Giảm nghèo bền vững vẫn là nhiệm vụ trọng tâm

07:31 PM 12/11/2022 |   Lượt xem: 3146 |   In bài viết | 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo - Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo, năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lai Châu ước đạt 7,7%, GRDP bình quân đầu người đạt gần 48 triệu đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến hết tháng 10/2022 đạt hơn 1.800 tỷ đồng. 

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 31 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 8.300 tỷ đồng. Toàn tỉnh đang tập trung xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước nêu rõ, Lai Châu cần tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế dựa trên các trụ cột nông, lâm nghiệp, công nghiệp mà tỉnh có lợi thế. Về phát triển nông, lâm nghiệp chú trọng vào chất lượng, quy mô đủ lớn gắn với xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị nông sản, chú ý nông sản đặc hữu là thế mạnh như vùng chè cổ thụ, vùng cây ăn trái, vùng cây công nghiệp giá trị cao, vùng cây dược liệu quý có lợi thế như sâm, cây 7 lá 1 hoa, lan kim tuyến,...

Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh có chiến lược phát triển sâm Lai Châu bền vững, hiệu quả, để người dân vùng cao, vùng biên giới của Lai Châu sống với rừng, thoát nghèo từ rừng và tiến tới làm giàu từ rừng. Cùng với đó, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản có giá trị gia tăng cao gắn với vùng nguyên liệu tập trung, sản phẩm chủ lực theo chuỗi liên kết giá trị; duy trì và phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống.

Theo Chủ tịch nước, tỉnh cũng cần phát triển hạ tầng kỹ thuật cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu, dịch vụ logistics; nâng tầm cạnh tranh của các sản phẩm OCOP, những đặc sản của địa phương, gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch mang đậm nét riêng của vùng Tây Bắc, của Lai Châu, gắn du lịch với ẩm thực và đặc sản địa phương, bảo đảm tính bền vững, lâu dài trong phát triển du lịch.

Để triển khai hiệu quả các định hướng trên, Chủ tịch nước đề nghị Lai Châu tập trung tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, cần có tầm nhìn xa, không mâu thuẫn cản trở lẫn nhau, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng y tế, phát triển chất lượng giáo dục, chất lượng dân số. Bảo đảm an ninh biên giới, an ninh tôn giáo, trật tự an toàn xã hội vùng biên cương; tích cực phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Xây dựng và quản lý tuyến biên giới quốc gia hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lai Châu. Ảnh: TTXVN

Giảm nghèo bền vững cho người dân vẫn được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, do đó, Lai Châu cần thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa, phát triển theo cơ chế thị trường, thay thế tư duy kinh tế kiểu tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ trong phát triển; khuyến khích tinh thần nỗ lực, ý chí vượt khó vươn lên, cải thiện kinh tế và cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Cùng với đó, phát triển một số sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số làm đặc sắc hơn nữa các sản phẩm du lịch địa phương.

Chủ tịch nước mong muốn Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh Lai Châu tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, đồng lòng xây dựng và phát triển quê hương Lai Châu ngày càng tươi đẹp.

*Trước đó, trong sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, tặng quà bà Phìn Thị Thích, vợ liệt sĩ, ở tổ dân phố Số 9, phường Đoàn Kết; bà Đinh Thị Huệ, vợ liệt sĩ ở tổ dân phố Số 5, phường Tân Phong, TP. Lai Châu.

(TTXVN)