Xã hội hóa dạy chữ Khmer ở Trà Vinh
09:54 AM 11/01/2018 | Lượt xem: 4744 In bài viết |Những năm qua, công tác dạy và học chữ Khmer cho học sinh dân tộc Khmer trong tỉnh Trà Vinh luôn được ngành giáo dục và đào tạo, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện. Sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, các mô hình xã hội hóa của Hội Khuyến học, Ban quản trị các chùa Khmer, các vị Achar… đã góp phần không nhỏ nhằm duy trì, nhân rộng những điểm dạy chữ Khmer trong cộng đồng.
Chữ được xem như linh hồn của đồng bào dân tộc Khmer. Dạy chữ cho cấp tiểu học chủ yếu giúp cho học sinh các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết chữ Khmer. Trên cơ sở học âm vần và thực hành giao tiếp văn bản, thực hành ngôn ngữ, học sinh bước đầu có kiến thức đơn giản về chữ Khmer. Dạy chữ Khmer ở bậc trung học cơ sở tiếp tục củng cố và phát triển cho các em các kỹ năng sử dụng chữ, cung cấp kiến thức cơ bản về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, phong cách của chữ Khmer; mở rộng hiểu biết về con người, cuộc sống, văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ và các dân tộc khác ở Việt Nam và trên thế giới.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có hơn 67 nghìn người dân tộc Khmer theo các cấp học. Tổng số học sinh học chữ Khmer là hơn 19 nghìn, trong đó cấp tiểu học là hơn 15 nghìn; cấp trung học cơ sở là hơn ba nghìn và cấp trung học phổ thông là 739 em.
Tuy nhiên, hiện nay việc dạy và học chữ Khmer ở các trường phổ thông còn nhiều hạn chế. Thiệt thòi nhất là các học sinh vùng có ít đồng bào dân tộc, trường học không tổ chức lớp học song ngữ; số tiết học chữ Khmer ở các lớp song ngữ không nhiều; trình độ giáo viên không đồng đều; học sinh phải dành nhiều thời gian để theo học chương trình phổ thông… Vì vậy, bên cạnh việc dạy và học chữ Khmer tại các trường phổ thông, hiện nhiều địa phương ở Trà Vinh đã phát triển và nhân rộng giảng dạy chữ Khmer trong cộng đồng mang tính xã hội hóa. Với tinh thần trách nhiệm cao của các vị sư sãi, Achar tham gia dạy chữ cho các học sinh Khmer trong các tháng hè, các lớp dạy chữ Pali- Khmer cho tăng sinh, học sinh suốt trong năm học được phát triển mạnh tại các huyện Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang…
Achar Kim Sô Phol ở ấp Hương Phụ B, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành chia sẻ: Giữ được chữ viết là giữ được tiếng nói và văn hóa của dân tộc mình. Từ năm 1993, ông bắt đầu tham gia dạy chữ Khmer cho các vị sư ở chùa, dạy bổ túc nâng cao chữ Khmer cho các học sinh trong ba tháng hè. Với Achar Kim Sô Phol, ngoài niềm tin và tâm huyết, việc được dạy chữ Khmer cho đồng bào dân tộc mình là nghĩa vụ của người học trước truyền lại cho người học sau.
Vì số tiết học chữ Khmer ở các lớp học song ngữ trong trường phổ thông không nhiều, cho nên rất cần mở lớp bổ túc cho học sinh DTTS trong những tháng hè. Theo Achar Kim Sô Phol, các em phải học liên tục như vậy, nhưng đến hết lớp 5 cũng chỉ khoảng 50% số học sinh có thể thi đậu bằng tiểu học về Khmer ngữ. Ngoài các điểm dạy chữ Khmer trong chùa, các vị Achar và Trưởng ban nhân dân ấp còn tận tâm kèm cặp chữ viết cho các em nhỏ tại địa phương. Trưởng ban nhân dân ấp Thanh Trì B Sơn Thuôn Đa cho biết, đã hơn hai năm qua, tại nhà ông, luôn duy trì điểm dạy chữ Khmer trong ba tháng hè cho hơn 20 em học sinh. Các vị sư và phật tử đóng góp từ 40.000 đến 50.000 đồng/tháng để phụ trả tiền điện và mua nước uống cho giáo viên và học sinh tại các điểm học ở nhà dân. Việc giảng dạy của các thầy, Achar phần lớn với tinh thần trách nhiệm cộng đồng, cùng nhau đem cái chữ đến với các em. Nhà chùa và Hội Khuyến học cũng nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng, phật tử trong việc giúp, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để các em được học chữ Khmer. Một số chùa trên địa bàn xây dựng mô hình nuôi heo đất tập thể, hằng năm chùa trích tiền từ nuôi heo đất và từ sự hỗ trợ của phật tử khoảng năm đến tám triệu đồng để mua sách vở, trao học bổng, khen thưởng các học sinh.
Năm học vừa qua, thông qua mô hình xã hội hóa, huyện Châu Thành đã hỗ trợ 884 giáo viên dạy chữ Khmer với số tiền 84 triệu đồng; hỗ trợ 86 tăng sinh và các học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn 61 triệu đồng; tặng chín nghìn quyển vở, hơn ba nghìn cây viết (trị giá gần 40 triệu đồng). Ngoài ra, các vị sư trụ trì chùa, Ban Quản trị chùa còn trực tiếp trao học bổng và đỡ đầu các học sinh nghèo. Mô hình xã hội hóa việc dạy chữ Khmer cho con em đồng bào tại Trà Vinh đang trở thành phong trào ý nghĩa của địa phương.
(nhandan.com.vn)