Tạo mọi điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc có cuộc sống, môi trường học tập và rèn luyện tốt hơn

07:02 AM 04/09/2021 |   Lượt xem: 9881 |   In bài viết | 

Thủ tướng thăm hỏi, động viên các thầy cô, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Quân khu 1.

Thăm trường mầm non xã Bình Yên, huyện Định Hóa, Thủ tướng đã kiểm tra kỹ cơ sở vật chất, bếp ăn, phòng y tế, điều kiện vệ sinh... của nhà trường. Với hơn 200 cháu, trường có 28 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Báo cáo với Thủ tướng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dù đã được tỉnh, huyện quan tâm, nhưng trường vẫn gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất. Hiện đang thiếu một số phòng học để có thể mở rộng thêm việc trông giữ nhóm trẻ dưới 18 tháng tuổi.

Sau khi nghe kiến nghị, đề xuất của nhà trường, Thủ tướng lập tức giao Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu xem xét, giải quyết ngay, đồng thời quan tâm, hỗ trợ thêm khẩu phần ăn cho các cháu mầm mon, đảm bảo đủ dinh dưỡng, thể lực thể chất. Thủ tướng cho rằng, việc trông giữ các cháu dưới 18 tháng tuổi là nhu cầu của người dân, là bài toán đặt ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

Thăm hỏi, động viên các thầy cô, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa, Thủ tướng mong các em học sinh cố gắng học tập thật tốt, giữ gìn và rèn luyện, nâng cao sức khỏe, nghe lời thầy cô, thương yêu, đùm bọc, chăm sóc lẫn nhau. Thủ tướng lưu ý các em vừa học tập nâng cao trình độ văn hóa, chú ý học ngoại ngữ và tin học, vừa không quên tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước, giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.

Trực tiếp đến với dân để nắm bắt tình hình thực tế và thực thi chính sách

Tiếp đó, ngay tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa, Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Cuộc làm việc được kết nối trực tuyến với các huyện, thành phố, thị xã và toàn bộ 178 xã, phường, thị trấn của tỉnh Thái Nguyên.

Qua hệ thống hội nghị trực tuyến, Người đứng đầu Chính phủ đã “kiểm tra” lãnh đạo nhiều xã, phường, thị trấn của Thái Nguyên. Ông muốn tìm hiểu xem lãnh đạo cơ sở nắm vững tới đâu tình hình người dân, đặc điểm địa bàn để triển khai các nhiệm vụ được giao, nhất là phải nắm vững chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và các quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch COVID-19 và chuẩn bị cho năm học mới.

Với các xã miền núi, nội dung được Thủ tướng quan tâm là việc tổ chức các trường, điểm trường, tình hình học sinh, biên chế giáo viên… Kết nối với điểm cầu phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, Thủ tướng yêu cầu báo cáo thêm về những nhiệm vụ cơ bản mà các xã, phường, thị trấn khi thực hiện Công điện của Thủ tướng với phương châm xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ phòng chống dịch.

Người đứng đầu Chính phủ động viên cô trò trường mầm non xã Bình Yên, huyện Định Hóa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng chuyến làm việc tại Thái Nguyên cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Người đứng đầu Chính phủ với ngành giáo dục trước thềm năm học mới. Bộ trưởng đề nghị các địa phương tăng cường hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường bán trú dân nuôi để có nhiều hơn nữa các em học sinh người dân tộc thiểu số được bảo đảm điều kiện sinh hoạt và học tập tốt hơn. Bộ trưởng mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, các thầy cô giáo và các em học sinh tỉnh Thái Nguyên tiếp tục nỗ lực, cố gắng để hoàn thành năm học mới với nhiều khó khăn, thách thức.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chuyến thăm và làm việc tại Thái Nguyên chủ yếu nhằm nắm bắt tình hình thực tế về chính sách giáo dục với con em đồng bào dân tộc thiểu số và những hạn chế, bất cập đối với hệ thống các trường dân tộc nội trú.

Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao kết quả về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch và chuẩn bị năm học mới của tỉnh Thái Nguyên, nhất là quan điểm chủ động phòng dịch, phòng là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, có phương án, kịch bản ứng phó ở mức độ cao hơn so với tình hình thực tế của dịch.

Theo Thủ tướng, trong những ngày đầu tháng 9, trong tâm thức của mỗi người Việt Nam bao giờ cũng nhớ về sự kiện quan trọng là Tết Độc lập 2/9 và không khí hào hứng chào đón ngày tựu trường. Nhưng năm nay, nhiều địa phương trên cả nước chưa thể tổ chức được ngày khai giảng theo thông lệ do diễn biễn phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu và ở nước ta. Đảng, Nhà nước rất hiểu và chia sẻ với những thiệt thòi, khó khăn của các địa phương, các thầy cô, các em học sinh, phụ huynh trên cả nước, đặc biệt ở những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội.

Cách đây mấy ngày, Thủ tướng Chính phủ đã dự Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc và đã có chỉ đạo các giải pháp quan tâm hơn nữa đến đời sống giáo viên, học sinh và để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển nền giáo dục nước nhà; đồng thời đã có chỉ đạo cụ thể về ứng phó với dịch bệnh trong năm học mới.

Nhiều ý kiến tại Hội nghị trên cũng nêu những khó khăn, vướng mắc cần có các biện pháp tháo gỡ như đời sống giáo viên, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, giáo viên mầm mon tư thục…; điều kiện vật chất còn nghèo nàn, tiền hỗ trợ học sinh đối với các trường dân tộc nội trú còn thấp, các điều kiện để phát triển toàn diện, nhất là về thể chất cho các cháu còn hạn chế so với yêu cầu, mong muốn…

Thủ tướng làm việc với lãnh đạo các huyện, xã của tỉnh tại điểm cầu ngay trong phòng học đơn sơ của Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Định Hóa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sâu sát tận cơ sở để cảm nhận hơi thở cuộc sống, có chính sách sát thực tế

Thủ tướng khẳng định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn hết sức quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách… Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và triển khai thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc và bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục. Thời gian qua, các trường phổ thông dân tộc nội trú đã từng bước khẳng định những ưu điểm, ưu việt trong hệ thống giáo dục nước ta.

Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo tỉnh, thầy cô giáo nhà trường và ý thức của các em học sinh đã tạo nên ngôi trường khang trang, sạch đẹp; sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh đối với nhà trường và rộng hơn là sự nghiệp giáo dục của tỉnh.

Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá các thầy cô và các em học sinh đã rất cố gắng vượt qua khó khăn, nỗ lực mỗi ngày để dạy tốt và học tốt. Các thầy cô giàu kinh nghiệm giảng dạy, nhiệt huyết và quan tâm đến các cháu, không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn là người cha, người mẹ dạy bảo các cháu từng ngày. Không phụ lòng các thầy cô, các cháu học sinh đã rất cố gắng trong học tập, vượt qua nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ gia đình để hàng ngày tích lũy tri thức và rèn luyện đạo đức, rèn luyện một bước tính tự lập.

“Các cháu ở đây sống xa gia đình, cha mẹ, nhiều cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tôi cảm ơn các thầy cô giáo dành cho các cháu tình cảm nồng ấm, chân thành, qua trao đổi, tôi thấy các cháu cảm nhận được điều này. Tôi vui mừng được biết chất lượng giáo dục của Trường đứng trong nhóm đầu của tỉnh với tỷ lệ học sinh khá, giỏi cao, thậm chí cháu Lưu Hiếu An học sinh lớp 9 của trường vừa đỗ thủ khoa chuyên Toán trường THPT Chuyên Thái Nguyên”, Thủ tướng động viên các thầy cô, các em học sinh.

Nhắc tới bài học về sự sẻ chia, về tinh thần “thương người như thể thương thân”, Thủ tướng nêu rõ, tất cả chúng ta đều chia sẻ với những thầy cô và bạn bè ở nhiều địa phương chưa thể trở lại trường học do dịch COVID-19. Đảng, Nhà nước sẽ quyết tâm để trường học sớm hoạt động trở lại bình thường bằng nỗ lực đẩy lùi, kiểm soát và thích ứng an toàn với dịch bệnh, gắn với phương án tiêm vaccine sớm cho trẻ em đảm bảo khoa học và an toàn.

Cuộc làm việc được kết nối trực tuyến với các huyện, thành phố, thị xã và toàn bộ 178 xã, phường, thị trấn của tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đối với giáo dục các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách, Thủ tướng đề nghị các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ những bất cập, kiến nghị của các cơ sở giáo dục để có sự điều chỉnh hoặc đề xuất điều chỉnh chính sách phù hợp.

“Các Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương phải đi thực tế tận xã phường, làng bản, thôn ấp… mới cảm nhận được những khó khăn, thiệt thòi, thiếu thốn của những nơi này”, Thủ tướng nói. Ông nhắc tới một số ví dụ như việc cấp phát một số đồ dùng cá nhân cho học sinh  một lần trong cả cấp học đã hợp lý chưa, chế độ phụ cấp đối với cán bộ phục vụ trong các trường nội trú đã phù hợp chưa.

Thủ tướng cũng đề nghị có giải pháp tổng thể để điều chỉnh chính sách đối với giáo viên mầm non một cách phù hợp; tăng cường quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa, thể dục, thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử tốt đẹp của đất nước, của các dân tộc cho các cháu học sinh.

Về chương trình chuyển đổi số, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm hơn nữa tới các vùng lõm, những vùng khó khăn, các em học sinh tại những nơi này sẽ chịu thiệt thòi nếu không đủ điều kiện để học trực tuyến trong trường hợp cần thiết.

Thủ tướng mong rằng, các thầy cô với niềm tự hào và trái tim nhiệt huyết hằng ngày truyền tải kiến thức, tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc, lan tỏa sự yêu thương, lòng nhân ái, tinh thần vượt khó đến các cháu học sinh thân yêu. Các cháu hiểu về giá trị lịch sử của mảnh đất cách mạng, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, truyền thống dân tộc mình, sự tin tưởng và hy vọng của cha mẹ, tấm lòng của các thầy cô, khát vọng của tuổi trẻ, cố gắng học tập, rèn luyện để thay đổi cuộc sống của mình, gia đình mình và đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Học sinh là trung tâm, nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực truyền cảm hứng cho các cháu. 

Nhân dịp này, Người đứng đầu Chính phủ gửi tới toàn thể các thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục cả nước nói chung và trường phổ thông dân tộc nội trú Định Hóa nói riêng lời chúc sức khỏe và nhiều niềm vui, thành công trong năm học mới. Thủ tướng nhấn mạnh: Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” sẽ là kim chỉ nam cho hành động, quyết tâm của mỗi học sinh và trách nhiệm của tất cả chúng ta để phát triển nền giáo dục nước nhà.

Thủ tướng dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình, thuộc An toàn khu Định Hóa.

Thủ tướng Chính phủ và các thành viên trong Đoàn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khu di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa là nơi ở, làm việc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Tại đây cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả dân tộc. Đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Trong không khí trang nghiêm, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên trong Đoàn đã kính cẩn đặt vòng hoa, thắp hương tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi sổ lưu niệm tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong cuốn sổ lưu niệm tại Nhà tưởng niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính viết: Nguyện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tập trung trí tuệ và nguồn lực, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc để chống dịch thành công và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

(baochinhphu.vn)