Sơ kết 3 năm Chương trình KH&CN “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”
09:18 PM 18/12/2018 | Lượt xem: 4913 In bài viết |Chiều 18/12, tại trụ sở cơ quan, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số (DTTS) và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”, mã số CTDT/16-20.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành; đại diện các ban, bộ, ngành liên quan cùng chủ nhiệm các đề tài, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu…
Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình CTDT/16-20, cho thấy, Chương trình đã được UBDT triển khai thực hiện đúng quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Sau 3 năm thực hiện, Chương trình đã có tổng số 50 nhiệm vụ được triển khai thực hiện. Các chỉ tiêu của các nhiệm vụ của Chương trình đều bằng hoặc cao hơn so với chỉ tiêu được duyệt. Chương trình đã thu hút sự tham gia của các cá nhân nhà khoa học và các tổ chức nghiên cứu lớn có uy tín trong cả nước như: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (8 đề tài), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (8 đề tài), Đại học Quốc gia Hà Nội (3 đề tài)...
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 3 năm triển khai, Chương trình CTDT/16-20 gặp phải một số khó khăn, tồn tại như: Công tác quản lý khoa học, quản lý tài chính, tiến độ thực hiện, một số vấn đề cần được nghiên cứu nhưng chưa được triển khai, việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu... Trong thời gian tới, Chương trình CTDT/16-20 sẽ triển khai thực hiện 02 nhiệm vụ: Tổng quan những vấn đề cơ bản, cấp bách về dân tộc và chính sách dân tộc sau đổi mới đến nay, đề xuất chính sách dân tộc 2021- 2030 và xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về các DTTS và chính sách dân tộc phục vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất đánh giá những kết quả đạt được trong triển khai Chương trình CTDT/16-20. Các đề tài đã bám sát mục tiêu, phạm vi nghiên cứu, cơ bản đảm bảo tiến độ. Chương trình đã tập hợp và thu hút sự tham gia của các tổ chức chủ trì uy tín, có năng lực, của các nhà khoa học tâm huyết cho công tác quản lý và hoạch định chính sách dân tộc. Một số nhà khoa học đã phân tích những khó khăn và đưa ra một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực công tác dân tộc trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định: do chưa có một chương trình riêng về KH&CN trong lĩnh vực công tác dân tộc nên Chương trình CTDT/16-20 mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp với UBDT triển khai Chương trình, để có những nghiên cứu bài bản, phục vụ công tác hoạch định chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến khẳng định: việc sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình CTDT/16-20 là cần thiết nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản cấp bách về công tác dân tộc. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng như việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và tham gia vào Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Chương trình cần có sự đổi mới. Đối với những nội dung chưa thực sự cần thiết, chồng chéo, có thể thu hẹp lại, trong một số trường hợp có thể dừng để điều chỉnh kinh phí cho mục tiêu khác. Các đề tài nghiên cứu phải hỗ trợ các nhiệm vụ quan trọng của UBDT như xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi; xác định tiêu chí phân định vùng DTTS, miền núi; nghiên cứu mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở Trung ương và địa phương... Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị những đề tài đã triển khai nghiên cứu, cần đẩy nhanh tiến độ, chuyển giao từng phần kết quả cho Ủy ban Dân tộc và tổ chức một số hội thảo để tranh luận, phản biện, phát huy tính hiệu quả của đề tài...