Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh dự chương trình tọa đàm “Đổi mới công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số”
11:43 AM 15/03/2019 | Lượt xem: 4840 In bài viết |Sáng ngày 15/3/2019, tại Đài Truyền hình Việt Nam (43 Nguyễn Trí Thanh, Ba Đình, Hà Nội), Ban Truyền hình Tiếng dân tộc - Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề “Đổi mới công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số”. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh dự và tham gia chương trình tọa đàm.
Những năm qua, công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm chú trọng, nhờ đó đã tạo được chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Mặc dù vậy, trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển như hiện nay, công tác dân vận ở vùng DTTS cũng đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh, đổi mới từ nội dung đến phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phương pháp vận động, tập hợp đồng bào sao cho phù hợp với từng đối tượng, từng dân tộc, từng vùng miền. Đặc biệt, việc chăm lo bồi dưỡng, đào tạo và xây dựng cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ dân vận, nhất là cán bộ người DTTS cũng cần được quan tâm chú trọng hơn nữa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh đã đánh giá về vai trò, hiệu quả cũng như những cơ hội và thách thức của công tác dân vận đối với sự phát triển của vùng DTTS. Từ đó, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cũng phân tích thêm về các kế hoạch công tác của UBDT để triển khai theo Chỉ thị số 49-CT/TƯ ngày 20/10/2015 về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS. Trong đó tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước; rà soát, ban hành và thực hiện tốt chính sách dân tộc.
Một trong số các nội dung quan trọng là công tác rà soát, đánh giá hệ thống các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS. Hiện nay, UBDT đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030 để trình Chính phủ, Quốc hội vào cuối năm 2019. Mục tiêu chính của Đề án sẽ tập trung đầu tư cho vùng DTTS phát triển một cách toàn diện, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển KT-XH, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; phát triển giáo dục đào tạo; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào; bảo tồn và phát triển văn hóa đặc sắc của các DTTS; phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS; tăng cường cả số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng.
Để đổi mới nội dung và phương pháp, nâng cao chất lượng công tác dân vận, phù hợp với tình hình thực tiễn vùng đồng bào DTTS, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh đề xuất một số giải pháp như: sớm triển khai tổng kết, đánh giá các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận; tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội dung công tác dân vận trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; triển khai có hiệu quả “Năm dân vận chính quyền” năm 2019, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”; đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác dân vận, dân tộc; chủ động nắm tình hình dân tộc, công tác dân vận ở vùng DTTS; quan tâm đến đời sống của nhóm DTTS rất ít người, hộ gia đình DTTS nghèo, cận nghèo; chú trọng công tác vận động, tuyên truyền và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, công tác dân tộc...
Nội dung chi tiết buổi tọa đàm sẽ được phát trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam vào thời gian tới.