Công bố Báo cáo Bước tiến mới giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam

03:25 AM 05/04/2018 |   Lượt xem: 8747 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo

Trên cơ sở kết quả cuộc Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2016, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã nghiên cứu, khảo sát thu thập thông tin, số liệu, xây dựng và công bố Báo cáo cập nhật về đói nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam năm 2018.

Báo cáo cập nhật về đói nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới đã đánh giá cao những tiến bộ của Việt Nam trong giảm nghèo và thúc đẩy chia sẻ thịnh vượng chung.

Theo Báo cáo, từ năm 2014 đến 2016, mỗi năm Việt Nam giảm được 1,85% hộ nghèo, cao hơn mục tiêu đề ra; vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giảm được 4,3% hộ nghèo, đạt mức giảm cao nhất trong các năm gần đây; kết quả công tác giảm nghèo bền vững hơn, 98% người trên chuẩn nghèo năm 2014 không tái nghèo trong năm 2016; bất bình đẳng đo theo chỉ số GINI năm 2016 là 0,35, giảm so với năm 2010. Đến nay, 90% người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 70% dân số Việt Nam được xếp vào nhóm tiêu dùng mới nổi, trong đó 13% dân số được xếp vào nhóm trung lưu toàn cầu. Trong 3 năm qua, Việt Nam có thêm 3 triệu người gia nhập nhóm trung lưu, nhóm này đang phát triển nhanh, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010-2017.

Báo cáo cũng đã chỉ rõ: Nguyên nhân chủ yếu của thành tích giảm nghèo nhanh là do nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao, mô hình tăng trưởng gắn với giảm nghèo và tiến bộ xã hội. Trong giai đoạn 2014-2016 Việt Nam đã tạo ra được 1,4 triệu việc làm mới trong ngành chế tạo, 70 ngàn việc làm trong ngành khách sạn, bán lẻ, xây dựng… Thu nhập từ tiền lương đóng góp 50% vào thành tích giảm nghèo. Bên cạnh đó, tái cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, thay đổi sinh kế cũng đã góp phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo cho người dân sống ở nông thôn.

Báo cáo khuyến nghị một số lĩnh vực ưu tiên nhằm thúc đẩy giảm nghèo trong thời gian tới, bao gồm: Nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều việc làm và tăng lương; cải cách giáo dục nhằm đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận các cơ hội giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp; tăng cường trao quyền sử dụng đất cho người DTTS và nâng cao kỹ năng cho người nghèo.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đánh giá cao các kết quả của nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê. Những nhận định, đánh giá và khuyến nghị nêu trong Báo cáo sẽ là cơ sở quan trọng để Chính phủ, các Bộ, ngành tham khảo trong xây dựng các chính sách tăng trưởng, giảm nghèo nhanh và bền vững phù hợp với thực tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Hiện nay, UBDT đang cùng các bộ, ngành triển khai đánh giá hiệu quả của hệ thống chính sách dân tộc, nhất là các chính sách giảm nghèo đã triển khai trong thời gian qua, để đề xuất định hướng chính sách từ năm 2021 đến năm 2025 và năm 2030. Với quan điểm là tạo điều kiện để đồng bào DTTS bình đẳng hơn trong tiếp cận các cơ hội việc làm, an sinh xã hội, thông tin, thị trường, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực… Tăng cường thực hiện các mục tiêu thiên nhiên kỷ, không để ai bị bỏ lại phía sau. Để thực hiện mô hình tăng trưởng gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững ở vùng dân tộc, thời gian tới cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, có những giải pháp mang tính đột phá, tăng cường quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0…

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng cảm ơn và rất mong Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế tiếp tục có các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban Dân tộc trong thời gian tới.

Tuấn Hà