Hội nghị chuẩn bị Dự án “Cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào DTTS”
08:45 PM 19/04/2018 | Lượt xem: 8059 In bài viết |Sáng 19/4, tại Bình Định, Ủy ban Dân tộc và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức Hội nghị Đoàn tư vấn chuẩn bị dự án “Cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số - CRIEM”. Tham dự có ông Hoàng Văn Xô, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Ủy ban Dân tộc); các chuyên gia của ADB; ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và lãnh đạo một số tỉnh duyên hải miền Trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Khánh Hòa.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: trong thời gian qua, vùng đồng bào DTTS tại các tỉnh duyên hải miền Trung nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng đã được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu nhiều nguồn lực và chưa đồng bộ. Vùng đồng bào đang rất cần kết nối, mở rộng hệ thống giao thông, điện lưới quốc gia và các công trình thủy lợi để phát triển sản xuất. Nhấn mạnh việc triển khai Dự án tại các tỉnh là rất cần thiết, ông Trần Châu đề nghị Ủy ban Dân tộc, ADB và các tổ chức liên quan tiếp tục quan tâm, đẩy nhanh các bước chuẩn bị để Dự án sớm được triển khai thực hiện.
Tại Hội nghị, các chuyên gia đến từ ADB và Ủy ban Dân tộc đã trao đổi với lãnh đạo 5 tỉnh duyên hải miền Trung tham gia dự án về các nội dung trong phạm vi dự án như việc hoàn thành chuẩn bị các thủ tục, lựa chọn những dự án thành phần mẫu và phần vốn đối ứng của các địa phương...
Tổng nguồn vốn của Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào DTTS khoảng 200 triệu USD, trong đó: vốn vay của ADB là 150 triệu USD, vốn đối ứng là 50 triệu USD. Theo đó, Dự án sẽ triển khai nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, tăng tính kết nối và tiếp cận giao thông tại các huyện nghèo, đồng thời tăng khả năng thích ứng với các hiện tượng khí hậu cực đoan; cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế, cung cấp nước sinh hoạt vùng nông thôn; đổi mới tư duy canh tác truyền thống của đồng bào dân tộc; cải thiện và cung cấp năng lượng điện tái tạo; phát huy nghề truyền thống nhằm hỗ trợ sinh kế và phát triển bền vững. Nâng cao năng lực lập kế hoạch và kỹ năng ứng phó với thảm họa thiên nhiên.
Theo kết quả khảo sát nhu cầu thực tế, tỉnh Bình Định đã đề xuất các tiểu dự án hạ tầng trong khuôn khổ của dự án với tổng nguồn vốn hơn 52 triệu USD, thực hiện tại các huyện: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân và Tây Sơn.
Kết thúc Hội nghị, đại diện Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng phát triển Châu Á và lãnh đạo 5 tỉnh duyên hải miền Trung gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đã ký biên bản ghi nhớ, cam kết thực hiện đúng các qui định của pháp luật, đảm bảo nguồn vốn được đầu tư đúng, mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Lê Phương (baodantoc.com.vn)