Rất cần thiết thông qua Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi
09:38 AM 19/09/2019 | Lượt xem: 16658 In bài viết |Trong khuôn khổ chương trình phiên họp lần thứ 37, ngày 18/9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (sau đây gọi tắt là Đề án). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải; lãnh đạo một số bộ, ngành…
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tóm tắt Tờ trình Phê duyệt Đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định: Chủ trương xây dựng Đề án là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn được hầu hết các bộ, ngành, địa phương và đồng bào các DTTS đồng tình, ủng hộ.
Tờ trình nêu rõ, mục tiêu của Đề án là khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển. Giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn. Cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân. Đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xóa bỏ tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia….
Dự thảo Đề án gồm 6 phần, đó là: sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án; thực trạng kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; đánh giá tác động của Đề án; tổ chức thực hiện; kết luận và kiến nghị…Dự thảo Đề án cũng đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có 9 dự án thành phần.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp.
“Đề án được phê duyệt và tổ chức thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế –xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn bản một số bức xúc của người DTTS sinh sống ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn…”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ Đề án, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, vùng DTTS và miền núi có vị trí, tầm quan trọng chiến lược về chính trị, kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Nhưng hiện nay đây vẫn là vùng có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế – xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất và có tỷ lệ người nghèo cao nhất, là khu vực thường xuyên gánh chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Khoảng cách phát triển, mức thu nhập bình quân của người DTTS so với mặt bằng chung cả nước ngày còn cách xa. Do đó, cần phải có chính sách đủ mạnh để đầu tư cho vùng này nhằm thực hiện mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập…
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết: từ việc thẩm tra kết quả 03 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 – 2018 (báo cáo số 718/BC-HĐDT14, ngày 18/10/2018), Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách dân tộc như một Chương trình mục tiêu quốc gia mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn tới. Theo đó tích hợp các nội dung chính sách, thu gọn đầu mối quản lý, quy định về cơ chế, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách. Xây dựng Đề án với việc đề xuất một Chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng DTTS và miền núi là hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính sách và các nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội.
Bên cạnh khẳng định sự cần thiết của Đề án đối với sự phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ Đề án của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng chỉ ra những điểm cần bổ sung, điều chỉnh ở từng nội dung cụ thể.
Tại phiên họp, đa số các đại biểu đồng tình, ủng hộ và khẳng định tầm quan trọng của Đề án đối với sự phát triển vùng DTTS và miền núi; đánh giá cao quá trình chuẩn bị xây dựng Đề án rất công phu, bài bản, sáng tạo. Nhiều đại biểu đánh giá, việc hoàn thiện Đề án cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là sự cố gắng, trách nhiệm lớn của Ủy ban Dân tộc trong xây dựng Đề án và cho rằng, rất cần thiết thông qua Đề án này.
Toàn cảnh phiên họp.
Các đại biểu cũng đã chỉ ra những giải pháp để hoàn thiện Đề án, như: cân nhắc tên gọi; đánh giá rõ hơn quan điểm; có sự phân kỳ, có bước đi vững chắc; lựa chọn trật tự những vấn đề cần ưu tiên hỗ trợ; phải phát huy được sức mạnh trong dân; Đề án cần gắn với mục tiêu phát triển bền vững, lộ trình thiên niên kỷ; phân tích so sánh, các chỉ số để đánh giá mức độ đầu tư; quan tâm hơn nữa đến nhu cầu thiết yếu của người dân (điện, đường, nước sinh hoạt, đất đai…), ưu tiên hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực… ; làm sao phải phát huy được sức mạnh trong dân; phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, từng dân tộc; xây dựng bộ máy tổ chức, con người để thực hiện Đề án…
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá, Đề án đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, trách nhiệm. Phó Chủ tịch nước cho rằng, cần tiếp tục đánh giá tiềm năng, lợi thế vùng DTTS, miền núi. Đề án phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm và phân cấp mạnh mẽ hơn nữa…
“Tôi thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của đồng bào DTTS. Đề án được thông qua và thực hiện, sẽ mở ra cơ hội lớn đối với sự phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi…”. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chia sẻ.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ đã tích cực, khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Với thời gian hạn hẹp, nhưng Chính phủ đã chuẩn bị được khối lượng tài liệu rất lớn và đã trình bày được những nội dung cơ bản để báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng hoan nghênh Ủy ban Dân tộc đã chủ trì xây dựng và hoàn thiện Đề án với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Khẳng định, với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng chia sẻ những băn khoăn khi nhiều khó khăn, hạn chế vẫn đang hiện hữu trong đời sống đồng bào DTTS.
Để hoàn thiện Đề án, thực hiện có hiệu quả mục tiêu đặt ra đối với sự phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần quan tâm tăng nguồn lực cho hỗ trợ đầu tư phát triển. Thu gọn đầu mối quản lý để tăng tính hiệu quả. Có sự phân tích, so sánh từng giai đoạn thực hiện Đề án. Tập trung vào những khâu đột phá, những nơi nào yếu nhất, khó khăn nhất. Phân kỳ thực hiện chính sách và có sự ưu tiên đầu tư. Đảm bảo giữa phát triển kinh tế-xã hội với văn hóa, an ninh, quốc phòng; phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc; chăm lo phát triển nguồn lực, đào tạo cán bộ cơ sở. Phân công trách nhiệm rõ ràng, đúng thẩm quyền…trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
(Nguồn: baodantoc.com.vn)