghị định 206/1961/NĐ-CP, chữ Thái cải tiến âm thầm rút khỏi các trường phổ thông ngay tại những vùng có đông cư dân Thái. Đó là cả một câu chuyện buồn và không khỏi gây niềm trắc ẩn, cho những người yêu văn hoá Thái nói chung và chữ Thái nói riêng...

Trở lại Nghị định số 82/2010/NĐ-CP, từ ngày 31/8/2010 tiếng DTTS sẽ là môn học trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo đó, việc tổ chức dạy học phải đảm bảo 5 điều kiện: Người DTTS có nguyện vọng, nhu cầu học tiếng DTTS; bộ chữ - tiếng DTTS được dạy và học trong nhà trường phải là bộ chữ cổ truyền được cộng đồng sử dụng, được cơ quan chuyên môn xác định hoặc bộ chữ đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn; chương trình và sách giáo khoa tiếng DTTS được biên soạn và thẩm định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; giáo viên dạy tiếng DTTS đạt trình độ chuẩn đào tạo của cấp học tương ứng, được đào tạo dạy tiếng DTTS tại các trường cao đẳng, đại học sư phạm, khoa sư phạm và cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tiếng DTTS theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về quy trình đưa tiếng DTTS vào dạy học, trên cơ sở nguyện vọng của người DTTS và điều kiện tổ chức dạy học tiếng DTTS của địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy học tiếng DTTS trên địa bàn. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét các điều kiện về dạy học và thông báo kết luận bằng văn bản cho UBND cấp tỉnh. Tiếng DTTS là môn học trong cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên; việc dạy học tiếng DTTS được thực hiện theo các hình thức tổ chức dạy học ở các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Nội dung, phương pháp, kế hoạch dạy học tiếng DTTS được quy định trong từng chương trình tiếng DTTS cụ thể do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định. Nhân đây, xin dẫn Khoản 2, Điều 7 Luật Giáo dục năm 2005: “Nhà nước tạo điều kiện để người DTTS được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, giúp cho học sinh người DTTS dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác”.

Công bằng mà xét, chủ trương đưa tiếng nói - chữ viết các DTTS vào trường phổ thông không có gì mới, tuy nhiên trong tình hình hiện nay khi bối cảnh hội nhập đang diễn ra một cách quyết liệt và mạnh mẽ, thì vấn đề bảo tồn cái riêng biệt đặc trưng trong sự đa dạng và hiện đại, đó là điều sống còn đối với nền văn hóa của những dân tộc ít người (tôi muốn dùng chữ “ít người” khác với nghĩa “thiểu số” thông thường). Hơn bao giờ hết, tiếng nói và chữ viết các DTTS đã và đang đứng trước cơ hội phục hưng với lời cảnh báo: Những bài học về thành công cũng như thất bại, cần được vận dụng trên cơ sở những nguyên lý của hội nhập, trước nền văn hoá của những tộc người đang cần được giúp đỡ về nhiều mặt, trong đó có tiếng nói và chữ viết riêng...

Theo www.baodienbienphu.com.vn [TT: H.T.N]