Hội thảo công tác thể chế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số

04:19 PM 08/08/2019 |   Lượt xem: 3610 |   In bài viết | 

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội thảo

Đồng chủ trì Hội thảo có đồng chí: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW; Đỗ Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT), Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW và Chỉ thị 45-CT/TW; Hà Ngọc Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Điểu K’Ré - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Hoàng Thị Hạnh - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT. Tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương thuộc Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW và Chỉ thị 45-CT/TW; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBDT qua các thời kỳ; Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam; lãnh đạo UBND và Ban Dân tộc các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây Duyên hải miền Trung.

Bà Trương Thị Mai - Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được Đảng ta xác định có vị trí chiến lược quan trọng, dành nhiều nguồn lực đáng kể, đầu tư phát triển toàn diện cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện về kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo an ninh quốc phòng, đời sống đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt, khối đại đoàn kết các dân tộc được chăm lo vững chắc. Tuy nhiên, hiện nay vùng DTTS và miền núi vẫn đang là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao (63,36% tổng số hộ nghèo cả nước)... Những vấn đề đó đang là nỗi trăn trở, day dứt của nhiều cấp Lãnh đạo, nhất là những người trực tiếp tham mưu về công tác dân tộc.

Hội thảo lần này cần tìm ra những vấn đề cấp bách của vùng DTTS và miền núi và luận giải vấn đề đó bằng các căn cứ khoa học và thực tiễn nhằm trả lời thấu đáo một số vấn đề: Vì sao Đảng ta đề ra rất nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn; Quốc hội, Chính phủ thể chế hóa rất nhiều chương trình, đề án, chính sách mà những bức xúc của đồng bào chưa được giải quyết thấu đáo?. Một số nhận định cho rằng, khoảng cách về mức sống của đồng bào DTTS so với vùng phát triển ngày càng gia tăng; chính sách nhiều nhưng do nhiều đầu mối quản lý, không rõ trách nhiệm nên hiệu quả thấp; chính sách nhiều nhưng thiếu nguồn lực thực hiện... Những điều đó có đúng thực tế không? Chúng ta cần đề xuất với Đảng, Nhà nước những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá như thế nào trong thời gian tới?.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo

Tại Hộ thảo, đại biểu đến từ các địa phương đã tham gia nhiều ý kiến tham luận nhằm đánh giá, làm rõ hơn về công tác thể chế Nghị quyết 24-NQ/TW vào thực tiễn, như: Tình hình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc cho vùng DTTS và miền núi và vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, kết quả thực hiện các chính sách đối với đồng bào DTTS; chính sách giảm nghèo, ổn định dân cư gắn với công tác bảo vệ an ninh quốc phòng; việc thực hiện chính sách Người có uy tín vùng đồng bào DTTS; việc quản lý, sử dụng đất, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; chính sách đào tạo nghề cho thanh niên người DTTS.

Các đại biểu cũng đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp gắn với yêu cầu thực tiễn của địa phương như: Cần xác định quan điểm của chính sách dân tộc thời gian tới là đầu tư, không hỗ trợ, cho không như một số chính sách trước đây; phải rà soát lại các chính sách và đánh giá thực chất, qua đó báo cáo với Bộ Chính trị để có những điểm đột phá; việc phân cấp trong thực hiện chính sách cần rõ ràng, rành mạch. Ở cấp Trung ương chỉ nên xây dựng khung chương trình chính sách, còn xây dựng, triển khai cụ thể nên giao cho địa phương để có thể đầu tư trọng tâm, phù hợp với đặc thù của địa phương và của từng dân tộc.

Đại biểu đến từ tỉnh Điện Biên, Đắk Lắk kiến nghị, trong phương hướng nhiệm vụ, phải có chính sách để bà con sống được bằng trồng rừng, gắn cuộc sống với rừng; cần bố trí nguồn lực cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông; cần có các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS...

Bên cạnh việc nhấn mạnh tới mục tiêu của chính sách dân tộc, ông Ksor Phước - nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho rằng chúng ta hiện có quá nhiều chính sách, cần phải tích hợp các chính sách để thực hiện hiệu quả hơn, trong đó cần phải chú trọng đầu tư quy hoạch cơ sở hạ tầng thiết yếu trong vùng DTTS; ưu tiên hỗ trợ giúp đỡ xây dựng hoàn thiện các trung tâm cụm xã; cương quyết đưa các hộ dân ra khỏi nơi có nguy cơ bị thiên tai; giải quyết tốt vấn đề di cư tự do, vấn đề về rừng... Ông cho rằng, để giúp các DTTS cần có sự chung tay của Nhà nước và doanh nghiệp, ngay từ bây giờ phải có các chính sách cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất, kinh doanh; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm...

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, bà Trương Thị Mai - Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW và Chỉ thị 45-CT/TW nhấn mạnh: Việc ban hành, thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW cho thấy Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm và tập trung nguồn lực rất lớn cho chính sách dân tộc, tuy nhiên qua quá trình thực hiện, nhìn nhận lại, cho thấy kết quả thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Còn nhiều vấn đền cần sự quan tâm, cần có giải pháp tích cực hơn, phải tiếp tục nhận diện một cách đầy đủ, sâu sắc hơn các vấn đề đặt ra trong tình hình mới đối với công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phải có những giải pháp khả thi hơn, có cách tiếp cận phù hợp hơn.

Với những yêu cầu về giải pháp, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh tới một số vấn đề cần quan tâm, đó là: Cuộc sống của đồng bào DTTS sẽ là trung tâm cao nhất, là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và cả hệ thống chính trị, trong mối quan tâm đó cần giải quyết được các vấn đề về đói nghèo, cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm khoảng cách giàu nghèo, hướng tới phát triển bền vững; hệ thống các chính sách liên quan đến cuộc sống đồng bào DTTS phải được sắp xếp lại, được lồng ghép, nâng cao hiệu quả và được thực hiện trong một cơ chế điều hành hợp lý hơn; phải có chính sách thúc đẩy đặc thù để giải quyết nhanh hơn các mục tiêu mong muốn; các chính sách phải gắn với điều kiện sinh sống, với văn hóa, tập quán tốt đẹp và phát huy được tiềm năng, yếu tố tích cực của cộng đồng.

Bà Trương Thị Mai cũng cho rằng, trong quá trình phát triển vùng đồng bào DTTS, cần xem trọng các vấn đề liên quan đến cuộc sống của đồng bào đó là: cần phải tạo cơ hội để bình đẳng; đảm bảo nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng; khắc phục tình trạng du canh du cư; tăng cường chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ người có uy tín làm cốt cán, nòng cốt trong vùng DTTS...

Tổng kết Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết, thông qua hệ thống báo cáo, truyền thông, ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học thời gian vừa qua và qua Hội thảo ngày hôm nay, đã thống nhất được mốt số điểm chính sau: Xác định quan điểm đầu tư cho miền núi là đầu tư cho phát triển, trong đó nguồn lực của Nhà nước là quan trọng, quyết định huy động các nguồn lực khác. Về phân cấp, Trung ương sẽ xây dựng chính sách khung và có tính chất khung, còn cụ thể do cấp tỉnh quyết định; thực hiện tăng cho vay, giảm cho không và hỗ trợ có điều kiện; các đại biểu cũng tán thành việc báo cáo với Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ trình Quốc hội Quyết định phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, theo đó ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đánh giá cao các ý kiến phát biểu rất trách nhiệm, tâm huyết, xác đáng và đề xuất có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Các ý kiến giúp bổ sung thêm căn cứ, đủ lý lẽ để luận giải những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, có thêm sự đồng thuận để Ban Chỉ đạo báo cáo với Bộ Chính trị và các bộ, ngành báo cáo với Chính phủ và Quốc hội.

Xuân Thường