Ủy ban Dân tộc tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số

03:04 PM 25/02/2023 |   Lượt xem: 6276 |   In bài viết | 

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Hội nghị được kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về đầu cầu Ủy ban Dân tộc (UBDT) có sự tham dự và chủ trì của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Quốc Tuấn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của UBDT, Tổ phó Tổ công tác của UBDT thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của UBDT; thành viên Tổ công tác của UBDT thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg; Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số UBDT.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 01 năm triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số, nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, từng bước chuyển đổi nhận thức, thay đổi thói quen, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Năm 2022, công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực trên nhiều mặt về: Nhận thức và hành động có nhiều chuyển biến; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; dịch vụ công trực tuyến; an toàn, an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; phát triển kinh tế số, xã hội số, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tiếp tục được đẩy mạnh: Dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh gắn với kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt những kết quả tích cực, đã có trên 177 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng trên 23 triệu so với cuối năm 2022; thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.

Các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tăng tính kết nối liên thông, chia sẻ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 13 bộ, ngành, 58 địa phương và 4 doanh nghiệp Nhà nước, tăng 1 bộ ngành và 27 địa phương so với cuối năm 2022; đã kết nối và chia sẻ thông tin dữ liệu tổng hợp về dân cư với Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đã cấp trên 78 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân, tăng 2 triệu thẻ so với cuối năm 2022.

Bên cạnh đó báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế, khó khăn thách thức cần khắc phục trong thời gian tới như: Kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi năm 2023 chưa được ban hành. Đến nay mới có 6/30 bộ, ngành, và 29/63 địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023.

Chủ đề của năm 2023 - Năm quốc gia về dữ liệu số là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, từ đó đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong phát triển đất nước. Trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu: Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; Mở dữ liệu và An toàn dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp để tạo ra sự thay đổi căn bản trong tạo lập, khai thác dữ liệu số từ đó tạo ra giá trị mới, thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

Thủ tướng: Dữ liệu là tài nguyên quốc gia, là nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là Hội nghị quan trọng để thảo luận về những nhiệm vụ cụ thể, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội. Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, trong khi chuyển đổi số là xu hướng, phong trào có tính toàn cầu. Trong nước, tình hình có thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số quốc gia và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới.

Nhấn mạnh, gợi mở, trao đổi thêm về một số nội dung trọng tâm, Thủ tướng chỉ ra một số thách thức như chuyển đổi số là xu thế, đã và đang được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu; Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Nếu chúng ta không chuyển đổi số nhanh, chuyển đổi số mạnh, chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả thì chúng ta sẽ bị tụt hậu.

Chuyển đổi số cần sự quyết tâm, quyết liệt, đổi mới sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cần có hệ thống hành lang pháp lý hoàn chỉnh, thuận lợi, luôn đòi hỏi phải điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế; cần nguồn lực lớn (cả nhân lực và vật lực) trong khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế.

"Chúng ta chưa có nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp được coi là kiểu mẫu, đi đầu trong chuyển đổi số. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương và nhiều doanh nghiệp chưa xác định đúng vị trí, vai trò, giá trị mà chuyển đổi số mang lại; chưa sẵn sàng cho việc chuyển đổi số và chưa dành nguồn lực tương xứng cho chuyển đổi số; hoặc thực hiện chuyển đổi số nhưng chưa có nhiều hiệu quả, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, 96% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số còn hạn hẹp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Quốc Tuấn và các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu UBDT

Nhận thức, hiểu biết, kỹ năng số của đa số người dân còn hạn chế, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mặc dù đã được cải thiện trong thời gian qua. Tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng; vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin ngày càng khó khăn, phức tạp.

Năm 2023, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh các quan điểm chỉ đạo, điều hành. Theo đó, chuyển đổi số là xu hướng, xu thế, phong trào không thể đảo ngược, có tính toàn cầu, toàn dân, toàn xã hội, chúng ta cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.  Chuyển đổi số phải có tư duy đi tắt, đón đầu, đi trước, về trước, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến… đồng thời, quán triệt quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia cần khai thác, phát huy để trở thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số.

Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm như người đứng đầu phải quan tâm vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra; kiên quyết, kiên trì, kiên định nhưng phải tích cực đổi mới sáng tạo; đầu tư nguồn lực thỏa đáng, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó trên cơ sở quy hoạch tổng thể, tầm nhìn xa, chiến lược. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, phải có tư duy đi trước, đón đầu, đi trước-về trước, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia trong phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò người đứng đầu; có cơ chế kiểm tra, giám sát quyết liệt, cụ thể. Cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; liên kết chặt chẽ các nguồn lực để thực hiện; đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số quốc gia.