“Tạo sự phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững về kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”
05:00 PM 05/04/2022 | Lượt xem: 3921 In bài viết |Đó là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Hội thảo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diễn ra sáng 05/4, tại tỉnh Sóc Trăng. Hội thảo do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức.
Tham dự, chủ trì Hội thảo có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Về phía địa phương, có sự tham dự của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Lãnh đạo các tỉnh khu vực ĐBSCL; các chuyên gia, nhà khoa học...
Đề ra những giải pháp trọng tâm thực hiện Chương trình MTQG
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Hội thảo tổ chức đúng vào dịp đồng bào dân tộc Khmer đang vui mừng, phấn khởi chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022. Thông qua các đại biểu dự Hội thảo và các cơ quan thông tấn, báo chí, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội gửi lời thăm hỏi, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các vị hòa thượng, thượng tọa, các vị A Char, Ban quản trị các chùa và đồng bào dân tộc Khmer, chúc đồng bào, phật tử đón tết cổ truyền vui tươi, mạnh khỏe, đầm ấm, an lành.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định: Khu vực ĐBSCL có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của cả nước, có vị trí địa chính trị và địa quân sự hết sức quan trọng. Những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo, sát sao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của Nhân dân, ĐBSCL đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Khẳng định công tác dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong rằng Hội nghị sẽ nêu những kinh nghiệm thành công, những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là đề xuất các giải pháp thực hiện một số nhiệm vụ trọng tậm. Đó là, phát triển nguồn nhân lực; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; tổ chức liên kết sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động; phát triển văn hóa, giáo dục; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của đồng bào DTTS; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, chú trọng công tác cán bộ là người DTTS; tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, để người dân thật sự là chủ thể tham gia thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS…
Để thực hiện được các yêu cầu đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là công tác phối hợp của các bộ, ngành Trung ương với các địa phương; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, điều hành và các quy định, điều kiện cần thiết để giải ngân nguồn vốn. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác bổ sung cho Chương trình để việc triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Các tỉnh, thành phố cần chủ động liên kết vùng thực chất, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở Trung ương trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Tổ chức thành công Chương trình MTQG đáp ứng sự mong đợi của đồng bào DTTS
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Công tác dân tộc, chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Ngày 19/6/2020, Quốc hội ban hành Nghị Quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là quyết định có tính lịch sử, lần đầu tiên Quốc hội đã phê duyệt một Đề án phát triển kinh tế - xã hội dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, bảo đảm thực hiện khoản 5 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 là "Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”.
Nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, ngày 14/10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025
Với mục tiêu “Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn”. Quốc hội cũng đã phê duyệt tổng nguồn vốn hơn 137.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình với 10 Dự án thành phần, 14 Tiểu dự án và 36 nội dung đầu tư, hỗ trợ cụ thể trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025.
Tính đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị đầu tư, tiến độ xây dựng các cơ chế, chính sách để phục vụ triển khai hiệu quả Chương trình ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã cơ bản hoàn tất.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao tặng quà hỗ trợ các các gia đình đồng bào DTTS thuộc 9 tỉnh có đồng bào DTTS khu vực ĐBSCL (mỗi tỉnh trị giá 500 triệu đồng) do Ngân hàng Vietcombank tài trợ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết: Vùng ĐBSCL có 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương với 132 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.531 đơn vị hành chính cấp xã; toàn vùng có 44 thành phần dân tộc cùng sinh sống, tập trung tại 9 tỉnh, thành phố (Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ). ĐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của đất nước. Những năm qua, các tỉnh, thành trong khu vực đã quán triệt và thực hiện tốt chủ trương đổi mới của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS.
Triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các địa phương trong vùng cũng hết sức chủ động rà soát địa bàn, xác định nhu cầu phục vụ việc tổng hợp số liệu, xây dựng Báo cáo Nghiên cứu khả thi Chương trình, làm cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
Tương tự như các địa phương vùng đồng bào DTTS khác trong cả nước, các tỉnh vùng ĐBSCL đều triển khai thực hiện đủ 10 dự án, 14 tiểu dự án thuộc Chương trình. Việc triển khai Chương trình MTQG ở khu vực này mang ý nghĩa chính trị rất lớn. Việc tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình MTQG thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS và miền núi trong việc giải quyết những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc hiện nay. Đây cũng là nguyện vọng và sự mong đợi của đồng bào DTTS trên địa bàn.
Để thảo luận về những nhiệm vụ, giải pháp trong triển khai thực hiện Chương trình, cụ thể hơn là những nội dung đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ quan tâm, chỉ đạo và những định hướng mà đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã gợi ý trong phần phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị Hội thảo cùng nhau xác định rõ những giải pháp đặc thù trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng và các Chương trình MTQG trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025 nói chung.
Hội thảo đã nghe nhiều tham luận về định hướng hoàn thiện hệ thống chính sách dân tộc và giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung cơ bản của Chương trình MTQG. Góp ý về kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG nói riêng và các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL cũng như cả nước nói chung. Chia sẻ về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi và phương hướng, công tác chuẩn bị, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tạo sự phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững về kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi
Các đại biểu dự Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định: Hội thảo lần này rất có ý nghĩa, thiết thực trong bối cảnh năm 2022 là năm bản lề, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là năm đầu thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động khó lường.
“Chương trình MTQG về DTTS và miền núi có ý nghĩa vô cùng to lớn, vừa góp phần kích thích cung cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa mang ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa”, Phó Thủ tướng Thường trực chia sẻ.
Với tinh thần trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, chúng ta cần nghiêm túc đánh giá công việc đã làm được, nhận diện những khó khăn, vướng mắc và đề ra định hướng, giải pháp, bảo đảm đúng nội dung, đối tượng, tiến độ, đạt được kết quả thực hiện theo kế hoạch năm 2022 và trong mục tiêu kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.
Để triển khai hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg, tạo sự phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững về kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp tốt với nhau hơn nữa, quyết tâm hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để có thể triển khai thực hiện Chương trình MTQG ngay trong tháng 4/2022.
Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định, kết quả Hội thảo tiếp tục khẳng định sự phối hợp rất chặt chẽ, sự thống nhất cao trong hành động giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là vai trò quan trọng của các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở cơ sở.
Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chúc đồng bào, đồng chí, các vị chư tăng, đồng bào dân tộc Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022 an yên, hạnh phúc. Đề nghị đồng bào, đồng chí, các vị chư tăng là người dân tộc Khmer tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường, bản sắc văn hóa tốt đẹp và truyền thống yêu nước; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
(Theo: baodantoc.vn)