Đổi thay ở Pô Kô (Đăk Tô)

10:05 AM 13/10/2010 |   Lượt xem: 3620 |   In bài viết | 
Từ ngày có cây cầu “nối những bờ vui” Đăk Tuyên năm 2003, đời sống của bà con nơi đây đã khấm khá lên nhiều. Còn nhớ ngày chưa có cầu, đường xá đi lại khó khăn, việc trao đổi buôn bán nông sản đều “trông cậy” vào mấy chiếc thuyền độc mộc nên bị tư thương ép giá. Sản phẩm làm ra bán chẳng được bao nhiêu tiền. Cái nghèo đeo đẳng… 

Vượt qua bao khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, nhân dân toàn xã tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã có những chuyển biến tích cực. Mặc dù Pô Kô vẫn là một trong 5 xã khó khăn của huyện với phần đông là người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng những gì Pô Kô đạt được trong 5 năm qua thật đáng ghi nhận. Hiện toàn xã đã có tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 880,6 ha. Trong đó: diện tích cây lúa nước 92,7 ha; lúa nà rẫy 41 ha; ngô 5,8 ha; mì 736,5 ha. Tổng sản lượng lượng thực có hạt 339,07 tấn; lương thực bình quân đầu người 151 kg/người/năm. Cây lâu năm có trên 510 ha. Trong đó: cao su 360 ha; bời lời 134 ha; cà phê 16 ha. Diện tích đất có rừng 5.579,4 ha. Tổng đàn gia súc 522 con; gia cầm 2.039 con. Diện tích nuôi cá 05 ha...Thu nhập bình quân đầu người đạt 5,5 triệu đồng/người/năm (tăng 2,7 triệu đồng/năm so năm 2005). Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 31,4% (giảm 23,58 % so với năm 2005).

Có được những kết quả này là cả một quá trình mạnh dạn chuyền đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã. Ông A Bái- Bí thư xã cho biết: xã đã phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp: tập huấn kỹ thuật trồng cao su, đậu tương, trồng tre lấy măng, canh tác đất dốc, nuôi cá thịt… cho hơn 350 lượt người tham gia. Tổ chức xây dựng và nhân rộng 6 mô hình sản xuất có hiệu quả. Nhìn chung nhân dân đã dần nắm bắt và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… 

Thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư”, xây dựng tốt nếp sống văn minh gia đình văn hoá, coi trọng phong tục tập quán tốt đẹp, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Toàn xã có 2/5 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa; 151 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa; 5/5 thôn có nhà Rông văn hóa. Từng bước khôi phục và duy trì hoạt động của các đội cồng chiêng trên địa bàn xã; phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh khảo sát, bảo tồn 24 bộ công chiêng các loại.  

Công tác giáo dục cũng có chuyển biến tích cực: Tỷ lệ học sinh lên lớp, được công nhận đỗ tốt nghiệp năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ học sinh đi học ra lớp đạt 99%. Tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 97%. Tỷ lệ học sinh Mầm non 6 tuổi vào lớp 1 và học sinh Tiểu học đạt 100%; trung học cơ sở đạt 94,4 %. 

Xác định công tác dân số gia đình và trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo nên Đảng ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo ngành y tế kết hợp với các Ban, ngành của xã tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân sinh đẻ có kế hoạch, thực hiện các biện pháp tránh thai có hiệu quả nên công tác dân số kế hoạch hóa gia đình và trẻ em có chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 3.0 % năm 2005 xuống còn 2.7 % năm 2010. Trong đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 32% (năm 2005) xuống còn còn 27%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 36,66% (năm 2005) xuống còn 27,66%.  

Cùng với nhiều chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, Pô Kô giờ đã mọc lên nhiều ngôi nhà xây kiên cố, xuất hiện nhiều gương lao động sản xuất giỏi mặc dù chưa nhiều như những địa phương khác nhưng những gì Pô Kô đã làm được hôm nay chúng ta có quyền tin tưởng vào sự bứt phá vươn lên làm giàu bằng chính nội lực của mình trong thời gian không xa./.

Bài và ảnh: Dương Nương (Nguôn: kontum.gov.vn)