Gặp mặt nghệ nhân và người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS khu vực phía Bắc năm 2022
11:40 AM 19/11/2022 | Lượt xem: 3211 In bài viết |Chiều 18/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị gặp mặt các nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS khu vực phía Bắc. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh và Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - VHTT&DL) nhấn mạnh, hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống được Bộ VHTT&DL tổ chức thường niên chính là dịp để cổ vũ, khích lệ những cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích rất đáng tự hào về công tác lưu giữ, trao truyền các giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống. Những đóng góp của nghệ nhân góp phần to lớn để văn hóa các DTTS không bị mai một, mà mãi là dòng chảy không ngừng trong nền văn hóa Việt Nam.
“Thông qua Hội nghị, với mong muốn để các nghệ nhân, đại biểu đề xuất, góp ý các giải pháp thiết thực, phù hợp thực tế với đời sống đồng bào DTTS trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó xây dựng nội dung, đề xuất các giải pháp bảo tồn cụ thể, thiết thực, từng bước có cơ chế chính sách đặc thù để bảo tồn văn hóa các dân tộc, nhằm giữ gìn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa dân tộc, tránh nguy cơ bị mai một, mất bản sắc”, bà Nguyễn Thị Hải Nhung thông tin.
Ông Nùng Văn Chiến - đại diện cho dân tộc Thái tỉnh Sơn La chia sẻ tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của các già làng, trưởng bản, Người có uy tín của các dân tộc khu vực phía Bắc chia sẻ quá trình lưu giữ những giá trị văn hóa, bản sắc của các dân tộc. Đa số các đại biểu đều trăn trở với việc làm thế nào để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, vận động, truyền dạy cho thế hệ trẻ để tiếp nối truyền thống của cha ông và đề nghị Nhà nước cần có những cơ chế chính sách thích hợp để thúc đẩy việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc hiệu quả hơn. Đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ về tiếng nói của dân tộc mình; tạo điều kiện về kinh phí cho các nghệ nhân truyền dạy cho lớp trẻ biết về những phong tục truyền thống, những làn điệu dân ca, động viên lớp trẻ tham gia gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Ông Nùng Văn Chiến - đại diện cho dân tộc Thái tỉnh Sơn La chia sẻ, tiếng nói và chữ viết là những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Thái. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chữ viết tiếng nói đang ngày càng bị mai một, thế hệ trẻ ngày càng biết ít đi. “Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái, đặc biệt là ngôn ngữ, tôi mong muốn các bộ, ban ngành thống nhất được chữ viết người Thái để có được bộ sách giáo khoa chuẩn truyền dạy cho con cháu thế hệ sau. Đồng thời mở các lớp đào tạo giáo viên, có cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy, giúp bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc”, ông Nùng Văn Chiến đề xuất.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh trao đổi, chia sẻ với các nghệ nhân tại Hội nghị
Cùng trao đổi tại Hội thảo, ông Đặng Nho Vượng - đại diện cho dân tộc Dao tỉnh Yên Bái chia sẻ, việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa bản sắc của địa phương ngày càng được các ngành, các cấp quan tâm. Đặc biệt, việc truyền dạy về nhạc cụ, dân ca dân vũ được bản thân ông dành nhiều tâm huyết trong thời gian qua. Đại diện dân tộc Dao cho biết, với vai trò là nghệ nhân bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, hằng năm chính quyền địa phương mở các lớp truyền dạy văn hóa, ông lại đứng lên truyền dạy cho thế hệ trẻ những làn điệu dân ca như hát Páo Dung, hát giao duyên nhằm bảo tồn văn hóa đồng bào Dao...
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực trao quà cho các nghệ nhân tiêu biểu tại Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: “Trong những năm qua Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa các DTTS. Có thể khẳng định, mỗi dân tộc trong đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam đều mang trong mình những giá trị truyền thống quý giá, đặc trưng riêng. Các nghệ nhân, già làng, trưởng bản vùng DTTS chính là những hạt nhân, là đầu tầu gương mẫu, có vị trí và đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, vận động và trao truyền cho con em mình, đồng bào mình bảo tồn kho tàng văn hóa quý báu của dân tộc”.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh trao đổi, chia sẻ với các nghệ nhân bên ngoài Hội nghị
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cảm ơn các nghệ nhân đã gác lại các công việc cá nhân và gia đình, khắc phục đường sá xa xôi, về Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em vừa để báo cáo những thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc vừa được giao lưu trao đổi và học tập kinh nghiệm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc ngày càng hiệu quả trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh chụp ảnh lưu niệm cùng nghệ nhân tiêu biểu dự Hội nghị
“Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc khu vực phía Bắc tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc, di sản vô cùng quý báu được trao truyền từ đời này đến đời sau, là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, nhằm phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, góp phần củng cố sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.Thông qua buổi gặp gỡ, trao đổi giúp cho các dân tộc hiểu về nhau hơn, gần gũi quý trọng và hoà hợp nhau hơn, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển”, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết.
(baodantoc.vn)