Triển khai hiệu quả Chương trình chính sách phát triển hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi
10:11 PM 29/08/2022 | Lượt xem: 1753 In bài viết |Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr; lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc UBDT. Về phía Ngân hàng Thế giới có bà Stefani Stallmeister, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành liên quan của 11 tỉnh thuộc địa bàn triển khai thực hiện Chương trình, như: Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn; Sơn La; Điện Biên, Lào Cai…
Do nhu cầu nguồn lực đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hôi vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG DTTS và miền núi) là rất lớn so với khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước. Vì vậy, tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội đã phê duyệt tổng vốn “tối thiểu 137.664 nghìn tỷ” cho giai đoạn 1 của Chương trình và giao cho Chính phủ có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA để bổ sung nguồn lực cho việc thực hiện Chương trình.
Toàn cảnh buổi làm việc
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 277/QĐ-TTg ngày 25/02/2022 về việc ban hành Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình, UBDT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới, Quỹ Giáo dục toàn cầu và tiến hành Đoàn công tác nhằm chuẩn bị cho Chương trình DPO.
Chương trình DPO có tên gọi đầy đủ là Chương trình chính sách phát triển hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi sử dụng khoản viện trợ không hoàn lại 12,25 triệu USD từ Quỹ Đối tác Giáo dục toàn cầu GPE và khoản vay 150 triệu USD từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới theo hình thức tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu.
Báo cáo kết quả làm việc của Đoàn công tác chuẩn bị Chương trình DPO, ông Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG DTTS và miền núi cho biết: Trong khuôn khổ Chương trình DPO, dự kiến có 10 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục (theo như đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 64,75 triệu USD tương đương 1.490 tỷ đồng) và 66 dự án đầu tư thuộc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông thiết yếu vùng đồng bào DTTS và miền núi (với tổng mức đầu tư 97,5 triệu USD tương đương 2.243,63 tỷ đồng).
Ông Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG DTTS và miền núi báo cáo kết quả làm việc của Đoàn công tác chuẩn bị Chương trình DPO tại buổi làm việc chiều nay
Khoản hỗ trợ ngân sách đi kèm với cam kết của Chính phủ trong việc rà soát, sửa đổi các chính sách cho phù hợp với định hướng phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi và Chiến lược phát triển ngành giáo dục nhằm đảm bảo trẻ em DTTS được tiếp cận hệ thống giáo dục có chất lượng bình đẳng với trẻ em các dân tộc đa số. Các hành động đổi mới cơ chế, chính sách do Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan thực hiện.
Theo ông Hà Việt Quân, để rà soát danh mục và tiến độ chuẩn bị dự án đầu tư, từ ngày 12/7 đến ngày 18/8/2022, Đoàn đã làm việc với Bộ GD&ĐT và hoàn thành công tác tại 10/11 tỉnh thụ hưởng của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông thiết yếu vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo ghi nhận các địa phương đánh giá rất cao ý nghĩa của Chương trình DPO này.
Đoàn đã làm việc với Bộ GD&ĐT và UBND các tỉnh là cơ quan chủ quản các dự án đầu tư, các cơ quan liên quan thống nhất cam kết, nỗ lực hoàn thành các dự án đầu tư và giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025, không kéo dài sang giai đoạn 2026 - 2030. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG DTTS và miền núi do Chính phủ đã phê duyệt; tập trung công tác chuẩn bị thủ tục để đảm bảo hoạt động vốn ODA cho các dự án đề xuất đảm bảo quy định, quy trình. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung trọng tâm mà Đoàn khảo sát yêu cầu. Qua đó, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn ODA cho các dự án đề xuất ngay sau khi Chính phủ và Ngân hàng Thế giới phê duyệt.
Ông Hà Việt Quân cũng chia sẻ thông tin liên quan đến quy trình thủ tục; cơ chế tài chính, kiến nghị, đề xuất, nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình.
Tại buổi làm việc, ngoài lắng nghe báo cáo kết quả của Đoàn công tác, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể để có thể đi đến thống nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khoản hỗ trợ ngân sách này. Đại diện các bộ ngành liên quan và UBND các tỉnh cũng thể hiện cam kết, đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả Chương trình với vai trò là cơ quan chủ quản các dự án đầu tư, trong công tác chuẩn bị thủ tục để đảm bảo tiến độ chuẩn bị, đàm phán và ký kết chương trình
Bà Stefani Stallmeister, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Stefani Stallmeister, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tin tưởng Chính phủ Việt Nam với vai trò chủ trì của UBDT sẽ triển khai, thực hiện hiệu quả Chương trình này. Bà Stefani Stallmeister mong muốn, Việt Nam sẽ tiến hành đầy đủ các quy trình thủ tục, tiến tới đàm phán, giải quyết những vấn đề còn đang bỏ ngỏ. Ngân hàng Thế giới cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ UBDT để triển khai các phần việc, góp phần vào thành công của Chương trình MTQG DTTS và miền núi.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính mà Ngân hàng Thế giới đã dành cho UBDT trong suốt thời gian qua, điều này mang đến ý nghĩa khích lệ rất lớn cho đồng bào vùng DTTS và miền núi Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh: Qua đợt khảo sát vừa rồi, Đoàn công tác đã đánh giá được thực trạng còn rất nhiều khó khăn và nhu cầu đầu tư về cơ sở hạ tầng thiết yếu tăng cường kết nối cũng như phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các cải cách chính sách đã và đang được hoàn thành trong Khung chính sách Chương trình DPO, và các dự án đầu tư mục tiêu từ khoản hỗ trợ ngân sách Chương trình DPO sẽ tạo động lực phát huy sức mạnh, thúc đẩy phát triển bền vững ở những địa bàn khó khăn nhất.
Đánh giá cao những ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG DTTS và miền núi phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát thủ tục pháp lý; xác định lộ trình, thời gian hoàn thành; làm rõ cơ chế tài chính; thẩm quyền triển khai thực hiện...
Bên cạnh Chương trình DPO, Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn trong thời gian tới, Ngân hàng Thế giới tiếp tục quan tâm hỗ trợ UBDT trong quá trình triển khai một số Dự án, tiểu dự án giai đoạn 1 Chương trình MTQG DTTS và miền núi; tiếp tục huy động và đa dạng hóa nguồn lực tài chính hỗ trợ Chương trình; hỗ trợ nghiên cứu đầu vào và thiết kế Chương trình MTQG DTTS và miền núi giai đoạn 2 từ năm 2025 đến năm 2030.
*Cũng trong chiều ngày 29/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo 11 tỉnh về một số giải pháp tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi.
Buổi làm việc đã thông tin về tình hình triển khai Chương trình ở các địa phương; giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2022 và công tác lập kế hoạch năm 2023; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện Chương trình.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh thông tin về tiến độ và những vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình ở cấp Trung ương. Chia sẻ khó khăn với các địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn lãnh đạo các tỉnh tiếp tục quan tâm, vào cuộc quyết liệt, kiện toàn bộ máy, tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, để Chương trình sớm đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả cao nhất.
Xuân Thường