Hội thảo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 khu vực phía Nam

05:02 PM 14/06/2020 |   Lượt xem: 3200 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Khu vực phía Nam có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 152 xã, 486 thôn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020. Ngân sách Trung ương bố trí cho khu vực phía Nam gần 1.558 tỷ đồng, nguồn vốn huy động trực tiếp gần 1.772 tỷ đồng; đã khởi công mới 1.911 công trình cơ sở hạ tầng và duy tu, bảo dưỡng 991 công trình.

Qua 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình 135 đã từng bước tạo điều kiện cho người nghèo là đồng bào DTTS tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tham gia vào công cuộc giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Đến nay có 8 xã, 116 thôn hoàn thành mục tiêu, ra khỏi Chương trình 135.

Trong giai đoạn tiếp theo, mục tiêu của Chương trình là phấn đấu đưa thu nhập bình quân của người DTTS tăng hơn 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm 3%; 100% xã có đường ô tô đi đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa; hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư, sắp xếp, bố trí 90% số dân di cư ngoài quy hoạch; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp; đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS…

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trong Chương trình 135 và khẳng định Chương trình 135 có ý nghĩa rất lớn đối với các địa phương vùng DTTS, ĐBKK. Đồng thời, một số đại biểu cho rằng, các chương trình đầu tư cần sát với yêu cầu, đặc thù của từng địa phương và có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải; khắc phục tình trạng chính sách nhiều đầu mối quản lý, đầu tư kém hiệu quả....

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông đánh giá Chương trình 135 là điển hình của hệ thống chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, là “thương hiệu” về xóa đói, giảm nghèo. Từ đó, là căn cứ, cơ sở để xây dựng nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội; áp dụng chính sách an sinh đặc thù và là mô hình để các tổ chức quốc tế dành sự quan tâm đầu tư. Sau 20 năm triển khai, hàng ngàn công trình giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế,… được đầu tư vùng DTTS và miền núi, vùng kinh tế - xã hội ĐBKK; nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS giúp bà con vươn lên thoát nghèo.

Đại biểu tỉnh Cà Mau đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp của các Bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và người dân để việc triển khai hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn ĐBKK vùng DTTS và miền núi ở khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung những năm tiếp theo hiệu quả hơn nữa.

Theo: Lê Hường (baodantoc.vn)