Hội nghị công bố Kết quả và tổng kết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019
02:13 PM 19/12/2019 | Lượt xem: 3322 In bài viết |Ngày 19/12/2019, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (Ban Chỉ đạo) tổ chức Hội nghị công bố kết quả chính thức và Tổng kết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Dự và chỉ đạo Hội nghị, có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Lê Sơn Hải dự và phát biểu tại Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nguyễn Bích Lâm cho biết: Mục đích của Tổng điều tra là thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) giai đoạn 2021-2030 và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc Tổng điều tra đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, đặc biệt trong thu thập thông tin tại địa bàn với hình thức thu thập thông tin chủ yếu bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động, giúp nâng cao chất lượng thông tin và kết quả của cuộc tổng điều tra.
Theo kết quả điều tra, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người; nam là 47.881.061 người (49,8%), nữ là 48.327.923 người (50,2%). Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm. Tổng số hộ dân cư trên cả nước là 26.870.079 hộ, bình quân có 3,6 người/hộ. Mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2. Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 22,5 triệu người, chiếm 23,4% tổng dân số cả nước; Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 5,8 triệu người, chiếm 6,1%.
Dân số thuộc dân tộc Kinh là 82,085.826 người, chiếm 85,3%. Trong 53 dân tộc thiểu số (DTTS), 6 dân tộc có dân số trên 1 triệu người là: Tày, Thái, Mường, Mông, Khmer, Nùng (trong đó, dân tộc Tày có dân số đông nhất với 1,85 triệu người); 11 dân tộc có dân số dưới 5 nghìn người, trong đó Ơ Đu là dân tộc có dân số thấp nhất (428 người). Địa bàn sinh sống chủ yếu của người DTTS là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Cả nước có 9,1% phụ nữ trong độ tuổi từ 20-24 kết hôn lần đầu trước 18 tuổi. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn lần đầu trước 18 tuổi cao nhất cả nước, lần lượt là 21,5% và 18,1%.
Quang cảnh Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng: Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã phản ánh đầy đủ, chi tiết về tình hình dân số, nhân khẩu học, chất lượng dân số, nhà ở và điều kiện sống của nhân dân. Qua đó cho thấy tính hiệu quả của việc thực thi các chính sách về dân số và phát triển thời gian qua; đồng thời cũng phản ánh những bất cập hạn chế của các cơ chế, chính sách đối với các lĩnh vực và nhóm tượng khác nhau như đồng bào DTTS, phụ nữ yếu thế, người có trình độ giáo dục thấp…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã hoàn thành nhưng cái đích cuối cùng chưa kết thúc, đó là việc tiếp cận, sử dụng thật hiệu quả bộ dữ liệu của cuộc tổng điều tra để phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách phát triển KT-XH dựa trên bằng chứng, bảo đảm phát triển đất nước theo phương châm dân số vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải chúc mừng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã tổ chức, chỉ đạo và thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Với sự phối hợp chặt chẽ của Tổng cục Thống kê, UBDT đã sử dụng kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho công tác hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về công tác dân tộc như: xây dựng báo cáo phục vụ Đại hội đại biểu DTTS các tỉnh, thành phố; xây dựng Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Cùng với kết quả Điều tra 53 thực trạng KT-XH của 53 DTTS năm 2019, kết quả cuộc Tổng điều tra là nguồn thông tin quan trọng để xây dựng, triển khai và đánh giá kết quả chiến lược, chính sách dân tộc trong thời gian tới.
Ủy ban Dân tộc trân trọng cảm ơn Tổng cục Thống kê đã phối hợp, cung cấp số liệu từ các cuộc điều tra, góp phần chung tay xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS.