Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 718/QĐ-TTg
05:38 PM 22/08/2019 | Lượt xem: 3015 In bài viết |Ngày 22/8, tại Tp.Thanh Hóa, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 718/QĐ-TTg ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu, vùng Tây Bắc giai đoạn 2014 – 2018”. Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông chủ trì Hội nghị. Tham dự có đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương và 9 tỉnh thực hiện Quyết định 718.
Sau khi Quyết định 718/QĐ-TTg được ban hành, các tỉnh đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, triển khai đồng bộ các nội dung trong Quyết định; các tỉnh đều nhìn nhận rằng, việc tăng cường đội ngũ cán bộ cơ sở là người DTTS trên những địa bàn trọng điểm là hết sức cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn. Riêng tỉnh Thanh Hóa và Điện Biên, bằng nguồn kinh phí của địa phương, căn cứ các tiêu chí theo Quyết định 718/QĐ-TTg và điều kiện thực tiễn ở cơ sở đã chủ động mở rộng thêm địa bàn, đối tượng thuộc thành phần các dân tộc khác.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Qua 5 năm triển khai thực hiện, các địa phương trong phạm vi thực hiện Quyết định đã lựa chọn và ký hợp đồng với 205/258 nhân viên người dân tộc Mông làm việc tại xã trọng yếu. Việc triển khai Quyết định 718/QĐ-TTg đã mang lại hiệu quả tích cực, đạt được mục tiêu đề ra, công tác nắm bắt tình hình trong đồng bào dân tộc Mông được thuận lợi hơn, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt các giải pháp, công tác phát triển đảng và củng cố các chi bộ ở thôn, bản đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Ở các xã thuộc phạm vi Quyết định 718/QĐ-TTg đã kết nạp được 2.313 đảng viên, trong đó đảng viên người dân tộc Mông là 812 người, thành lập 300 chi bộ thôn, bản, xóa được 86 thôn, bản trắng đảng viên, cử gần 500 lượt cán bộ, công chức người dân tộc Mông đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được trú trọng, từng bước khắc phục tình trạng lệch về cơ cấu, đảm bảo tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp giữa các thế hệ. Trên 60 % các xã có 30 % dân số là người dân tộc Mông trở lên được bố trí ít nhất 1 cán bộ là người dân tộc Mông giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt. Hiện đã có 7/9 tỉnh không còn tình trạng thôn, bản trắng chi bộ. Riêng tỉnh Điện Biên còn 33 thôn, bản chưa có chi bộ, 6 thôn bản chưa có đảng viên và tỉnh Sơn La còn 1 thôn, bản chưa có chi bộ.
Toàn cảnh Hội nghị
Kết quả triển khai Quyết định 718/QĐ-TTg cho thấy, đây là một chủ trương, giải pháp thiết thực, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Quá trình triển khai luôn được sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương; cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thực hiện chủ trương này với tinh thần tích cực, thống nhất, đồng thuận, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ góp phần tạo nguồn cán bộ dân tộc cho cơ sở, mà còn là yếu tố hết sức quan trọng trong công tác nắm bắt tình hình nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, xây dựng Đề án chưa xét đến thực tế địa bàn trọng yếu, hầu hết các xã đặc biệt khó khăn có phụ cấp khu vực 70%, chính sách thu hút xã biên giới 50%, do vậy việc đề xuất mức phụ cấp cho nhân viên hợp đồng (từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/người) là rất thấp, không đảm bảo chi tiêu cho nhu cầu tối thiểu và chưa có BHXH, BHYT. Nhân viên hợp đồng không được ưu tiên nhiều trong tuyển dụng công chức xã, vì vậy dẫn đến tình trạng bỏ việc hoặc chấm dứt hợp đồng.
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn 17 xã có tỷ lệ người dân tộc Mông chiếm 30% dân số chưa bố trí được cán bộ chủ chốt là người Mông do không có nguồn cán bộ; tại một số địa phương, đồng bào người Mông có trình độ từ trung học phổ thông trở lên rất ít. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu nêu ý kiến tham luận tại Hội nghị này.
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách đối với nhân viên hợp đồng là người Mông công tác tại các xã thực hiện Quyết định 718/QĐ-TTg. Đa số các ý kiến cho rằng, mức kinh phí phụ cấp cho nhân viên hợp đồng từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/người là quá thấp, không được vận dụng theo hệ số lương, không quy định việc đóng BHXH, BHYT; nên các nhân viên hợp đồng không yên tâm công tác, nếu tiếp tục hỗ trợ với mức phụ cấp như hiện nay, sẽ dẫn đến việc nhiều người lao động bỏ việc hoặc chấm dứt hợp đồng... Các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người DTTS, trong đó có đồng bào dân tộc Mông; tại các tỉnh thực hiện Quyết định 718/QĐ-TTg cần có giải pháp phù hợp trong thi tuyển công chức đối với người dân tộc Mông sau khi kết thúc hợp đồng; lựa chọn đào tạo theo chức danh khi đã trúng tuyển công chức đối với cán bộ người dân tộc Mông cũng như cán bộ người DTTS nói chung.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà các tỉnh đã đạt được sau 5 năm triển khai Đề án, đồng thời bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương còn gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cũng tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của các địa phương và sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ trong thời gian tới.
Tại Hội nghị tổng kết, đã có 32 tập thể và 28 cá nhân vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện Quyết định số 718/QĐ-TTg ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu, vùng Tây Bắc giai đoạn 2014 – 2018”.
(Quỳnh Trâm - Báo Dân tộc và Phát triển)