Giao lưu trực tuyến “Để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống”
02:30 PM 21/12/2018 | Lượt xem: 5124 In bài viết |Khách mời tham dự chương trình có ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135, Ủy ban Dân tộc.
Giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội là một nội dung cơ bản, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta, được cụ thể bằng chính sách, pháp luật và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước qua các thời kỳ. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác giảm nghèo, được thế giới đánh giá là điểm sáng hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ trước thời hạn.
Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả hai năm (2017 và 2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so cuối năm 2016); ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6% (giảm khoảng từ 1-1,3% so năm 2017). Tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực, tỷ lệ tái nghèo trung bình cả nước giảm từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,1% (năm 2017). Đặc biệt, có 10 tỉnh, thành phố duy trì được tình trạng không tái nghèo.
Quang cảnh buổi giao lưu
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng nhận định, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tỉ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 52,6% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2017), thu nhập bình quân của hộ DTTS chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước. Nguồn lực thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo vẫn còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ đủ độ để tác động làm chuyển biến thực sự đời sống người nghèo DTTS. Các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống.
Tỉ lệ tái nghèo bình quân ở mức 5,1%/năm, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, bằng 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo, do các nguyên nhân tách hộ, do gặp rủi ro như ốm đau, bệnh tật, đặc biệt là hậu quả của thiên tai, lũ lụt… Việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả thực hiện ở các địa phương đạt kết quả còn thấp. Trong đó có nguyên nhân là chính sách hỗ trợ cho không được duy trì trong thời gian dài, tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại của người nghèo, không muốn vay vì sợ không trả được.
Ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 trao đổi tại buổi giao lưu
Qua hệ thống tiếp nhận câu hỏi của Báo Nhân dân điện tử (email, fanpage…), Ban Tổ chức đã ghi nhận một lượng lớn câu hỏi của độc giả. Một số lĩnh vực được độc giả quan tâm nhiều như: kết quả triển khai chính sách giảm nghèo sự chồng chéo, dàn trải và khả năng tích hợp chính sách; thiếu nguồn lực về vốn để triển khai chính sách; lồng ghép các nguồn lực, xã hội hóa; tình trạng hộ nghèo tăng trở lại và tái nghèo nhanh; chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư; vay vốn đi xuất khẩu lao động; việc đồng bào thiếu đất sản xuất; công tác đào tạo nguồn nhân lực DTTS; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng sinh kế cho đồng bào…
Tại buổi giao lưu trực tuyến, các đại biểu khách mời trao đổi về những vấn đề cụ thể như kết quả triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo; nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS… Buổi giao lưu trực tuyến cũng là dịp để chia sẻ các bài học kinh nghiệm mang tính điển hình về giảm nghèo ở các địa phương, về những nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, yếu kém trong triển khai công tác này thời gian qua. Từ đó, kiến nghị các giải pháp mang tính căn cơ hơn để góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 4% theo chuẩn nghèo đa chiều, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững đất nước.