Xây dựng nông thôn mới từ chủ trương đến hiện thực

11:03 AM 24/05/2016 |   Lượt xem: 8575 |   In bài viết | 

100% các trường học trong xã Tà Chải, huyện Bắc Hà (Lào Cai) có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới trường lớp không ngừng được củng cố và phát triển.

Trực tiếp và toàn diện nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có nhiệm vụ xây dựng NTM. Từ Nghị quyết 26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mới giai đoạn 2010 - 2020 với 19 tiêu chí cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển nông thôn, cải thiện điều kiện sống và tăng thu nhập cho nông dân. Sau 5 năm, mô hình NTM đã trở thành hiện thực, khi cả nước có 1.298 xã đạt chuẩn (chiếm 14,5% số xã). Dù chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết Trung ương đề ra 20%, nhưng kết quả này đã đánh giá là đặc biệt quan trọng, tạo nên những đường "cày vỡ" cho giai đoạn tiếp theo "thâm canh". 11 huyện NTM, trong đó có những huyện đạt tiêu chí NTM sớm hơn dự kiến là bước phát triển quan trọng của chương trình.

Chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân

Về xã Bản Xen, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai chúng ta sẽ thấy một diện mạo nông thôn hoàn toàn đổi mới so với trước đây. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp, không còn các hủ tục lạc hậu. Đặc biệt, Bản Xen đã vinh dự được công nhận là xã đạt chuẩn NTM.

Ông Châu Xuân Thắng, Bí thư Đảng bộ xã Bản Xen cho biết: Trước đây, Bản Xen là một trong những xã nghèo của tỉnh Lào Cai. Đời sống của nhân dân trong xã gặp nhiều khó khăn, lạc hậu; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 37%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 6,3 triệu đồng; giao thông đi lại khó khăn; vệ sinh môi trường ô nhiễm, phát sinh nhiều bệnh tật… Trong lúc bế tắc và thách thức chưa có lời giải đối với Đảng bộ, chính quyền xã thì Đảng và Nhà nước ban hành một chủ trương lớn, một quyết sách đúng đắn và hợp lòng dân, đó là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Xác định tầm quan trọng của chương trình, xã đã tập trung vào thực hiện, đồng thời lựa chọn các giải pháp, tìm ra những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đảng bộ xã xác định xây dựng đường giao thông là cơ sở cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Khi chưa thực hiện chương trình, Bản Xen chỉ có một tuyến đường được rải cấp phối đã xuống cấp. Tuyến từ trung tâm xã đến các thôn đều là đường đất nhỏ lầy lội, vào mùa mưa đi lại rất khó khăn. Sau 5 năm triển khai thực hiện, xã đã đổ bê tông, xi măng được 15 tuyến với chiều dài 30,51 km tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt tới các bản làng, ngõ xóm và các hộ dân.

Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí đặc biệt quan trọng trong thực hiện chương trình, xã đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, khuyến khích người dân xây dựng các mô hình kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ canh tác của người dân, nhu cầu thị trường, thực hiện liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm. Hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa thế mạnh như: Lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, vùng chè, vùng chuối, vùng dứa… Nhiều hộ gia đình trong xã đã có thu nhập trên 150 đồng/năm. Một số hộ tiêu biểu thu nhập trên 500 triệu đồng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, xã đã hình thành các gia trại, trang trại chăn nuôi với quy mô tập trung, chuyên canh ngày càng được nâng cao như: Lợn đen, gà đen, gà đồi, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân…

Là một trong những huyện đạt chuẩn NTM, ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết: Huyện có 10 đơn vị hành chính cấp xã, với trên 160.000 người; có 16 dân tộc chung sống và trên 87% là người có đạo. Khi bước vào xây dựng NTM, bình quân mỗi xã chỉ đạt 3/19 tiêu chí về thủy lợi, bưu điện và an ninh trật tự. Còn các tiêu chí khác của huyện chưa đạt như: Hạ tầng xã hội còn nhiều thiếu thốn; tình hình sản xuất tuy đã có phát triển nhưng tính hàng hóa trong sản xuất chưa cao; thu nhập của người dân còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,0%; trường học đạt chuẩn quốc gia chỉ đạt 9,1%; giá trị bình quân nông nghiệp đạt 35,7 triệu đồng/ha…

“Từ tình hình trên, Đảng bộ, chính quyền huyện Thống Nhất đã đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng, thường xuyên và cấp bách; coi đó là cơ sở để phát triển kinh tế bền vững. Với nhận thức đó, huyện đã tổ chức thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Đồng Nai về xây dựng nông thôn “4 có”: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; đời sống kinh tế được cải thiện; đời sống văn hóa tốt; môi trường sinh thái tốt; từ đó tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng NTM”, ông Chiến chia sẻ.

Đến nay, sau 5 năm thực hiện, bộ mặt nông thôn huyện Thống Nhất đã khởi sắc, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. “Các mục tiêu về Chương trình trên địa bàn huyện đã đi đúng hướng, đạt kết quả khả quan. Trong đó, toàn huyện đã đầu tư hoàn thiện 47 dự án giao thông với 202 km đường trục, đảm bảo yêu cầu kết nối giữa các xã, huyện, tỉnh lộ, quốc lộ, trực tiếp góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống sinh hoạt của nhân dân. Huyện đã hình thành được 13 vùng cây trồng chủ lực, chuyên canh; hơn 20 khu chăn nuôi, 4 điểm giết mổ tập trung với hơn 1.000 trang trại. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện bình quân (trồng trọt và chăn nuôi) đạt 291,71 triệu đồng/ha/năm…”, Chủ tịch Trần Văn Chiến bộc bạch.

Người dân hưởng lợi

Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng NTM, ông Châu Xuân Thắng, Bí thư Đảng xã Bản Xen cho rằng: Để đạt chuẩn xã NTM, chúng tôi đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân. Trong đó, công tác tuyên truyền đi trước một bước, làm cho mọi người dân hiểu được lợi ích, vai trò và trách nhiệm của mình trong thực hiện chương trình với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”. Từ đó hiểu rõ nội dung, cách làm, nghĩa vụ, trách nhiệm của từng tổ chức và cá nhân trong xây dựng NTM. Cùng với đó, Bản Xen đẩy mạnh phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, vì mục tiêu cuối cùng của chương trình là nâng cao đời sống kinh tế, vật chất, tinh thần cho nhân dân nông thôn.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất chia sẻ: Là huyện đặc thù có đông đảo bà con công giáo (chiếm 72% dân số) nên công tác vận động giáo dân tích cực tham gia phong trào “cả nước chung sức xây dựng NTM” được đặc biệt coi trọng. Huyện đã thực hiện có hiệu quả công tác “dân vận khéo”, phát huy tốt truyền thống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính chúa yêu nước”. Đồng thời, huyện thường xuyên tổ chức gặp mặt, trao đổi giữa lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền với linh mục, chức sắc các tôn giáo về nội dung xây dựng NTM, với quan điểm nhất quán trong hệ thống chính trị là “kiên trì, khôn khéo, tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ, cùng đồng hành thực hiện, cùng xây dựng NTM”, do đó các linh mục và bà con giáo dân đã hiểu rõ, nhiệt tình tham gia xây dựng NTM.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xây dựng nông thôn thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng NTM phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân; làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình. Phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền có vai trò quan trọng...

Tạo những đường "cày vỡ"

Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn người dân xây dựng NTM. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng NTM. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước. Đội ngũ cán bộ vận hành chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và chỉ đạo chương trình có hiệu quả hơn, nhất là trong việc xây dựng dự án, vận động quần chúng và tổ chức, thực hiện dự án.

Nhiều địa phương đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, chủ động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của mình. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy; dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất.

Tính đến hết tháng 11/2015, cả nước có 1.298 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân cả nước tăng từ 4,7 tiêu chí/xã năm 2010 lên 12,9 tiêu chí/xã năm 2015 (tăng 8,2 tiêu chí); 138 xã khó khăn đã nỗ lực vươn lên (từ xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên). Cả nước đã có 11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và có 8 huyện, thị xã đang đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương thẩm định, công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015. Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, kinh nghiệm tốt. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010).

Tuy nhiên, sau 5 năm, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM còn tồn tại một số hạn chế. Đó là, tiến độ triển khai Chương trình nhìn chung còn chậm so với yêu cầu mục tiêu tới năm 2015 có 20% xã đạt NTM như Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) đề ra. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về những nội dung thiết yếu của chương trình chưa đầy đủ, việc quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chưa thường xuyên, sâu sát. Các nội dung của chương trình về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương đã chú trọng thực hiện các nội dung xây dựng NTM do cấp xã đảm nhận, nhưng chưa chú trọng đúng mức thực hiện các nội dung ở cấp thôn và hộ gia đình. Một số cơ chế, chính sách của chương trình không phù hợp, chậm được bổ sung điều chỉnh, sửa đổi. Kết quả xây dựng NTM có sự chênh lệnh lớn giữa các vùng, miền; đó là số xã đạt chuẩn ở Đông Nam Bộ là 34%, đồng bằng sông Hồng 23%, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên mới chỉ đạt khoảng 7%...

Đẩy mạnh “thâm canh”

Mục tiêu đến năm 2020, cả nước có khoảng 50% số xã đạt chuẩn NTM; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một huyện đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Cụ thể hóa mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, có việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM; cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn. Cùng với đó là phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí NTM đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn. Đồng thời, huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho chương trình; đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, khen thưởng kịp thời và xứng đáng cho các tập thể làm tốt, các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực, hiệu quả cho chương trình...

Để chương trình tiếp tục được triển khai hiệu quả, sâu rộng, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương và địa phương cần rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình một cách hiệu quả; rà soát, xây dựng lại tiêu chí NTM ở mức cao hơn cho các xã, huyện ở các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010 - 2020. Ban Chỉ đạo các cấp cần có những cơ chế, chính sách thích hợp và đủ mạnh để thực sự khuyến khích việc ứng dụng khoa học - công nghệ, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp, đào tạo nhân lực vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Đi liền với đó là đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị về xây dựng NTM, phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Bởi, xây dựng NTM với 19 tiêu chí chính là thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt của người dân, góp phần thiết thực phát triển nhanh, bền vững, thực hiện mục tiêu dần giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp thực hiện hiệu quả công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân đóng góp phù hợp với khả năng; huy động các nguồn lực từ xã hội; các doanh nghiệp góp sức lực, của cải của mình vào sự nghiệp xây dựng NTM…

Tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020

Ngày 5/4, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg về việc ban hành Tiêu chí huyện NTM và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 

Theo đó, huyện được công nhận là huyện NTM phải có: 100% số xã trong huyện đạt chuẩn NTM; 9 tiêu chí sau đạt chuẩn theo quy định gồm: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, y tế - văn hóa - giáo dục, sản xuất, môi trường, an ninh, trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng NTM. Trong đó, với tiêu chí y tế - văn hóa - giáo dục, bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 3; Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia; Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đạt chuẩn, có nhiều hoạt động văn hóa - thể thao kết nối với các xã có hiệu quả; tỷ lệ trường Trung học phổ thông đạt chuẩn ≥ 60%. Còn về tiêu chí sản xuất, phải hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; hoặc có mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện. 

Về tiêu chí môi trường, hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn; 100% cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường. Quyết định cũng nêu rõ, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 -2020 phải có 100% số xã trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn NTM. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn và tiêu chuẩn chuyên ngành đối với Tiêu chí huyện NTM. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn chung. Các Tiêu chí và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM ban hành tại Quyết định này, các địa phương áp dụng trong đánh giá, xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong giai đoạn 2016 - 2020. Đối với các huyện đang được xem xét công nhận đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2011 - 2015 áp dụng theo quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. 

NL

 

Theo: Nguyễn Cường (baotintuc)