Hội nghị triển khai Dự án “Dạy nghề và chữ viết Khơ-me cho người dân tộc Khơ-me” huyện Cờ Đỏ

04:37 PM 02/04/2018 |   Lượt xem: 5996 |   In bài viết | 

Quang cảnh Hội nghị

Dự Hội nghị có bà Huỳnh Thị Sô Ma Ly, Vụ trưởng Vụ Địa phương III- Ủy ban Dân tộc; bà Phan Thị Hồng Nhung, Ủy viên BTV Thành ủy, Chủ tịch UB.MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ; ông Lương Văn Trừ, Ủy viên UBND, Trưởng ban Ban Dân tộc; lãnh đạo các sở, ngành: Khoa học và Công nghệ, Cục Thống kê; Huyện Cờ Đỏ có sự tham dự của lãnh đạo Ban Dân vận; MTTQ, Phòng Dân tộc, Kinh tế hạ tầng, Lao động Thương binh và Xã hội, đại diện Hội Đoàn Kết Sư Sãi Yêu Nước TP Cần Thơ, nghệ nhân, các thầy cô giáo tham gia giảng dạy và người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Khơ-me huyện Cờ Đỏ. Thạc sĩ Tào Việt Thắng, Phó trưởng ban Ban Dân tộc, Chủ nhiệm Dự án chủ trì Hội nghị.

Mục tiêu của Dự án là dạy nghề và nâng cao năng lực làm nghề cho người dân tộc Khơ-me nhằm ổn định cuộc sống cho cộng đồng người Khơ-me; Truyền dạy chữ viết Khơ-me cho người dân tộc Khơ-me nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc tại địa phương

Tại Hội nghị, Thạc sĩ Tào Việt Thắng, chủ nhiệm Dự án đã trình bày tóm tắt báo cáo nội dung dự án. Trong đó, mục tiêu dự án đề ra một số nội dung cơ bản như sau:

1. Về học chữ: giúp đồng bào dân tộc Khơ-me hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ (nghe, nói, đọc, viết; trọng tâm đọc và viết) nắm được những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa Khơ-me, tạo điều kiện bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết, văn hóa cổ truyền của dân tộc mình.

2. Về nghề trồng lúa: biết được đặc điểm của sinh vật học của cây lúa, hiểu được các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, xác định được nhu cầu thị trường để có định hướng trồng lúa, biết cách vệ sinh đồng ruộng, làm đất để giao, cấy lúa, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ.

3. Nghề đan lục bình: nắm được phương pháp chuẩn bị dụng cụ của nghề, chọn dao, chọn bàn tuốt sợi tròn, bàn kéo nan mỏng… Thực hành được kỹ thuật đan đơn giản như long mốt, long đôi và các kiểu long ba, kỹ thuật tết các hoa văn và phương pháp hoàn thiện sản phẩm.

Tại Hội nghị này, có nhiều ý kiến đóng góp cho Dự án; bà Huỳnh Thị Sô Ma Ly đã đánh giá cao việc đề xuất thực hiện Dự án của Ban Dân tộc thành phố, mong muốn Dự án triển khai thành công tại huyện Cờ Đỏ để nhân rộng mô hình, phát huy hiệu quả trong thành phố và trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, nơi tập trung đồng bào dân tộc Khơ-me sinh sống, góp phần cùng chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Kết luận tại Hội nghị, ông Tào Việt Thắng, Chủ nhiệm Dự án ghi nhận các ý kiến trình bày của các đơn vị, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo và định hướng tới của lãnh đạo Vụ Địa phương III - Ủy ban Dân tộc và hứa quyết tâm với tinh thần trách nhiệm cao sẽ triển khai thực hiện Dự án đạt kết quả mục tiêu đề ra áp dụng trong thực tế.

(cantho.gov.vn)