Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính tại Gia Lai

09:37 AM 13/06/2024 |   Lượt xem: 2268 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai, qua kết quả rà soát đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025; đối chiếu các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, tỉnh Gia Lai có 1 đơn vị cấp huyện, 2 đơn vị cấp xã thuộc diện nghiên cứu sắp xếp, gồm: Huyện Đak Pơ, xã Đăk Hlơ (huyện Kbang) và xã Tân Sơn (Tp. Pleiku).

Quang cảnh buổi làm việc

Đối với phương án sắp xếp chọn sáp nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Đak Pơ vào thị xã An Khê và giữ nguyên đơn vị hành chính sau sáp nhập là thị xã An Khê. Tuy nhiên, thống nhất báo cáo Trung ương sẽ thực hiện việc sáp nhập vào thời điểm sau năm 2030. Vì theo quy hoạch phân loại đô thị đã được phê duyệt đến năm 2025, thị xã An Khê đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu để đạt tiêu chuẩn đô thị từ loại IV lên đô thị loại III.

Riêng huyện Đak Pơ chưa có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, văn hóa, xã hội theo tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị tương ứng nên khi sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ phấn đấu huyện nông thôn mới của tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính tại Gia Lai

Thời gian trong năm 2024 sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện là quá ngắn, số lượng cán bộ, công chức, người lao động dự kiến dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 nhiều cùng với việc thực hiện tinh giản biên chế sẽ tạo ra áp lực lớn cho giải quyết chế độ, chính sách dôi dư...

Đối với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã Tân Sơn của Tp. Pleiku, sáp nhập nguyên trạng xã Tân Sơn vào xã Biển Hồ. Tuy nhiên, việc cắt giảm diện tích xã Trà Đa hoặc sáp nhập nguyên xã Trà Đa vào xã Biển Hồ thì địa bàn rộng, dân cư phân tán, sự kết nối giữa khu dân cư với trung tâm xã không thuận lợi, sẽ phá vỡ chương trình phát triển đô thị của thành phố Pleiku, ảnh hưởng tâm tư nguyện vọng và nỗ lực phấn đấu của địa phương.

Ông Đặng Quốc Hoài Huy - Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê báo cáo những khó khăn khi sáp nhập đơn vị hành chính

Việc sắp xếp xã Đăk Hlơ của huyện Kbang, điều chỉnh địa giới hành chính, chuyển diện tích tự nhiên một phầncủa làng Lợt thuộc xã Đăk Hlơ vào xã Nghĩa An; phần còn lại của xã Đăk Hlơ nhập vào xã Kông Bơ La. Qua việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân việc cắt nhập làng Lợt về xã Nghĩa An thì người dân đồng tình, ủng hộ cao.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, trình bày những khó khăn, vướng mắc, đề xuất với Ban Chỉ đạo về việc sáp nhập cấp huyện, xã và xin triển khai việc sáp nhập sau năm 2030. Đồng thời, tỉnh Gia Lai cũng đưa ra đề xuất, kiến nghị như: Đề nghị Trung ương hướng dẫn về sử dụng kinh phí thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, cụ thể như: Các đầu công việc và nội dung chi; định mức chi; công tác thanh quyết toán; nguồn chi...; đề nghị Trung ương nghiên cứu, quy định mức khung về chế độ, chính sách hỗ trợ cho các trường hợp giải quyết nghỉ việc do dôi dư khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi Điều 15 của Nghị định số 54/2018/NĐ-CP cần quy định rõ thời hiệu giải quyết xử lý, kiến nghị về kết quả lấy ý kiến cử tri.

Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc đã chia sẻ khó khăn và giải đáp những thắc mắc của đại biểu tỉnh Gia Lai.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr đánh giá cao việc triển khai tích cực, kịp thời sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh Gia Lai. Sắp tới, thời gian không còn nhiều, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Gia Lai phát huy tinh thần trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Ban Cán sự Đảng của UBND tỉnh có tổng hợp báo cáo kịp thời Tỉnh uỷ về những nội dung địa phương đề xuất, kiến nghị; hoàn tất phương án tổng thể, rà soát lại nội dung liên quan đầy đủ và thuyết phục, minh chứng cụ thể bằng số liệu, dân tộc, tôn giáo, yếu tố đặc thù…

Về sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính và giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư, Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương, trình HĐND cùng cấp ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; làm tốt công tác tuyên truyền tới người dân trên địa bàn, nhất là đối tượng chịu sự tác động để bảo đảm sự đồng thuận của người dân và hệ thống chính trị ở địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. 

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị tỉnh Gia Lai phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để được hướng dẫn kịp thời, bảo đảm việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính hiệu quả, phù hợp, đúng quy định.

(baodantoc.vn)