Đề án tổng thể phát triển kinh tế –xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bài bản, khoa học
03:00 PM 04/09/2019 | Lượt xem: 7950 In bài viết |Đa số các ý kiến đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bài bản, khoa học của Ủy ban Dân tộc trong quá trình xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế –xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Đề án) tại cuộc họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Đề án do Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức ngày 04/9/2019 tại Hà Nội.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Hà Ngọc Chiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Thường trực, thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; các cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc (UBDT); đại diện một số bộ, ngành liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học…
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Trình bày tóm tắt Tờ trình Phê duyệt Đề án với các nội dung, như: sự cần thiết, căn cứ xây dựng, quá trình xây dựng, bố cục và nội dung cơ bản của Đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến khẳng định: Chủ trương xây dựng Đề án là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, được hầu hết các bộ, ngành địa phương và đồng bào DTTS đồng tình ủng hộ. “Đề án được phê duyệt và tổ chức thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN phát triển bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn bản một số bức xúc của người dân sinh sống ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh; xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại cuộc họp
Trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ Đề án, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết: Hội đồng Dân tộc đánh giá cao sự khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là UBDT trong quá trình chuẩn bị, xây dựng Đề án. Chính phủ và UBDT đã thực hiện đúng quy trình, triển khai đồng bộ các hoạt động. Hội đồng Dân tộc cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án như lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng vùng DTTS&MN có vị trí, tầm quan trọng chiến lược về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay vùng DTTS&MN là vùng có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp, kinh tế-xã hội phát triển chậm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ nghèo cao nhất.
Mặt khác, hiện nay chính sách dân tộc do nhiều đầu mối xây dựng quản lý nên nguồn lực bị phân tán, dàn trải, chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, vùng DTTS&MN là khu vực thường xuyên gánh chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đến sản xuất, đời sống người dân. Thực tiễn đang tồn tại và nảy sinh nhiều vấn đề…đã tác động ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng…Mặt khác, yêu cầu của thực tiễn phát triển, hội nhập và công cuộc đổi mới đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Do vậy cần phải đổi mới chính sách đầu tư cho vùng này bằng việc xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển.
Bên cạnh khẳng định sự cần thiết của Đề án đối với sự phát triển vùng đồng bào DTTS&MN, dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ Đề án của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng chỉ ra những điểm cần bổ sung, điều chỉnh ở từng nội dung cụ thể.
Các ý kiến góp ý tại cuộc họp cho thấy, đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết, tầm quan trọng của Đề án và đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học của UBDT trong quá trình xây dựng Đề án.
“Tôi rất tâm đắc cách làm của UBDT. Công tác chuẩn bị xây dựng Đề án rất bài bản, khoa học. Cách lựa chọn vấn đề, đưa ra giải pháp phù hợp, làm rõ quan điểm mới trong xây dựng chính sách dân tộc. Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng đã khảo sát cụ thể để thẩm tra Đề án”. Bà Vương Ngọc Hà - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang chia sẻ.
Qua dự thảo báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các ý kiến đã phân tích thêm sự cần thiết, chỉ ra những giải pháp cần bổ sung, hoàn thiện Đề án, như: đánh giá kỹ hơn vị trí chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng của vùng đồng bào DTTS&MN; làm rõ sự phân bố dân cư; đánh giá nguyên nhân nghèo; đánh giá vai trò trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan; nêu nhu cầu ngân sách, tỷ lệ đạt được thời gian qua; làm rõ những điểm mới trong xây dựng chính sách; Đề án cần gắn với mục tiêu phát triển bền vững, lộ trình thiên niên kỷ; phân tích so sánh, các chỉ số để đánh giá mức độ đầu tư; xác định rõ địa bàn ưu tiên; thống nhất với quy hoạch vùng; Chính phủ cần sớm có lộ trình phân định miền núi, vùng cao, phân định vùng DTTS theo trình độ phát triển; đánh giá rõ hơn việc tích hợp cơ chế chính sách về trật tự ưu tiên, sắp xếp lại cho phù hợp; giải pháp tạo việc làm, sinh kế, hỗ trợ khởi nghiệp; lồng ghép giới…
Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đã phát biểu, giải trình và làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể mà các đại biểu đề xuất. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh “Tôi đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. UBDT sẽ nghiêm túc tiếp thu với tinh thần cầu thị cao nhất, cố gắng để Đề án đạt chất lượng tốt nhất. Chúng ta đã đi được chặng đường rất dài để xây dựng và hoàn thiện Đề án và chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của tất cả các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành và tất cả các đại biểu Quốc hội DTTS để Đề án được Quốc hội thông qua, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN”.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến khẳng định, thời gian qua, chính sách dân tộc đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS. Tuy nhiên, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, dân tộc, giữa DTTS và dân tộc đa số chưa được rút ngắn. Nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng Đề án, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, tâm huyết, trách nhiệm, bài bản, cầu thị của UBDT. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị UBDT tiếp thu, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, làm rõ hơn nội dung Đề án. Đề nghị Hội đồng Dân tộc tiếp tục bổ sung vào báo cáo thẩm tra, đưa ra Hội nghị toàn thể của Hội đồng Dân tộc để hoàn thiện báo cáo sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo tính khả thi, thuyết phục cao nhất.
(Thanh Huyền - Báo Dân tộc và Phát triển)