Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi
02:47 PM 09/06/2020 | Lượt xem: 6509 In bài viết |Ngày 08/6/2020, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của đợt hai, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV theo phương thức họp tập trung. Ngay trong ngày làm việc, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Quốc hội sẽ quyết định nhiều chính sách quan trọng
Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đến thời điểm hiện nay, Kỳ họp thứ 9 đã đi được nửa chặng đường, hoàn thành tốt chương trình nghị sự của đợt một. Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian của đợt hai chỉ kéo dài trong khoảng 11 ngày, nhưng Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung, trong đó có nhiều chính sách lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH nước ta trong năm 2020 và phát triển trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tiếp nối khí thế tích cực của đợt họp thứ nhất, đợt họp thứ hai này sẽ thành công tốt đẹp về mọi mặt, tạo nên điểm nhấn quan trọng trong lịch sử hoạt động của Quốc hội.
Đời sống của đồng bào DTTS sẽ được nâng lên rõ rệt
Ngay ngày làm việc đầu tiên của đợt hai, bên cạnh nhiều nội dung quan trọng khác, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, chu đáo, toàn diện, khách quan, có sức thuyết phục của Chính phủ; khẳng định sự cần thiết của Chương trình đối với sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các ĐBQH đồng tình, thống nhất về phạm vi, đối tượng, mục tiêu, nội dung của Chương trình, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình này.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, khi thực hiện Chương trình cần tính đến sự trùng lắp, tránh chồng chéo với các Chương trình MTQG khác để đầu tư ngân sách cho hiệu quả. Chương trình cần mang lại hiệu quả bền vững, phát huy lợi thế, tiềm năng đặc thù của từng vùng miền, dân tộc. Làm sao Chương trình phải phát huy được tính tự lực, tự cường của đồng bào DTTS.
Đại biểu Hoa chia sẻ, Chương trình dành sự quan tâm đến đối tượng là trẻ em DTTS; chú trọng lồng ghép giới để giải quyết vấn đề của phụ nữ và trẻ em gái là rất cần thiết. Vì vậy, khi triển khai thực hiện, cần đưa ra những giải pháp cụ thể để thực hiện tốt mục tiêu này.
Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) bày tỏ vui mừng khi vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS, với các giải pháp cụ thể đã được đặt ra trong Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đại biểu đề nghị, Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện hiệu quả nội dung này…
Phát biểu giải trình thêm về Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định: Thời gian qua, Quốc hội đã rất quan tâm đến chính sách dân tộc. Chưa có khóa Quốc hội nào lại quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách dân tộc như Quốc hội khóa XIV.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có tính đặc thù, tích hợp để thực hiện các chính sách dân tộc. Chương trình là 1 giải pháp trong 8 nhóm giải pháp đặt ra trong Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
“Việc thực hiện tốt Đề án tuy chưa phải là “bài thuốc” đặc trị để giải quyết tất cả các vấn đề đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhưng chắc chắn là luồng sinh khí mới mà Quốc hội đã thông qua, Chính phủ triển khai thực hiện quyết liệt, sẽ thay đổi hẳn tư duy, đời sống đồng bào DTTS sẽ được nâng lên rõ rệt”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Trong ngày 8/6, Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA); Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức… |