Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 mang dấu ấn sâu sắc
12:51 PM 28/05/2020 | Lượt xem: 3455 In bài viết |Khẳng định sự cần thiết và đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030... là những vấn đề được đặt ra trong phiên họp ngày 28/5 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Chương trình MTQG hướng đến mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững vùng DTTS&MN
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến cho biết: Việc quyết định đầu tư Chương trình MTQG là rất cần thiết, bởi các lý do: Vùng đồng bào DTTS&MN luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư, đạt được thành tựu to lớn, cơ sở hạ tầng KT-XH và đời sống của đồng bào sinh sống ở vùng DTTS&MN đã được cải thiện rõ rệt nhưng hiện nay, vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do vùng đồng bào DTTS&MN xuất phát điểm thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt; chính sách còn một số hạn chế, bất cập.
Cùng với đó, Chương trình MTQG nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; là giải pháp quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.
“Chương trình MTQG hướng đến mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân vùng đồng bào DTTS&MN so với bình quân chung của cả nước; đảm bảo an sinh xã hội; bảo vệ an ninh tổ quốc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Về giải pháp thực hiện Chương trình, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, đó là các giải pháp như: phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án của Chương trình. Đa dạng hóa nguồn vốn trong đó vốn nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn ODA và đẩy mạnh thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của người dân để thực hiện các mục tiêu của Chương trình theo nguyên tắc “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Công khai, dân chủ, phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS; quán triệt phương châm: “Dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”, “Xã, thôn có công trình, dân có việc làm, tăng thu nhập”. Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền và nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương; lồng ghép, thực hiện bình đẳng giới trong triển khai thực hiện Chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để theo dõi, giám sát, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình...
Đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG
Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến khẳng định: “Chương trình MTQG được các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ khẳng định, đây là một quyết định có tính lịch sử và đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao trong quá trình đề xuất, xây dựng, hoàn thiện. Đây là một Chương trình mang dấu ấn sâu sắc, quan trọng trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, đáp ứng lòng mong mỏi của hơn 14 triệu đồng bào DTTS trên cả nước”.
Hội đồng Dân tộc nhận thấy, hồ sơ Báo cáo Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG đáp ứng yêu cầu, đủ điều kiện trình Quốc hội, mong được các vị Đại biểu Quốc hội góp ý hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính khả thi của Chương trình để thông qua tại Kỳ họp này. “Đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG, để thực hiện từ năm 2021. Trên cơ sở Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo xây dựng báo cáo khả thi và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG theo quy định của pháp luật. Chính phủ khẩn trương ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN, có quyết định phê duyệt chính thức xã, thôn cụ thể thuộc diện đầu tư của Chương trình MTQG”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị.
Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 gồm 10 Dự án thành phần. Địa bàn thực hiện Chương trình ở vùng DTTS&MN là các xã, thôn có tỷ lệ hộ DTTS từ 15% trở lên. Phân định theo trình độ phát triển, bao gồm địa bàn ĐBKK (xã khu vực III, thôn ĐBKK), địa bàn còn khó khăn (xã khu vực II), địa bàn bước đầu phát triển (xã khu vực I).
Mục tiêu cụ thể Chương trình: Đến 2025, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN hàng năm trên 3%; phát triển bền vững sinh kế, tăng thu nhập bình quân của người DTTS lên hơn 2 lần so với năm 2020; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn ĐBKK so với tiêu chí năm 2020…Định hướng mục tiêu đến năm 2030: tăng thu nhập bình quân của người DTTS lên tối thiểu bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; cơ bản không còn các xã, thôn ĐBKK...
(Theo: Thanh Huyền - Báo Dân tộc và Phát triển)