“Đòn bẩy” giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

09:32 AM 23/12/2020 |   Lượt xem: 25513 |   In bài viết | 

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo các Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành và các địa phương chủ trì hội thảo

Dự hội thảo có đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Về phía tỉnh Thanh Hóa, có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo 11 huyện miền núi của tỉnh. Cùng tham dự còn có lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Phát biểu khai mạc, đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Hội thảo là sự chủ động phối hợp của Ủy ban các vấn đề xã hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và tỉnh Thanh Hóa để triển khai chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội và Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng dân tộc, miền núi. Qua đó, thể hiện sự quan tâm đặc biệt với đồng bào dân tộc, công tác dân tộc, sự phát triển của miền núi, biên giới. Riêng đối với Thanh Hóa, đây là sự kiện rất có ý nghĩa, cũng là tâm huyết của các thế hệ cán bộ lãnh đạo Thanh Hóa.

Để có cơ sở thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội gợi mở: Khi thảo luận về xác định nhiệm vụ cụ thể cần đặc biệt quan tâm xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế - xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.

Từ đó, thống nhất nhiệm vụ từ nay đến năm 2030, chúng ta phải thực hiện được các yêu cầu: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc. Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch…

Về biện pháp thực hiện, cần huy động mọi nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho vay để đồng bào phát triển sản xuất. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của UBND các tỉnh, huyện vùng khó khăn này. Đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm tham mưu, tổ chức thực hiện, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện của Ủy ban Dân tộc. Chăm lo thiết thực, có hiệu quả hơn việc quy hoạch đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao tại các địa bàn này.

Đặc biệt cần chú ý đặc thù của 3 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) đều là các tỉnh có biên giới trên biển, trên bộ, đặc biệt có nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thông báo số 55-TB/TW ngày 20-4-2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An trong thời kỳ mới và chủ trương phát triển tỉnh Hà Tĩnh…

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại hội nghị

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về quá trình triển khai thực hiện chương trình phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó đi sâu vào các vấn đề như: Kỳ vọng của Quốc hội khi phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và những nguyên tắc cần tuân thủ trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; một số vấn đề về an sinh xã hội cần quan tâm khi triển khai các chương trình, dự án tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội; tình hình xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, định hướng triển khai thực hiện chương trình trong thời gian tới. Dự kiến kế hoạch triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, việc xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triền KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 -2030” là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi của mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt cuối năm 2019.

Toàn cảnh Hội thảo

Cụ thể mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; 100 % xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% số trường học, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99 % số dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được truyền hình; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào; tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS....

Để tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã kiến nghị với Quốc hội tiếp tục quan tâm, nâng cao hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện các chương trình chính sách có liên quan đến chính sách dân tộc; Phát huy vai trò giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội đối với các chính sách cho vùng DTTS và miến núi, nhất là đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

(baodantoc.com.vn)