Chính phủ cho ý kiến về Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi
10:04 AM 02/08/2019 | Lượt xem: 4214 In bài viết |Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019 diễn ra ngày 01/8/2019 dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có số lượng ý kiến “kỷ lục” với 33 người phát biểu. Qua một ngày làm việc, bên cạnh các nội dung rà soát về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, văn hóa, thông tin, đối ngoại của đất nước… các thành viên Chính phủ cũng đã dành thời lượng đáng kể để góp ý và thông qua nội dung Dự thảo Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thay mặt Chính phủ chuẩn bị và trình bày.
Các ý kiến phát biểu đều thể hiện sự đồng thuận và đánh giá rất cao nội dung đề xuất về cơ chế, chính sách phát triển KT-XH vùng DTTS & MN với các đề xuất trọng tâm về tích hợp toàn bộ 118 chính sách dân tộc thành “Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển bền vững vùng DTTS & MN”. Trong đó, chiến lược cho phát triển bền vững vùng DTTS & MN giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tập trung vào các giải pháp cơ bản về quy hoạch dân cư kết hợp với xây dựng kết cấu hạ tầng cấp xã, thôn bản phục vụ ổn định đời sống và phát triển sản xuất; chính sách đặc thù cho các DTTS rất ít người và các DTTS đặc biệt khó khăn; chính sách phát triển nguồn nhân lực và đặc biệt là những giải pháp tạo sinh kế bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp dựa vào sự đa dạng về văn hóa và khai thác lợi thế vùng miền...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS & MN có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống KT-XH của người dân địa bàn còn khó khăn nhưng lại có vị trí trọng yếu của quốc gia. Thủ tướng đánh giá cao phương pháp làm việc của Ủy ban Dân tộc (UBDT) và trực tiếp cá nhân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương và tiếp thu được ý kiến đóng góp quý giá của các chuyên gia, các đối tác quốc tế, các nhà khoa học và từ chính cộng đồng các DTTS.
“Đây là một Đề án quan trọng mang tính tổng quát, tổng thể vì thế không thể để quá nhiều chính sách, nhiều đầu mối quản lý gây khó khăn trong triển khai thực hiện”. Thủ tướng nhấn mạnh.
Góp ý về nội dung của Đề án, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: “Đề án này như là giải pháp cơ bản mà chúng ta đang còn thiếu hiện nay trong phát triển KT-XH vùng DTTS & MN. Từ trước đến giờ chúng ta đã có rất nhiều chính sách, rất nhiều chương trình, dự án dành cho khu vực này nhưng vẫn còn thiếu một nhạc trưởng điều phối chiến lược phát triển cho khu vực này một cách hiệu quả. Vì vậy, đây chính là giải pháp, là việc chúng ta cần phải ủng hộ làm ngay, thực hiện ngay”.
Đồng quan điểm với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia riêng dành cho vùng DTTS & MN tích hợp được các chương trình, chính sách liên quan đến vùng DTTS & MN là hết sức cần thiết để thu gọn đầu mối quản lý, đảm bảo việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các nguồn lực đầu tư của nhà nước. “Từ phía Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, chúng tôi sẵn sàng điều chuyển những nhiệm vụ có liên quan theo như nội dung đề án để UBDT quản lý”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cam kết.
Ghi nhận quá trình nghiên cứu, phối hợp, đề xuất các nội dung của Đề án cũng như việc lấy ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan cũng như trực tiếp báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trước khi thông qua cuộc họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long bày tỏ: “Tôi thống nhất với đề xuất xây dựng một Chương trình Mục tiêu Quốc gia để tích hợp 118 chính sách khác nhau. Đồng ý cao với đề xuất chuyển một số nhiệm vụ về UBDT quản lý để thuận lợi cho công tác quản lý thực hiện chính sách dân tộc”.
Hoan nghênh UBDT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Chính phủ giao và đồng tình, thống nhất thông qua các nội dung trong dự thảo Đề án, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ủy quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT hoàn thiện hồ sơ Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ theo quy định trước khi ký trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 trong tháng 10 năm nay.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng tình với các đề xuất của UBDT và giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cụ thể cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chuyển, bổ sung chức năng, nhiệm vụ về định canh, định cư, thẩm định cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến đồng bào DTTS và sắp xếp bố trí bộ máy để quản lý hiệu quả các đơn vị sự nghiệp của UBDT gồm cả các trường PTDTNT vùng, trường dự bị đại học dân tộc, bảo tàng văn hóa các dân tộc và một số trường văn hóa nghệ thuật DTTS.
Phóng viên