Vượt khó, bám bản dạy học sinh vùng biên

05:26 PM 04/05/2017 |   Lượt xem: 2944 |   In bài viết | 

Giáo viên vất vả trèo đèo, lội suối để vào điểm trường San Cha, Ma Can thuộc xã biên giới Dào San.

Lặng thầm gieo “hạt giống”

Từ trung tâm xã Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu), chúng tôi đi xe máy vượt núi, vượt suối mất hơn 2 giờ đồng hồ mới vào được điểm bản San Cha. Cuối giờ trưa, cô giáo mầm non kê bàn ghế và chia thức ăn cho học sinh bán trú. Em Lý Quai Liều, lớp 3+4 tuổi, dân tộc Dao không có cơm, mặt hau háu ngồi nhìn các bạn ăn. Cô giáo Bùi Thị Thu Hằng vội chạy sang phòng ở của mình lấy cơm và thức ăn cho em Liều.

Cô giáo Hằng phân trần với chúng tôi: “Các em mầm non mang cơm từ nhà đến, giáo viên nấu thức ăn để ăn trưa, rồi ngủ lại và chiều học tiếp. Em Liều có bố nghiện, mẹ bỏ đi không về, gia đình phó mặc cho cô giáo chăm sóc. Liều không có cơm mang xuống lớp, các cô lại nấu thêm suất cơm của mình để san sẻ cho em”. Theo cô giáo Hằng, điểm trường mầm non San Cha có 3 lớp và 28 cháu, hai giáo viên phụ trách đứng lớp. Mỗi em một hoàn cảnh, các cô giáo hết lòng thương yêu và chăm sóc, học sinh mới thấy vui, sẽ đến lớp đầy đủ.
 

Sau 40 phút cho các em ăn và ngủ, các cô mới về phòng hâm nóng thức ăn và ăn cơm. Bữa cơm đạm bạc, chỉ có mấy cọng rau cải và cá khô, nhưng trong mâm cơm vẫn rộn rã tiếng cười vui vẻ. Nói về gia đình, cô giáo Hằng chia sẻ: “Tôi đến với Lai Châu là đi theo tiếng gọi của tình yêu. Đã chọn nghề dạy trẻ thì dù khó khăn, vất vả cũng không bỏ cuộc”. 

Hồi còn sinh viên, cô tình cờ đi xe buýt, được chàng thanh niên Pờ Đặng Việt Cường từ Lai Châu xuống Hà Nội tập huấn nhường ghế, rồi thăm hỏi và qua lại, bén duyên nhau. Ra trường, Hằng quyết định lên Lai Châu liên hệ công việc để được ở gần người yêu. Đi đến hôn nhân, bố mẹ Hằng kịch liệt phản đối, vì không muốn cho con đi xa, mà về quê ở Cao Bằng để xin việc. Hằng kiên trì thuyết phục thì gia đình mới đồng ý. 

Hiện vợ chồng Hằng có một cháu trai 2 tuổi gửi bà nội. Một tuần cắm bản, ngày nghỉ tranh thủ đi gần trăm cây số để về với chồng con. “Làm nghề gì cũng phải yêu nghề và cố gắng thì mọi khó khăn đều sẽ vượt qua. Ai cũng muốn gần chồng con, thì ai sẽ đứng lớp ở điểm khó khăn dạy học sinh”, cô giáo Hằng chia sẻ.

Đường vào điểm trường Ma Can khó khăn, ngoằn nghèo, một bên là vực thẳm nên các cô giáo dạy tiểu học phải làm hoa tiêu dẫn đường. Chúng tôi mỗi người một xe máy, nhưng vẫn ì ạch, có đoạn bị ngã và dắt bộ. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung, Lý Thị Diên đi một xe, nhưng vẫn chạy phăng phăng. Các cô giáo cho biết đường khó, đi nhiều thành quen, trời mưa đường trơn trượt mới phải đi bộ. 

Sau hai giờ gồng mình với đoạn đường nguy hiểm, chúng tôi cũng vào tới điểm trường Ma Can. Các thầy giáo đang hướng dẫn các em chơi ngoại khóa giữa giờ. Chơi trò mèo vờn chuột, em chạy, em đuổi, người đứng vỗ tay cổ vũ sôi động. Thầy giáo Lưu Văn Chuyên, phụ trách điểm trường tiểu học cho biết: “Điểm trường có 43 học sinh của 3 lớp từ lớp 1 đến lớp 3, lớp 4 và lớp 5 đã chuyển ra trung tâm học. Phụ huynh quan tâm đến việc học của con em nên rất gần gũi với giáo viên. 

Thầy giáo không nề hà, xem như người nhà nên nhiệt tình giúp đỡ người dân mọi việc. Gia đình dân có việc hiếu hỉ thì xắn tay nấu nướng, lên nương thu ngô, ủng hộ xi măng và ngày công làm đường giao thông. Bà con quý mến cho con gà, mớ rau, bó củi... Tình yêu thương thầy trò, bà con dân bản là động lực để vượt qua mọi khó khăn, vất vả, bám trường bám lớp”.

Thầy Lưu Văn Chuyên vào nghề từ 2002 và đã đi cắm nhiều điểm bản, nhưng anh cho biết vào điểm Ma Can là khó khăn nhất. Năm 2004, chưa có đường xe máy vào bản Ma Can, chỉ đi bộ gần ngày trời mới tới nơi. Hiện nay đã có đường xe máy, nhưng đi từ trung tâm xã vào phải mất 4 giờ đồng hồ. Trời nắng thì mệt, có mưa thì trơn trượt, nguy hiểm không đi được. Cuối giờ chiều thứ 6 về nhà, chiều chủ nhật tay xách nách mang đủ thứ nhu yếu phẩm của mình và học trò, đủ dùng trong một tuần. Thầy cô giáo, mỗi người một hoàn cảnh riêng, nhưng về với dân bản, dành trọn tình thương cho học sinh.

Soi đèn tìm “con” về lớp

Sau bữa cơm tối, các thầy cô giáo ở bản San Cha soi đèn pin đi đến nhà các em học sinh bỏ học quay lại lớp. Em Lý Láo San, 7 tuổi, học sinh lớp 2, do bố mẹ đi làm bên Trung Quốc, chỉ còn hai chị em nên thường xuyên bỏ học. Thấy cô giáo đến nhà, San bỏ trốn. Cô giáo hỏi Thu Hương sao không cho em San đi học. Hương nói: “Em bảo San đi học, nhưng em nó nói không thích học nữa”. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hồng Nhung khuyên nhủ: “Chị không đi học bị mù chữ rồi, thì phải động viên em đi học để có cái chữ. Bỏ học phải tham gia lao động sớm thì khổ lắm. Mỗi buổi sáng, Hương phải dẫn em đến lớp học đầy đủ nhé”. Nghe cô giáo nói, Thu Hương một vâng hai dạ và hứa sẽ đưa em San đi học đầy đủ.

Em Lý Sử Mẩy, 6 tuổi, học sinh lớp 1 có hoàn cảnh éo le mẹ mất, bố đi làm xa, phải ở nhà một mình và ăn nhờ bà nội đã ngoài 60 tuổi. Cô giáo Lý Thị Diêm cho hay: “Do không có ai chăm sóc nên Mẩy thường xuyên bỏ học. Có lần, cô giáo đi tìm, nhưng Mẩy cứ bỏ trốn trong rừng. Hôm gặp thì đưa em về lớp, tắm rửa và cho ăn uống, nhưng sau lại bỏ học”. Nghe trưởng bản và cô giáo nói, bà nội Mẩy hứa từ ngày mai sẽ đưa em đến lớp.

Ông Dương Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho biết: “Công tác vận động học sinh ra lớp ở các xã vùng biên trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thời điểm sau lễ Tết. Để bảo đảm tỷ lệ chuyên cần, huyện đã triển khai xuống các xã, bản phối kết hợp với nhà trường xây dựng hương ước hiếu học. Những năm gần đây, giáo dục huyện nhà đã đạt nhiều thành tích tốt. Đội ngũ giáo viên thực sự yêu nghề, gắn bó với đất và người nơi đây để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng biên giới”.

(Nguồn: baotintuc.vn)