Chia sẻ kinh nghiệm triển khai Chương trình 135 khu vực phía Nam

10:48 AM 04/09/2018 |   Lượt xem: 2682 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện một số bộ, ngành Trung ương: Bộ KH&ĐT; Bộ Tài chính; Bộ LĐTB&XH và Bộ NN&PTNT; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc UBDT; Lãnh đạo Ban Dân tộc, UBND các huyện có đông đồng bào DTTS, người có uy tín của 17 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Văn Bảy - Vụ Trưởng, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình 135 cho biết, hội thảo lần này là dịp để đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 ở các tỉnh, thành phía Nam, qua đó các địa phương cùng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình và có những kiến nghị thiết thực để chương trình thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 tại các địa phương cho thấy, Chương trình 135 đã góp phần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như: giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, công trình điện, thủy lợi phục vụ tưới tiêu, nhà văn hóa cộng đồng… nhiều công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững ổn định chính trị trật tự xã hội, an ninh quốc phòng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Nguồn vốn Chương trình 135 được phân bổ theo các tiêu chí, đảm bảo công khai, dân chủ và công bằng; các dự án được đầu tư hỗ trợ đúng địa bàn đối tượng, đảm bảo đúng chế độ, chính sách theo quy định. Một số tỉnh thuộc đối tượng hỗ trợ ngân sách trung ương dù có nhiều khó khăn đặc thù nhưng vẫn phân bổ ngân sách địa phương để bổ sung triển khai chương trình, như: Ninh Thuận, Cà Mau, Long An… Một số địa phương thực hiện tốt việc phân cấp cho xã hoàn toàn làm chủ đầu tư nội dung xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng, hỗ trợ phát triển sản xuất, như: Đồng Nai, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Chương trình vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Hầu hết các địa phương triển khai phân bổ vốn chậm, nhất là tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, từ nguồn vốn năm 2017 phải chuyển sang 2018 (tỉnh An Giang). Việc áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị định 161 vẫn còn nhiều địa phương chưa triển khai; các địa phương chưa quan tâm chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện việc gắn bảng, ghi tên công trình đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135; công tác truyền thông chưa được quan tâm do các Ban Dân tộc, cơ quan làm công tác dân tộc không được phân bổ kinh phí, chưa phát huy tốt vai trò thường trực Chương trình 135 để tham mưu đúng cho UBND tỉnh trong triển khai thực hiện chương trình.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trần Hoàng Duyên - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu cho biết: Tỉnh có 10 xã, 44 ấp nằm trong Chương trình 135. Tất cả các xã đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, đời sống đồng bào các dân tộc khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn và kinh nghiệm nên việc triển khai Chương trình 135 gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù địa phương đã lồng ghép chương trình và các dự án của tỉnh để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, nhưng do các xã nằm trong chương trình đều ở vùng sâu, vùng xa nên cũng khó khăn trong việc thu hút doanh nghiệp; việc thực hiện Chương trình 135 là liên kết của nhiều ngành ở địa phương nhưng hầu như các cơ quan thực hiện chính sách chương trình này chưa có sự liên kết đồng bộ nên hiệu quả chương trình chưa cao.

“Nguồn lực đầu tư cho các xã theo Chương trình 135 chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; các xã nằm trong Chương trình 135 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất rộng, sông ngòi chằng chịt, nền đất yếu, đi lại khó khăn; số lượng hộ đồng bào dân tộc lớn hơn gấp nhiều lần so với các tỉnh phía Bắc, nhưng lại phân bổ đầu tư ngang nhau là chưa hợp lý” - Ông Duyên dẫn chứng thêm.

Ông Duyên kiến nghị, UBDT cần chỉ đạo một đơn vị làm đầu mối để kết nối các ngành lại với nhau cùng thực hiện Chương trình 135. Cần xem xét phân bổ lại nguồn vốn đầu tư phù hợp tình hình thực tế từng địa phương, từng giai đoạn; nên xem xét lại việc cấp phát bảo hiểm cho các đối tượng thuộc xã 135, đối với những đối tượng nằm trong xã 135 thuộc diện khá giàu thì không cấp.

Cùng quan điểm với ông Duyên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, ông Men Pholy cho rằng: “Việc phân bổ nguồn vốn cho xã 135 chưa phù hợp thực tế nên việc thực hiện chương trình ở những xã lớn, có đông đồng bào dân tộc gặp nhiều khó khăn. Ban Dân tộc tỉnh An Giang cũng kiến nghị UBDT cần làm việc lại với Bộ Nội vụ trong việc cân đối biên chế cho các Ban Dân tộc cần hợp lý hơn. Hiện nay hầu như cấp huyện đã ghép Phòng Dân tộc về HĐND, UBND, trong khi đó hai đơn vị này nhiệm vụ chủ yếu là làm công tác hành chính, nên việc thực hiện các chính sách dân tộc sẽ không được sao sát”.

Đại diện tỉnh Long An cho biết, Long An mặc dù không có Ban Dân tộc, nhưng có đường biên giới giáp nước bạn rất dài, vì vậy việc bố trí cán bộ làm công tác dân tộc là rất cần thiết, tuy nhiên biên chế cán bộ làm công tác dân tộc của tỉnh lại rất khó khăn, hiện tại Long An có 17 xã nằm trong chương trình 135 với hơn 4 nghìn hộ dân tộc thiểu số nhưng toàn tỉnh chỉ có một cán bộ thuộc văn phòng UBND tỉnh kiêm phụ trách công tác dân tộc. Còn đại biểu đại diện cho Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết về một số khó khăn của tỉnh này trong việc thực hiện Chương trình 135 là xây dựng nông thôn mới. Đặc thù của Bình Phước có nhiều xã giáp biên giới, đời sống đồng bào dân tộc còn rất khó khăn, trong khi chính sách đầu tư vẫn không khác so với các xã của những tỉnh khác. Chính vì vậy mà các xã nằm trong Chương trình 135 gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tham gia xây dựng xã nông thôn mới.

Trao đổi tại Hội thảo, đại diện các bộ, ngành cũng có những chia sẻ, làm rõ thêm một số ý kiến mà các địa phương còn băn khoăn, đồng thời thông tin thêm những điểm mới trong thực hiện chính sách dân tộc tại địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, bà Huỳnh Thị Sô Ma Ly, Vụ trưởng Vụ Địa phương III đã ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Bà cho biết, trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp các ý kiến đầy trách nhiệm và quyết tâm với công tác dân tộc. Mong muốn trong thời gian tới, UBDT sẽ tiếp tục nhận được thêm nhiều ý kiến của Ban Dân tộc các tỉnh về những vướng mắc gặp phải tại địa phương trong thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình 135, đồng thời có những đề xuất và kiến nghị thật cụ thể để cùng Trung ương đưa ra giải pháp giải quyết kịp thời.

Như Tâm