Nỗi lòng cồng chiêng Cơ Tu

04:10 AM 12/10/2010 |   Lượt xem: 3289 |   In bài viết | 
Cổ tích người chơi nhạc

Xã Hồng Thượng, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) là nơi sinh sống của đông đảo đồng bào Cơ Tu. Với những nét văn hóa nổi bật, người Cơ Tu đã tạo nên bản sắc riêng, đặc biệt là cách chơi cồng chiêng. Nơi đại ngàn Trường Sơn xa xôi này, tiếng cồng chiêng như ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Chính vì vậy, khi nhận thấy sự mai một của văn hóa cồng chiêng, già làng Quỳnh Khết ở thôn Kăn Sâm không khỏi lo lắng.

Trong ngôi nhà tranh vách nứa của ông, ấn tượng nhất là những bộ nhạc cụ được treo trên giá cẩn thận, không hề có chút bụi bặm. Đó là nhờ ông lau chùi, gìn giữ hàng ngày. Ông Khết nhớ lại: “Tôi bắt đầu học thổi khèn khi lên 10 tuổi, ban đầu học vất vả lắm, cái nhạc của Yàng không dễ cảm nhận hết và chơi thành thạo được. Tôi phải mất nhiều đêm thức cùng các cụ trong thôn bản chơi cồng chiêng. Rồi cái duyên với cồng chiêng bén rễ từ đó”.

Nhờ năng khiếu sẵn có, cùng niềm đam mê, nhiệt huyết với âm nhạc dân tộc, dần dần ông Khết biết chơi và chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ như: cồng chiêng, khèn, đặc biệt là tù và (một loại nhạc cụ truyền thống rất khó sử dụng). “Hồi nớ tôi chơi hay nên đám con gái trong bản cứ đi theo tôi để nghe tôi thổi khèn, sáo, tù và”, ông móm mém đùa với chúng tôi. Và chính tiếng tù và đã kết duyên ông với bà Kăn Khết.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng khi tỉnh mời vào đội dự thi cồng chiêng ở Tây Nguyên, già làng Quỳnh Khết vẫn năng nổ tham gia. Và ông đã cùng đồng đội mang giải thưởng lớn về cho tỉnh. Ông luôn là người đi đầu trong các phong trào văn nghệ của xã cũng như huyện. Người ta luôn thấy ông trong các lễ hội lớn của huyện như đâm trâu, cầu mưa.

Trăn trở...

"Bây chõ, khi tuổi đã cao, không thể chơi cồng chiêng được mãi. Tôi muốn truyền lại cho lớp trẻ trong thôn để sau này khi tôi lên gặp Yàng thì còn có người thay tôi chơi nhạc”, ông Khết bùi ngùi nói. Nén tiếng thở dài, ông than thở: “Đám thanh niên Cơ Tu trong bản hiện nay chỉ thích nhạc xập xình mà quên mất cái nhạc của dân tộc mình. ít đứa biết chơi cồng chiêng, tù và, khèn lắm”.

Tuổi đã cao, sức khỏe cũng có hạn nhưng ông vẫn mong muốn được tiếp tục góp sức mình bằng việc chỉ dạy, truyền thụ cho những ai muốn học cồng chiêng, khèn, hay bất cứ nhạc cụ nào của dân tộc. Ông sẵn sàng bỏ ra hàng giờ để truyền lại âm nhạc cho thanh niên trong thôn, xã.

Những khúc nhạc hay, điệu múa đẹp của người Cơ Tu đang dần thất truyền, đó là nỗi lo lắng đang thường trực trong lòng già làng Quỳnh Khết. Già xúc động nói: “Nhiều lần, tôi đến các gia đình trong bản thấy cái tù và nằm trong tủ mốc meo, hư hỏng, tôi xót lắm”.

Có lẽ, những trăn trở trên không chỉ của riêng già Khết, hay người Cơ Tu, mà còn là lo lắng chung của tất cả già làng khác trên địa bàn huyện A Lưới. Đã đến lúc ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có chính sách bảo tồn các giá trị văn hóa này.

Tân Mai (Nguồn: kinhtenongthon.com) [TT: H.T.N]