Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh tham dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV, năm 2024
09:33 PM 21/11/2024 | Lượt xem: 1672 In bài viết |Ngày 21/11, tại Trung tâm hội nghị 25B (TP Thanh Hóa) đã long trọng diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV - năm 2024. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Dự Đại hội có các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo một số Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo các ban, sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố cùng 246 đại biểu đại diện cho hơn 70 vạn đồng bào các DTTS trong toàn tỉnh Thanh Hóa.
Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đoàn kết, đổi mới, sáng tạo phát huy lợi thế, tiềm năng hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV - năm 2024 nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong giai đoạn 2019 - 2024; đúc rút bài học kinh nghiệm và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2024 - 2029.
Theo đó báo cáo Chính trị của Đại hội nêu rõ: Trong 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III giai đoạn 2019 - 2024, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã có những chủ trương đúng đắn và trọng tâm về phát triển KT-XH đối với vùng DTTS và miền núi và được cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, cộng đồng các DTTS hưởng ứng thực hiện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cảnh sắc và cuộc sống của đồng bào ngày càng đổi thay, tươi đẹp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội
Các đại biểu tham dự Đại hội
Đặc biệt việc triển khai Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã đạt những kết quả khá toàn diện, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đạt cao hơn bình quân chung của các địa phương, nổi bật là: kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương; tỷ lệ hộ nghèo 11 huyện miền núi giảm còn 11,04% (giảm 4,15% so với năm 2022); tỷ lệ hộ cận nghèo còn 14,75% (giảm 5,11% so với năm 2022); thu nhập bình quân đầu người của vùng ước đến hết năm 2024 đạt 42,62 triệu đồng/năm, 83.314 lượt người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo sinh sống tại vùng DTTS&MN được tạo việc làm mới; 100% đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa; 99,9% đường từ thôn đến xã được cứng hóa; 100% các xã có điện lưới quốc gia; 100% số xã của huyện miền núi đã được phủ sóng truyền thanh, truyền hình...
Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào được coi trọng. Nhiều lễ hội truyền thống đã được phục dựng; gìn giữ được nhiều mô hình làng, bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào cải tạo tập quán lạc hậu được quan tâm, nhiều tập tục rườm rà, tốn kém trong việc cưới, việc tang, lễ hội dần được loại bỏ và thay đổi phù hợp với điều kiện hiện nay.
Đại biểu tham dự Đại hội
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường, tinh thần tương trợ, giúp nhau cùng tiến bộ được phát huy. Hệ thống chính trị vùng DTTS&MN thường xuyên được củng cố và hoạt động ngày càng hiệu quả; công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có chuyển biến tiến bộ. Đội ngũ trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS đã phát huy tốt vai trò gương mẫu, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tự giác thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nhiều người đã thực sự trở thành trung tâm đoàn kết, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, tổ chức đời sống văn hóa ở khu dân cư..., tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tăng cường công tác phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; xóa bỏ tập tục lạc hậu của đồng bào DTTS, để tập trung giảm nghèo, phát triển KT-XH khu vực miền núi cao trên địa bàn tỉnh.
Quốc phòng, an ninh nội địa và an ninh biên giới quốc gia được giữ vững; các lực lượng vũ trang đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc giữ vững trật tự an toàn xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc được chú trọng, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển, góp phần giữ gìn trật tự xã hội trên địa bàn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội
Có thể khẳng định, trong những năm qua, trên 70 vạn đồng bào các DTTS trong tỉnh đã đóng góp xứng đáng công sức của mình vào sự nghiệp phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ là người dân tộc thiểu số.
Báo cáo chính trị cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế: Tuy có bước phát triển nhưng đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS còn cao. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường còn chưa được như kỳ vọng. Kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh tuy đã được tăng cường đầu tư, song còn thiếu so với nhu cầu phát triển KT-XH, sinh hoạt của người dân. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng DTTS so với mặt bằng chung của tỉnh và cả nước vẫn cần nhiều cải thiện. Việc triển khai một số chương trình, chính sách, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS còn chưa theo kịp tiến độ. Một số tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS còn chưa đồng đều...
Tham luận tại Đại hội, các đại biểu đều đồng tình cao với nội dung Báo cáo chính trị trình tại Đại hội, đồng thời nêu lên những cách làm hay trong quá trình triển khai tại cơ sở, như việc phát huy vai trò của người có uy tín trong vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới; hiệu quả trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; kinh nghiệm xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS&MN; kinh nghiệm và kết quả trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đảm bảo an ninh thôn bản, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh biên giới, xây dựng mối quan hệ biên giới hòa bình, hữu nghị... Bên cạnh đó, các tham luận cũng đã đề xuất những vấn đề mang tính thực tiễn để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2024-2029.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" cho các đại biểu tiêu biểu tại Đại hội
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ: Những thành tựu đạt được của tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III rất đáng tự hào, là quyết tâm chính trị và sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trân trọng cảm ơn và chúc mừng những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt biểu dương sự cố gắng nỗ lực của đồng bào các DTTS đã chung sức, đồng lòng phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng DTTS&MN, góp sức cùng nhân dân cả nước trong công cuộc đổi mới, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên cùng Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc để tích hợp, lồng ghép thúc đẩy sự phát triển vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh. Đặc biệt cần quan tâm thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Trước mắt đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo bảo đảm hoàn thành mục tiêu Chính phủ đã xác định.
Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS&MN, nhất là khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, có chính sách và giải pháp thực hiện cụ thể trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS... Cùng với đó, cần kết hợp phát triển KT-XH với đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới; chủ động xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận lòng dân vững chắc.
Đối với các đại biểu và đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong rằng dù khó khăn, vất vả đến đâu cũng phải ưu tiên thời gian và tiền của, tạo mọi điều kiện để cho con em được đến trường, được vui chơi, được học hành đến nơi, đến chốn... Chú trọng xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết các dân tộc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, đồng lòng cùng cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV đã đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn và Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Quang cảnh Đại hội
Cũng tại Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã trao Bằng khen và Kỷ niệm chương cho các tập thể, cá nhân; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội vùng đồng bào DTTS. Đại hội cũng đã thông qua Quyết tâm thư nêu lên nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu của Đại hội trong giai đoạn tới.
(Theo: baothanhhoa.vn)