Tổng kết dự án Xây dựng mô hình điểm tổ chức cộng đồng xây dựng nông thôn mới

05:57 PM 18/01/2018 |   Lượt xem: 5899 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo, có các đồng chí Lãnh đạo Học viện Dân tộc; đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT; các chuyên gia, các nhà khoa học. Về phía địa phương, có đại diện Lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh, lãnh đạo UBND huyện và nông dân làm mô hình giỏi thuộc 3 tỉnh Lào Cai, Lâm Đồng, Trà Vinh.

Dự án “Xây dựng mô hình điểm tổ chức cộng đồng xây dựng Nông thôn mới ở 3 xã đặc biệt khó khăn (CT30A) thuộc huyện nghèo của 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ” với mục tiêu tăng cường hiệu quả, giải quyết những khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở nhiều địa phương, nhất là các xã đặc biệt khó khăn của các huyện nghèo (huyện 30A), tăng cường đầu tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.

Xuất phát từ điều kiện tự nhiên, tình hình KT-XH của 3 khu vực: Tây Bắc - Tây Nguyên - Tây Nam Bộ, từ năm 2015, 3 xã: Xã Bản Lầu - Mường Khương - Lào Cai; xã Đạ K’Nàng - Đam Rông - Lâm Đồng; xã Tân Hiệp - Trà Cú - Trà Vinh  được lựa chọn là 3 mô hình điểm để triển khai dự án trên.

Tại Hội thảo, đại biểu các địa phương đã đưa ra các tham luận thể hiện cái nhìn tổng quan về quá trình triển khai, kết quả thực hiện cũng như một số hạn chế của dự án. Đa số các ý kiến đánh giá cao sự tham gia, hỗ trợ của của các thành viên Ban quản lý dự án đã gắn bó với cơ sở, tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp bà con tự chủ động thực hiện, duy trì các tiêu chí nông thôn mới.

Đại biểu địa phương phát biểu tại Hội thảo

Kết quả dự án đã tác động lớn đến đời sống người dân, giúp người dân có thể chủ động trong hợp tác phát triển sản xuất, ý thức tự giác trong bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng cao, quy ước thôn bản được sửa đổi bổ sung... góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao chất lượng môi trường sống của bà con đồng bào dân tộc.

Từ những kết quả đạt được, các đại biểu mong muốn dự án tiếp tục được nhân rộng, triển khai đến các địa phương khác với những hoạt động phù hợp với đặc trưng của từng vùng miền; các thành viên dự án rút kinh nghiệm đối với những hạn chế, tồn tại để định hướng tiếp cho địa phương phát huy triển khai, đồng thời có thể chia sẻ kinh nghiệm, kết quả dự án với các địa phương khác, giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tổng kết hội thảo, PGS.TS Ngô Quang Sơn, Phó Giám đốc Học viện Dân tộc, thay mặt Ban quản lý dự án tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời rút kinh nghiệm đối với những hạn chế của giai đoạn vừa rồi để triển khai giai đoạn tiếp theo có tính bền vững. PGS.TS Ngô Quang Sơn cũng nhấn mạnh, Ban quản lý dự án sẽ tiếp tục đồng hành, gắn bó cùng với cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các địa phương để phát huy hiệu quả của dự án, giữ được tính bền vững sau khi dự án kết thúc.

Xuân Thường