Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện 3 Chương trình MTQG
02:25 PM 29/08/2023 | Lượt xem: 5802 In bài viết |Sáng 28/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2023 và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Kỳ họp thứ 6 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét ban hành một số cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.
Tham dự Hội nghị, về phía Ủy ban Dân tộc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn nguồn ngân sách trung ương đã phân bổ, giao các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2023 là 83.616,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công hơn 48.216,8 tỷ đồng; kinh phí sự nghiệp hơn 35.379,8 tỷ đồng.
Ước đến hết ngày 31/8, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 của các chương trình MTQG (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) là hơn 16.365,3 tỷ đồng, đạt 47,81% kế hoạch. Trong đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công kéo dài khoảng 6.225,6 tỷ đồng, đạt khoảng 58,47%; vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 giải ngân đạt khoảng 10.139,6 tỷ đồng, đạt 41,9% kế hoạch.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã báo cáo kết quả triển khai các chương trình và nêu ra những hạn chế, vướng mắc, khó khăn liên quan đến tổ chức thực hiện. Đồng thời, đề ra các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG trong thời gian tới.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2023 - Ảnh: VGP/Hải Minh
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn trong việc tổ chức thực hiện vì thực tiễn cho thấy địa phương nào chủ động, quyết liệt hơn đều có tỉ lệ giải ngân cao hơn.
Các địa phương phải chú trọng nghiên cứu các văn bản mới ban hành, đặc biệt là Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ; Quyết định số 18/2023/QĐ-TTg ngày 01/7/2023 và số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, 06 thông tư cùng với các văn bản hướng dẫn, trả lời kiến nghị của các bộ, cơ quan Trung ương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn các địa phương tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trong đó có việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, đóng góp của Nhân dân, và lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Đoàn Giám sát về việc thực hiện 3 Chương trình MTQG của Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát các Chương trình MTQG ngay trong quá trình triển khai thực hiện. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các địa phương tại hội nghị này và các hội nghị vùng vừa tổ chức và qua tổng hợp của Đoàn Giám sát của Quốc hội, để hoàn tất báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.
(baodantoc.vn)