Hội thảo Đánh giá công tác tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ Lào năm 2019
02:26 PM 25/12/2019 | Lượt xem: 4084 In bài viết |Sáng 25/12/2019, tại Hà Nội, Học viện Dân tộc tổ chức Hội thảo Đánh giá công tác tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ Lào năm 2019. Tham dự có đồng chí Viêng Xay Đa Ra Sẻn, Tham tán công sứ Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; đại diện một số ban, bộ, ngành và một số học viện; lãnh đạo một số vụ, đơn vị của Ủy ban Dân tộc và các giảng viên, nhà khoa học, Ban Tổ chức Lớp… PGS.TS. Trần Trung, quyền Giám đốc Học viện Dân tộc chủ trì Hội thảo.
Thời gian qua, mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào không ngừng phát triển và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, công tác giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác dân tộc đã góp phần tăng cường sự tin cậy, gắn bó giữa hai bên. Do vậy, công tác tổ chức bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ Lào theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 01/6/2018 của Chính phủ đã góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào. Đồng thời cũng là cơ hội để cán bộ, công chức hai nước có dịp tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác dân tộc, văn hóa dân tộc của mỗi nước.
Năm 2019 theo kế hoạch, Lớp bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ Lào đã được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thời gian diễn ra từ ngày 19/8 đến 30/8/2019, lớp học có 30 học viên là cán bộ trong hệ thống Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước và Bộ Nội vụ Lào.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Chương trình, tài liệu bồi dưỡng về công tác dân tộc cho cán bộ Lào năm 2019 theo Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ gồm một số nội dung như: Quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác dân tộc trong giai đoạn hiện nay; Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số (DTTS); Chính sách dân tộc ở Việt Nam, thực tiễn và bài học kinh nghiệm; Quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở Việt Nam; Truyền thống đoàn kết, hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào; Kinh nghiệm phát huy vai trò Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Ngoài ra, Ban Tổ chức Lớp triển khai công tác nghiên cứu thực tế để tìm hiểu văn hóa, lịch sử, mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu tại địa phương.
Đánh giá cao các kết quả đạt được của công tác tổ chức thành công Lớp bồi dưỡng về công tác dân tộc cho cán bộ Lào theo Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ. Các đại biểu đã tham luận, trao đổi để cùng đưa ra các đề xuất, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ Lào năm 2020 và những năm tiếp theo. Một số ý kiến đề nghị cần tăng cường công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành và các địa phương hai nước; xác định rõ đối tượng, quy mô; nội dung chương trình, thời gian tổ chức; đa dạng hóa mô hình tổ chức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng; tập huấn cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên; xây dựng cơ chế đặc thù trong tổ chức lớp…
PGS. TS. Trần Trung, quyền Giám đốc Học viện Dân tộc phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt Học viện Dân tộc, PGS.TS. Trần Trung trân trọng cám ơn sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, các học viên, các đồng chí giảng viên, đặc biệt là Đại sứ quán Lào tại Việt Nam đã đồng hành tổ chức thành công Lớp bồi dưỡng về công tác dân tộc cho cán bộ Lào năm 2019. Để triển khai hiệu quả trong thời gian tới, Học viện Dân tộc sẽ phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Lào và các cơ quan liên quan để xây dưng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định rõ đối tượng, quy mô, chỉ tiêu đào tạo, nội dung chương trình, loại hình bồi dưỡng, cơ chế thực hiện…
Bên cạnh đó, trong kế hoạch từng năm sẽ nghiên cứu tăng lượng thời gian; tăng cường chia sẻ trao đổi cho phù hợp, giảm kiến thức hàn lâm; bổ sung thêm chương trình bổ trợ cho học viên như tiếng Việt, kỹ năng công nghệ thông tin; bồi dưỡng cho các giảng viên. Nghiên cứu bổ sung các hoạt động gặp gỡ, trao đổi tiếp xúc giữa các học viên với các hoạt động khác như giao lưu với học sinh, nghiên cứu sinh của Lào. Các nội dung bồi dưỡng sẽ được kế thừa các kết quả từ các đề tài khoa học, nghiên cứu chuyên sâu; có thể đặt hàng các nghiên cứu để nâng cao chất lượng nội dung bài giảng. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế để kết nối các học viên đã được tham dự các khóa học để nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
PGS. TS. Trần Trung đề nghị Ban Thư ký Hội thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tham luận để Học viện Dân tộc tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc để cụ thể hóa các nội dung đề xuất, kiến nghị vào các đề án, chính sách.