Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh kiểm tra thực hiện các Chương trình MTQG tại tỉnh Lào Cai
01:59 PM 13/08/2024 | Lượt xem: 1910 In bài viết |Ngày 12/8, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện các Chương trình MTQG tại tỉnh Lào Cai năm 2024. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 làm Trưởng đoàn.
Tham gia Đoàn công tác Trung ương còn có ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719); đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các vụ, đơn vị Ủy ban dân tộc.
Về phía tỉnh Lào Cai có ông Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Lào Cai; lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, UBND thị xã Sa Pa.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 phát biểu tại buổi làm việc
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Theo Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh cho biết, tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; với 152 đơn vị hành chính cấp xã (127 xã, 9 thị trấn và 16 phường) và 1.568 thôn, tổ dân phố. Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Lào Cai có 140 xã, phường, thị trấn (có 66 xã, phường, thị trấn đặc biệt khó khăn thuộc khu vực III, 4 xã khu vực II, 70 xã khu vực I, có 603 thôn đặc biệt khó khăn).
Dự kiến tổng nguồn lực thực hiện 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 là 10.602.867 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương 6.429.629 triệu đồng; vốn ngân sách tỉnh là 2.351.585 triệu đồng; vốn ngân sách huyện 463.731 triệu đồng; vốn ngân sách xã 3.105 triệu đồng; vốn tín dụng 384.740 triệu đồng; huy động cộng đồng tham gia đóng góp 513.914 triệu đồng; vốn huy động tổ chức, cá nhân, vốn khác 456.163 triệu đồng.
Kế hoạch thực hiện 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2023 là 5.580.277 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 2.883.648 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 1.131.908 triệu đồng; huy động tổ chức, cá nhân, vốn khác là 1.564.721 triệu đồng.
Kết quả giải ngân nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2023 đến hết ngày 31/01/2024 là 4.751.344 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương 2.197.318 triệu đồng, đạt 76% kế hoạch (vốn đầu tư 1.649.904 triệu đồng, đạt 94,2% kế hoạch; vốn sự nghiệp 547.414 triệu đồng, đạt 48,4% kế hoạch); vốn ngân sách địa phương 1.120.626 triệu đồng, đạt 99%; huy động tổ chức, cá nhân, vốn khác ước đạt 1.433.400 triệu đồng.
Ông Nông Đức Ngọc - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai phát biểu tại buổi làm việc
Về kết quả thực hiện kế hoạch và giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2024. Tổng vốn ngân sách Trung ương giao năm 2024 (bao gồm cả vốn kéo dài) 2.418.888 triệu đồng. Kết quả giải ngân, tổng số 479.040/2.418.888 triệu đồng, đạt 19,8% kế hoạch. Kết quả vốn đầu tư là 375 tỷ đồng, đạt 35,79% kế hoạch, ước giải ngân đến hết 31/01/2025 phấn đấu đạt 100%; đối với vốn sự nghiệp là 103 tỷ đồng, đạt 7,5% kế hoạch. Ước giải ngân đến 31/12/2024 phấn đấu đạt tối thiểu 85% kế hoạch.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo Phó Chủ tịch Hoàng Quốc Khánh, việc triển khai hiệu quả các Dự án, Tiểu dự án của các Chương trình MTQG đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS của tỉnh, qua đó đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Tuy nhiên, mặc dù cả hệ thống chính trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS song việc triển khai thực hiện các Chương trình còn có rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG 1719 phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Đối với Chương trình MTQG 1719, khó khăn trong triển khai thực hiện Dự án 2 về Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư nơi cần thiết; Dự án 3 về Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã sẽ không còn được hưởng các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, tiền lương và các chính sách của xã Khu vực III, Khu vực II; khó khăn cho các xã này vì việc đạt chuẩn nông thôn mới của các xã mới chỉ đạt mức tối thiểu, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, do đó việc duy trì xã đạt chuẩn rất khó khăn.
Ông Hoàng Văn Tuyên - Vụ trưởng Vụ chính sách dân tộc (UBDT) phát biểu tại buổi làm việc
Các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, một số chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá mới “chạm ngưỡng” đạt chuẩn nên việc duy trì mức độ đạt chuẩn còn hạn chế. Giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện theo Bộ tiêu chí mới với quy định đạt chuẩn cao hơn ở một số chỉ tiêu, tiêu chí cũ và phải hoàn thành thêm một số chỉ tiêu mới do Trung ương quy định vì vậy việc duy trì đạt chuẩn 19 tiêu chí ở các xã gặp nhiều khó khăn, thách thức…
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững còn khó khăn trong triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 4 về Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho người lao động tại địa phương. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa mở được lớp đào tạo vì đối tượng tuyển sinh là người lao động có thu nhập thấp chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…
Đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác và các đại biểu đã trao đổi nhiều nội dung nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn của tỉnh liên quan đến cơ chế, chính sách và những vướng mắc ở một số dự án, tiểu dự án cụ thể.
Ông Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thưTỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai là tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS cao (66,2%), với 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, địa hình chủ yếu là đồi núi cao, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Do đó, việc triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt đối với vùng DTTS.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Là Cai, tỉnh sẽ nỗ lực để đạt được các mục tiêu tại các Chương trình MTQG. Theo đó đến năm 2025 đạt 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 1 huyện đạt chuẩn nâng cao; 67% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10,6% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đưa huyện Bắc Hà thoát nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tại 04 huyện nghèo. Đồng thời tiếp tục vận dụng hết sức linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương để tỷ lệ giải ngân các chương trình MTQG đến hết năm 2024 đạt trên 70%.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường mong muốn, Ủy ban Dân tộc thông qua cuộc kiểm tra, giám sát tại các địa phương sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 1719/QĐ-TTg để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719.
Đại diện Văn phòng Chương trình MTQG giảm nghèo vững phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho rằng, Tỉnh ủy, HĐND,UBND tỉnh Lào Cai đã luôn sát sao, quyết liệt, chỉ đạo công tác tổ chức, triển khai thực hiện các Chương trình MTQG toàn diện, nhịp nhàng, giúp tỉnh Lào Cai nằm trong tốp các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao, là điểm sáng để các địa phương học tập. Bộ trưởng mong muốn, với những kết quả đã đạt được, tỉnh Lào Cai cần nỗ lực khắc phục những khó khăn để triển khai, thực hiện hiệu quả hơn nữa các Chương trình MTQG, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị, tỉnh Lào Cai cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở; với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, tỉnh Lào Cai cần rà soát từng dự án để triển khai đúng đối tượng, phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cần quan tâm quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ là người DTTS; tăng cường công tác kết nối giữa chính quyền với đồng bào DTTS, trong đó quan tâm, chú trọng đội ngũ Người có uy tín.
Đối với những khó khăn, vướng mắc của tỉnh, Bộ trưởng đề nghị các thành viên trong Đoàn công tác, các Vụ, đơn vị liên quan của UBDT tổng hợp đầy đủ để tham mưu và giải quyết theo thẩm quyền.
(baodantoc.vn)