Gia Lai: Ayun (Chư Sê) phát triển giáo dục

03:43 AM 13/10/2010 |   Lượt xem: 2885 |   In bài viết | 

 

Lực lượng giáo viên Ayun không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Năm học 2010-2011, toàn xã có 56 giáo viên ở các cấp học, tăng 12 người so với năm học 2005-2006. Một số giáo viên có nhiều năm công tác ở đây, đã được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ theo đúng tiêu chuẩn quy định của ngành. Còn những giáo viên mới tuyển dụng, là những người còn rất trẻ, được đào tạo bài bản. Mặc dù còn ít kinh nghiệm, nhưng họ có năng lực và lòng nhiệt huyết, yêu ngành, yêu nghề, muốn được thử thách và cống hiến cho sự nghiệp trồng người của địa phương. Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết- điểm trường làng Keo tâm sự: Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục đã tạo mọi điều kiện cho chúng tôi, nên chúng tôi yên tâm công tác”.

 

Là xã vùng sâu, nhận thức của phụ huynh về giáo dục- đào tạo cho con em còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Vì vậy, những năm qua, để vận động các em đến trường, Ban Giám hiệu các trường đã thành lập ban vận động thường xuyên bám sát thôn, làng, đến từng gia đình học sinh để động viên các em đi học. Sĩ số ở các bậc học luôn đạt tỷ lệ cao. Năm học 2005-2006, toàn xã có 34 lớp, với gần 700 học sinh, đến nay đã có 40 lớp, gần 850 học sinh. Song song với công tác đảm bảo sĩ số học sinh, phương pháp giảng dạy cũng có nhiều đổi mới, nhờ vậy mà chất lượng dạy và học ở các trường trên địa bàn không ngừng nâng lên, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp bậc trung học cơ sở hằng năm đạt 98%, cơ bản đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục tại địa phương. Ông Dương Mạnh Mẫn- Chủ tịch UBND xã Ayun nói: “Xác định là xã khó khăn, giáo dục có tầm quan trọng lớn, nên chính quyền xã tăng cường công tác vận động nhằm nâng cao ý thức người dân về công tác giáo dục”.

 

Với quyết tâm của chính quyền địa phương và ngành Giáo dục, năm học 2010-2011, xã Ayun được mở lớp 10 hệ bổ túc văn hóa do Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Chư Sê đảm nhiệm, phối hợp với Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm giảng dạy và chính thức học tập trong tháng 10-2010. Thực tế nhiều năm qua, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở phải chuyển ra học tại thị trấn Chư Sê, đường sá khó khăn cách trở, không quen với môi trường mới nên nhiều em đã không thể tiếp tục theo học. Việc mở lớp 10 ở đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ học vấn của con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn này.

 

Những kết quả đạt được của sự nghiệp giáo dục xã Ayun chỉ là bước đầu, phía trước còn phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức. Do vậy cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp, các ngành, để tương lai không xa, Ayun có một thế hệ năng lực để xây dựng và phát triển địa phương giàu mạnh.

Văn An (website:ubgialai.gov.vn)