Về Trạm Tấu chung vui đón Tết

05:53 PM 04/10/2015 |   Lượt xem: 3040 |   In bài viết | 

Tuy vậy, cả vùng nhộn nhịp cho việc vào vụ lúa xuân 2015, từ Bản Mù, Xà Hồ, Pá Hu đến Tà Xi Láng, đến đâu chúng tôi cũng thấy cảnh người người xuống đồng làm đất, gieo mạ, ủ ấm bằng ni-lon cho diện tích mạ đã gieo, nhằm đủ giống cấy xong toàn bộ trước ngày 20-2.

Cũng dịp này cách đây ba năm, người Mông ở Trạm Tấu (Yên Bái) đã ăn Tết (vào cuối tháng 12, trước Tết cổ truyền của người Việt Nam một tháng và kéo dài cả tháng). Nghĩa là, nhà nhà mổ lợn, gà làm cỗ và rượu rót tràn chén chúc nhau; nam nữ mặc áo quần đẹp đi chơi ở các bản bạn qua các triền núi, bỏ mặc việc sản xuất, cho dù cái đói vẫn còn cận kề trong từng mái nhà. Trước tình hình nêu trên, Huyện ủy Trạm Tấu vừa xin ý kiến tỉnh, vừa tiến hành triển khai các giải pháp đồng bộ, đồng thời thành lập các tổ công tác xuống 69 bản Mông vận động đồng bào chung vui một Tết. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín đồng thuận với ý Đảng, bởi biết Tết kéo dài thì trẻ không được học chữ, vụ lúa xuân không kịp thời vụ, con em đi làm và học ở xã không về đúng dịp được, cái quan trọng hơn là cứ vui và rượu, thịt mãi thì lấy gì mà sống sau Tết.

Bí thư Huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh nhớ lại cái Tết trước, ngoài việc cấp cho mỗi xã thêm 10 triệu đồng để cơ sở tổ chức đón Xuân, đưa gạo cứu trợ đến 100% số hộ nghèo, thì các đơn vị phụ trách xã của tỉnh đã tiến hành thăm, tặng quà và chăm lo các gia đình yếu thế trong xã hội, khiến người nghèo an tâm khi được Nhà nước quan tâm, mọi nhà đều có Tết. Các xã đều mở điểm vui chơi bắn nỏ, đua ngựa, ném pao, ném còn, đẩy gậy... tại các điểm trung tâm xã, thu hút đồng bào đến vui chơi.

Người Mông ở Trạm Tấu đã bắt nhịp chung vui Tết cùng dân tộc, không ăn riêng như hồi nào nữa. Vừa qua, Tỉnh ủy Lai Châu đã đưa 100 già làng, trưởng bản, người có uy tín dân tộc Mông về Trạm Tấu, Mù Cang Chải của Yên Bái học tập kinh nghiệm vận động đồng bào Mông chung vui một Tết, đó cũng là một tín hiệu vui trong cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc.

Tại cánh đồng Kháo Chu, xã Bản Công, nông dân Giàng A Gia nhanh tay vén tấm ni-lon che mạ để thông thoáng khi trời hửng, vừa cho biết: Nhà mình vụ này gieo 16 cân thóc giống, nhờ nước đủ cho nên ruộng bậc thang này mình bừa kỹ, chờ mạ đủ ba lá thì cấy thôi". Anh Nguyễn Thành Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đi cùng phấn khởi: Vụ này toàn huyện phấn đấu cấy 1.350 ha, tăng hơn 50 ha so vụ trước. Đến nay đã cấp xong 300 tấn thóc giống, bảy tấn ni-lon che mạ, 100% số cán bộ khuyến nông đều "ba cùng" tại các thôn bản nhằm giúp dân gieo mạ dược và 100% diện tích mạ được che ni-lon, không để cái rét đậm làm chết mạ. Năm 2014, huyện Trạm Tấu dành 13 tỷ đồng cho việc ổn định sản xuất, hỗ trợ giống, phân bón, vật tư khác và làm thủy lợi để làm lúa, làm ngô trên đất dốc. Nhờ đó, đã đạt gần 20.000 tấn lương thực có hạt, lương thực bình quân đầu người là 658 kg/người/năm, chấm dứt tình trạng đói giáp hạt.

Tráng A Lềnh đang cùng vợ chở củi về nhà ở bản Mông Đơ, xã Bản Mù nhằm lo đun trong mấy ngày Tết sắp đến, lúc giải lao bên đường khoe: "Năm nay, ba đứa con nhà mình theo học bán trú, được cho ăn trưa tại lớp cho nên đỡ vất vả.

Nhà đã nuôi được lợn hơn một tuổi, mấy hôm nữa mổ ăn Tết, nhờ có đường tốt về tận bản nên vụ ngô vừa rồi bán được giá hơn sáu triệu đồng, đủ mua sắm Tết rồi, không lo nhiều như ngày trước nữa". Khi đến xã Phình Hồ, gặp trưởng dòng họ Sùng là Sùng Nủ Ninh bên bếp lửa trong ngày đông lạnh, ông bảo: "Ngày đầu nghe cán bộ vận động, bản thân mình cũng không ưng cái bụng, nhưng thấy cái lý của cán bộ đúng quá cho nên cái đầu mình hiểu ra và vận động cả dòng họ cùng ăn chung một Tết.

Này nhé, về thời gian ăn Tết thì chỉ lùi lại hơn một tháng và mọi tập quán đều giữ nguyên; nếu trước ăn Tết cả tháng thì lợn, gà, rượu chui hết vào bụng, sau Tết lại đói. Bây giờ, cùng chung vui một Tết thì con cháu mình không phải bỏ học, thời gian làm lúa xuân đúng vụ đồng ruộng không còn bỏ hoang nữa".

Những ngày giáp Tết Nguyên đán này, đi dọc các triền núi ở vùng cao Trạm Tấu bắt gặp cảnh đồng bào Mông tấp nập xuống đồng làm sạch bờ ruộng, gieo mạ, bừa chín đất để vào vụ mới, hứa hẹn một mùa gặt no ấm. Khi lòng người đồng thuận với chủ trương mới của Đảng, thì các tập tục lạc hậu sớm bị bài trừ, góp phần đưa miền núi đẩy đuổi cái đói, xóa cái nghèo một cách bền vững.

Thanh Sơn (Báo Nhân dân)