Gian nan việc dạy và học
Đi cùng cán bộ xã và các thầy, cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bum Nưa, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đến Bản Nậm Củng, xã Bum Nưa vận động học sinh đến lớp học mới thấy hết những gian nan của những thầy, cô giáo vùng cao nơi đây. Đường đến bản Nậm Củng quanh co, hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, chỉ sơ sảy là có thể trượt ngã xuống vực. Sau một giờ vặn mình điều khiển chiếc xe wave ì ạch vượt qua những con đèo dốc dựng đứng, chúng tôi cũng đến được bản Nậm Củng. Bà Vàng Thị Thánh, Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nưa cho biết: "Bản Nậm Củng có 25 hộ dân với 149 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Mảng Trắng. Bà con trong bản chủ yếu canh tác trên nương rẫy, đời sống còn nhiều khó khăn. Bản hiện chỉ có phân hiệu trường tiểu học, các em học sinh muốn học lên cao phải ra học bán trú dân nuôi ở trung tâm xã. Việc vận động học sinh đi học rất khó khăn".
Đến phân hiệu trường tiểu học ở bản, chúng tôi nhận thấy qua ba tháng nghỉ hè cây cỏ mọc kín khắp lớp học, phân hiệu giờ đây trở thành chỗ chăn thả gia súc, mùi phân dê và phân lợn nồng nặc. Theo lời của Trưởng bản Nậm Củng, Lò y Van thì: "Số học sinh của bản hiện học ở trường xã chỉ hơn 10 học sinh, phần lớn các em còn khá rụt rè trong giao tiếp. Sau mỗi kỳ nghỉ hè, muốn các em đến trường lại phải đi vận động. Trưởng bản đã đến từng nhà nhưng phần lớn các em vẫn vậy, rất khó thay đổi nhận thức, nhiều em còn bỏ trốn ra rừng".
Theo thầy Nguyễn Trường Dũng, giáo viên Trường THCS xã Bum Nưa: "Hầu như năm nào cũng vậy, sau mỗi đợt nghỉ giữa học kỳ, tết hay nghỉ hè, học sinh lại không đi học, các thầy, cô giáo lại lặn lội đến từng nhà vận động và đón học sinh đến lớp".
Cũng theo thầy Dũng: Học sinh ngại đến lớp có cả nguyên nhân về giao thông đi lại khó khăn. Thầy ví dụ trước kia, thầy dạy ở xã Pa Ủ, cả xã có 12 bản thì có 6 bản xa trung tâm xã, mỗi bản cách nhau 25km. Muốn đưa học sinh đến lớp, thầy và những đồng nghiệp của mình phải trèo đèo, lội suối đến từng gia đình trong bản, thậm chí còn phải lên tận nương rẫy, chỗ các em và gia đình làm để vận động các em đến lớp. Có em học sinh người La Hủ còn dùng lá ngón dọa tự tử nếu như các thầy cô giáo "bắt" phải đi học.
Có dịp tận mắt chứng kiến bữa cơm của các em bán trú vùng cao mới thấy hết bộn bề thiếu thốn. Bữa ăn của các em hằng ngày là cơm kèm theo đĩa muối, đĩa cá khô và bát canh nấu suông. Một tuần các em mới được cải thiện hai bữa thịt lợn từ số tiền hỗ trợ của Nhà nước. Cô Trần Thị Thu Hường cho biết: "Những năm trước, thương các em học sinh vùng cao không có gạo ăn, mùa đông không có quần áo rét để mặc, các thầy, cô giáo cùng nhau góp tiền và gạo nuôi các em học sinh, nhiều thầy, cô giáo còn về xuôi vận động quyên góp những bộ quần áo cũ lên cho các em dùng. Bên cạnh đó, ở 1 số địa phương các cấp ủy, chính quyền và gia đình các em còn coi việc vận động học sinh đến lớp là của ngành giáo dục. Mặt khác, chất lượng giáo dục lớp đầu cấp rất thấp, nhiều học sinh có cố gắng cũng không thể theo nổi chương trình, từ đó chán nản không muốn đến trường, đến lớp...
Để động viên học sinh đến lớp
Để duy trì sỹ số học sinh ở lớp được các thầy, cô giáo ở trường Bum Nưa đưa ra nhiều cách làm hay, khá hiệu quả. Theo thầy Phạm Thành Hoan: "Muốn duy trì sỹ số học sinh, các thầy, cô giáo phải kiên trì, không quản ngại khó khăn đến từng gia đình, từng bản vận động gia đình học sinh. Các thầy, cô giáo vùng cao phải gắn bó với địa bàn, trở thành người thân thiết trong các gia đình người DTTS. Thông hiểu phong tục tập quán, tiếng nói để hòa mình với đời sống của họ; phải có phương pháp giảng bài cho phù hợp với nhận thức của học sinh và có nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực nhằm khơi dậy sự ham thích đến trường của các em".
Chị Vàng Thị Phương, nguyên Phó phòng Giáo Dục huyện Mường Tè, Bí thư xã Bum Nưa cho biết: Với bà con DTTS vùng cao, phải tích cực, kiên trì tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của việc học tập là để nâng cao dân trí. Chính quyền địa phương, các thầy, cô giáo và gia đình đóng vai trò quan trọng. Nhà trường cần thực hiện phụ đạo những em học sinh yếu, khắc phục tình trạng chán học, đây là giải pháp thiết thực góp phần giảm tình trạng học sinh bỏ học".
Do địa bàn vùng cao cách trở, đi lại khó khăn, nên mô hình lớp học bán trú cần được nhân rộng. Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí hợp lý hơn để bảo đảm học sinh được đến lớp... Để giúp đỡ những học sinh khó khăn, việc phối hợp quyên góp của toàn thể xã hội cần được triển khai để những em học sinh vùng cao yên tâm đến trường học tập và các thầy, cô giáo yên tâm dạy học.
Đi cùng cán bộ xã và các thầy, cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bum Nưa, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đến Bản Nậm Củng, xã Bum Nưa vận động học sinh đến lớp học mới thấy hết những gian nan của những thầy, cô giáo vùng cao nơi đây. Đường đến bản Nậm Củng quanh co, hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, chỉ sơ sảy là có thể trượt ngã xuống vực. Sau một giờ vặn mình điều khiển chiếc xe wave ì ạch vượt qua những con đèo dốc dựng đứng, chúng tôi cũng đến được bản Nậm Củng. Bà Vàng Thị Thánh, Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nưa cho biết: "Bản Nậm Củng có 25 hộ dân với 149 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Mảng Trắng. Bà con trong bản chủ yếu canh tác trên nương rẫy, đời sống còn nhiều khó khăn. Bản hiện chỉ có phân hiệu trường tiểu học, các em học sinh muốn học lên cao phải ra học bán trú dân nuôi ở trung tâm xã. Việc vận động học sinh đi học rất khó khăn".
Đến phân hiệu trường tiểu học ở bản, chúng tôi nhận thấy qua ba tháng nghỉ hè cây cỏ mọc kín khắp lớp học, phân hiệu giờ đây trở thành chỗ chăn thả gia súc, mùi phân dê và phân lợn nồng nặc. Theo lời của Trưởng bản Nậm Củng, Lò y Van thì: "Số học sinh của bản hiện học ở trường xã chỉ hơn 10 học sinh, phần lớn các em còn khá rụt rè trong giao tiếp. Sau mỗi kỳ nghỉ hè, muốn các em đến trường lại phải đi vận động. Trưởng bản đã đến từng nhà nhưng phần lớn các em vẫn vậy, rất khó thay đổi nhận thức, nhiều em còn bỏ trốn ra rừng".
Theo thầy Nguyễn Trường Dũng, giáo viên Trường THCS xã Bum Nưa: "Hầu như năm nào cũng vậy, sau mỗi đợt nghỉ giữa học kỳ, tết hay nghỉ hè, học sinh lại không đi học, các thầy, cô giáo lại lặn lội đến từng nhà vận động và đón học sinh đến lớp".
Cũng theo thầy Dũng: Học sinh ngại đến lớp có cả nguyên nhân về giao thông đi lại khó khăn. Thầy ví dụ trước kia, thầy dạy ở xã Pa Ủ, cả xã có 12 bản thì có 6 bản xa trung tâm xã, mỗi bản cách nhau 25km. Muốn đưa học sinh đến lớp, thầy và những đồng nghiệp của mình phải trèo đèo, lội suối đến từng gia đình trong bản, thậm chí còn phải lên tận nương rẫy, chỗ các em và gia đình làm để vận động các em đến lớp. Có em học sinh người La Hủ còn dùng lá ngón dọa tự tử nếu như các thầy cô giáo "bắt" phải đi học.
Có dịp tận mắt chứng kiến bữa cơm của các em bán trú vùng cao mới thấy hết bộn bề thiếu thốn. Bữa ăn của các em hằng ngày là cơm kèm theo đĩa muối, đĩa cá khô và bát canh nấu suông. Một tuần các em mới được cải thiện hai bữa thịt lợn từ số tiền hỗ trợ của Nhà nước. Cô Trần Thị Thu Hường cho biết: "Những năm trước, thương các em học sinh vùng cao không có gạo ăn, mùa đông không có quần áo rét để mặc, các thầy, cô giáo cùng nhau góp tiền và gạo nuôi các em học sinh, nhiều thầy, cô giáo còn về xuôi vận động quyên góp những bộ quần áo cũ lên cho các em dùng. Bên cạnh đó, ở 1 số địa phương các cấp ủy, chính quyền và gia đình các em còn coi việc vận động học sinh đến lớp là của ngành giáo dục. Mặt khác, chất lượng giáo dục lớp đầu cấp rất thấp, nhiều học sinh có cố gắng cũng không thể theo nổi chương trình, từ đó chán nản không muốn đến trường, đến lớp...
Để động viên học sinh đến lớp
Để duy trì sỹ số học sinh ở lớp được các thầy, cô giáo ở trường Bum Nưa đưa ra nhiều cách làm hay, khá hiệu quả. Theo thầy Phạm Thành Hoan: "Muốn duy trì sỹ số học sinh, các thầy, cô giáo phải kiên trì, không quản ngại khó khăn đến từng gia đình, từng bản vận động gia đình học sinh. Các thầy, cô giáo vùng cao phải gắn bó với địa bàn, trở thành người thân thiết trong các gia đình người DTTS. Thông hiểu phong tục tập quán, tiếng nói để hòa mình với đời sống của họ; phải có phương pháp giảng bài cho phù hợp với nhận thức của học sinh và có nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực nhằm khơi dậy sự ham thích đến trường của các em".
Chị Vàng Thị Phương, nguyên Phó phòng Giáo Dục huyện Mường Tè, Bí thư xã Bum Nưa cho biết: Với bà con DTTS vùng cao, phải tích cực, kiên trì tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của việc học tập là để nâng cao dân trí. Chính quyền địa phương, các thầy, cô giáo và gia đình đóng vai trò quan trọng. Nhà trường cần thực hiện phụ đạo những em học sinh yếu, khắc phục tình trạng chán học, đây là giải pháp thiết thực góp phần giảm tình trạng học sinh bỏ học".
Do địa bàn vùng cao cách trở, đi lại khó khăn, nên mô hình lớp học bán trú cần được nhân rộng. Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí hợp lý hơn để bảo đảm học sinh được đến lớp... Để giúp đỡ những học sinh khó khăn, việc phối hợp quyên góp của toàn thể xã hội cần được triển khai để những em học sinh vùng cao yên tâm đến trường học tập và các thầy, cô giáo yên tâm dạy học.
Hoàng Diệu (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 77/2010)