Mù Cang Chải: Coi trọng nguồn lực nội sinh
03:36 AM 12/10/2010 | Lượt xem: 3359 In bài viết |Hiện toàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có trên 90% diện cán bộ chủ chốt cấp cơ sở có trình độ học vấn hết tiểu học, nhiều đồng chí có trình độ sơ cấp lý luận và được đào tạo về chuyên môn; gần 20% cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học chuyên ngành và trên 15% có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị.
Mù Cang Chải - một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, khó về giao thông đi lại, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp... Cái khó nữa là đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật thiếu và yếu; cán bộ quản lý, cán bộ là người dân tộc thiểu số trình độ không đồng đều; một phần không nhỏ trong đội ngũ cán bộ huyện, cán bộ xã chưa qua đào tạo...
Thu hút, khuyến khích cán bộ lên vùng cao là rất cần thiết và cấp bách. Song, giải pháp quan trọng vẫn là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ đương nhiệm, cán bộ nguồn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Từ thu hút, khuyến khích nhân lực...
Nghị quyết 04 ngày 12/9/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với các huyện vùng cao. Quán triệt tinh thần nội dung của Nghị quyết, Huyện ủy Mù Cang Chải đã chỉ đạo các Đảng bộ, chi bộ tổ chức nghiên cứu bảo đảm đúng, đủ, sâu sắc. Đồng thời chỉ đạo HĐND, UBND huyện và các ngành khoa giáo phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.
Ban Thường vụ Huyện ủy Mù Cang Chải luôn xác định, trong sử dụng các nguồn nhân lực, việc thu hút, khuyến khích cán bộ có trình độ, năng lực từ các vùng khác lên công tác tại địa phương là nhiệm vụ cấp bách hiện nay và được huyện ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 04, huyện đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các đoàn thể, nhân dân. Việc thu hút, khuyến khích cán bộ đã kịp thời bổ sung nguồn nhân lực cho huyện, nhất là ngành giáo dục - đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học của địa phương, góp phần hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2008.
Bên cạnh đó, một số học sinh có học lực tốt, thi đỗ các trường đại học, cao đẳng và sau khi tốt nghiệp, huyện đều tạo điều kiện, bố trí, sắp xếp việc làm tại các cơ quan, đơn vị. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy – đồng chí Lê Trọng Khang cho rằng: “Có thể thấy, từ những chính sách này, đến nay, cơ bản chất lượng đội ngũ cán bộ trong huyện đã được nâng lên một bước so với trước khi thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, bước đầu đáp ứng việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn”.
Mặc dù vậy, do đặc thù của địa phương còn nhiều khó khăn và cơ chế còn nhiều bất cập, nhất là kinh phí thu hút, khuyến khích cán bộ nên khi thực hiện hiệu quả không cao. Trên thực tế, một số cán bộ, sinh viên tình nguyện lên công tác chủ yếu vẫn là ngành giáo dục, chiếm 1/3 số lượng cán bộ tuyển dụng hàng năm. Chính sách thu hút đối với lực lượng này mới chỉ thực hiện theo Nghị định 61 của Chính phủ, các ngành nghề khác chưa được thu hút. Bên cạnh đó cũng phải thấy rằng, việc thu hút, khuyến khích những cán bộ có trình độ thạc sỹ, chuyên gia giỏi, sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính qui đạt loại giỏi, cán bộ từ các ngành trong tỉnh lên công tác tại địa phương chưa thực hiện được.
Việc đào tạo cán bộ chuyên khoa I, chuyên khoa II, sau đại học cũng chưa thực hiện được do chưa có chương trình và kế hoạch đào tạo. Nguyên nhân khách quan do đặc thù địa phương là miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế -xã hội chưa phát triển. Nguyên nhân chủ quan do cơ chế thu hút, khuyến khích chưa đủ mạnh, chưa hấp dẫn cán bộ. Mặt khác, mọi người luôn nghĩ rằng, các huyện vùng cao có điều kiện địa hình, khí hậu, môi trường rất khó khăn, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập và công tác... nên ít người tình nguyện lên công tác tại những nơi này.
... đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Rõ ràng, trong khi công tác thu hút, khuyến khích cán bộ ở Mù Cang Chải còn chưa tạo được hiệu quả thực sự, chưa tạo được bước đột phá thì việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương nhiệm, cử tuyển là một trong những khâu được Huyện ủy Mù Cang Chải triển khai tốt. Huyện đã quan tâm thực hiện triệt để chính sách đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số từ khâu đào tạo giáo dục phổ thông đến cử đi đào tạo chuyên môn ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Từ năm 2006 đến 2009, tổng số cán bộ cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng là 380 người, trong đó đào tạo trình độ đại học, cao đẳng 258 người, bồi dưỡng 122 người.
Trong số 61 người dân tộc thiểu số được đào tạo thì dân tộc Mông có tới 58 người và có 53 người được đào tạo trình độ đại học. Đối với cấp xã, tổng số cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng là 33 người, chủ yếu là cán bộ dân tộc Mông. Chính sách đào tạo hệ cử tuyển được huyện chú trọng, bảo đảm tạo nguồn cán bộ là người địa phương và động viên cán bộ nhiều năm công tác tại vùng cao. Huyện đã lựa chọn và cử 23 người là dân tộc thiểu số và con em của cán bộ công tác lâu năm tại địa phương đi học.
Với quan điểm “cán bộ là gốc của mọi công việc”, nhận rõ trình độ cán bộ còn hạn chế, Đảng bộ huyện đã sớm có nhiều chủ trương, chính sách, quan tâm thiết thực tới công tác bồi dưỡng cán bộ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao trình độ cho cán bộ trong các cơ quan, đơn vị của huyện. Hàng năm, Huyện ủy Mù Cang Chải đã quan tâm cử cán bộ đi học các lớp bồi dưỡng theo chức danh, chuyên môn, nghiệp vụ và bồi dưỡng cho cán bộ xã...
Phó bí thư Đảng ủy xã Nậm Có, đồng chí Lò Văn Thông tâm đắc: "Quan tâm bồi dưỡng cán bộ cấp xã về quản lý Nhà nước và bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đảng cho các bí thư, phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND, HĐND và trưởng, phó các đoàn thể cấp xã đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền cơ sở". Từ năm 2006 đến nay, huyện đã cử 1.166 cán bộ đi đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó đào tạo về lý luận chính trị từ cao cấp đến sơ cấp là 689 đồng chí; đào tạo chuyên môn đại học, cao đẳng, trung cấp là 477 đồng chí.
Thông qua công tác đào tạo trên cơ sở quy hoạch và nhu cầu sử dụng cán bộ, những cán bộ đi đào tạo được bố trí, sắp xếp phù hợp chuyên môn nên phần lớn đã phát huy tốt năng lực, sở trường, nâng cao hiệu quả công tác, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Huyện đã chỉ đạo các Đảng bộ, chi bộ, cơ quan, đoàn thể làm tốt công tác quy hoạch cán bộ cho từng giai đoạn gắn với đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ. Sau mỗi khóa học, huyện làm tốt khâu đánh giá cán bộ thông qua kết quả học tập, kết quả công tác để bố trí, sắp xếp cho phù hợp với năng lực, sở trường, nhiệm vụ chuyên môn.
Nhiều người lên công tác ở Mù Cang Chải đều có chung nhận xét, đội ngũ cán bộ của huyện đã có bước chuyển biến quan trọng cả về số lượng và chất lượng, nhất là sau khi thực hiện đổi mới công tác cán bộ.
Từ những con số thuyết phục cho thấy, hầu hết cán bộ chủ chốt từ huyện xuống cơ sở được trẻ hóa, nâng cao chất lượng nhiều mặt. Hiện có trên 90% diện cán bộ chủ chốt cấp cơ sở có trình độ học vấn hết tiểu học, nhiều đồng chí có trình độ sơ cấp lý luận và được đào tạo về chuyên môn; gần 20% cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học chuyên ngành và trên 15% có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị.
Trong khi việc thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích cán bộ về địa phương công tác chưa thực sự hiệu quả thì công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại địa phương là một giải pháp, nhu cầu cấp thiết của Mù Cang Chải. Đây là một trong những khâu cơ bản nhằm phát huy tốt nguồn nội lực nội sinh, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, từng bước đưa Mù Cang Chải thoát khỏi huyện nghèo.
Văn Trung (Nguồn: Báo Yên Bái)