Sẽ xây dựng và thực thi đầy đủ chính sách đãi ngộ với cô đỡ thôn bản

07:03 PM 11/03/2023 |   Lượt xem: 4510 |   In bài viết | 

Toàn cảnh buổi gặp mặt.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, cô đỡ thôn bản Lò Thị Luấn, bản Mật Sàng, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, giao thông ở đây rất khó khăn, bản xa nhất cách trạm y tế xã 18 km, phải đi bộ nhiều giờ đồng hồ mới đến nơi. Khó khăn là thế, nhưng cô đỡ thôn bản không có phụ cấp. Từ năm 2020 đến nay phụ cấp y tế thôn bản bị cắt hoàn toàn, tiền đi lại, xăng xe không có ảnh hưởng lớn đến triển khai công việc hàng ngày.

Cô đỡ thôn bản hoạt động từ 2013 - 2019 không có kinh phí hỗ trợ, hàng tháng chỉ nhận được phụ cấp ít ỏi từ việc kiêm nhiệm y tế thôn bản là 550.000 đồng/tháng. Khó khăn hơn nữa khi từ năm 2020 đến nay toàn bộ phụ cấp y tế bản bị cắt hoàn toàn, tiền đi lại, tiền xăng xe không có nên ảnh hưởng lớn đến công việc hàng ngày của cô đỡ thôn bản.

"Có những khi chồng không đồng ý cho đi làm vì con nhỏ, nhiều người gọi đi đỡ đẻ lúc đêm khuya. Nhưng vì thương bà con trong bản nên em thuyết phục chồng tiếp tục cho đi làm. Chúng em đề nghị có phụ cấp hàng tháng mang tính bền vững để yên tâm thực hiện các hoạt động của cô đỡ thôn bản. Hàng năm được tập huấn học tập kinh nghiệm để thực hiện công việc tốt hơn", cô Lò Thị Luấn nói.

Cô Lò Thị Đường, bản Nậm Đích, xã Chà Nưa huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên chia sẻ câu chuyện xúc động của mình: "Mẹ tôi đẻ tôi ra dọc đường nên đặt tên tôi là Đường. Khi mang thai tôi, mẹ tôi còn bị u nang buồng trứng. Đẻ tôi xong, bà vẫn còn một u nang rất to trong buồng trứng. 3 ngày tuổi, mẹ cho tôi vào cái sọt gùi tôi lên cơ sở y tế để mổ u nang. Tôi thấy sự thiệt thòi ấy rất nguy hiểm, nên tôi cố gắng hết sức mình chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai".

Cô Đường cũng chia sẻ, công việc cô đỡ rất khó khăn vất vả, người DTTS chủ yếu làm ruộng, nương, không điện, tập tục lạc hậu. Do đường sá khó khăn, xa xôi, mỗi nhà một quả đồi, nhà nọ sang nhà kia phải hơn 1 km. Việc đi thăm khám cho thai phụ rất vất vả, bởi lúc thì họ có nhà, lúc thì họ lên nương. Chúng tôi phải đi theo họ lên nương để vận động họ về nhà, đến cơ sở y tế do đã đến gần ngày sinh.

"Khi phát hiện trường hợp có nguy cơ cao, thuyết phục họ đến cơ sở y tế rất vất vả. Có hôm vợ chồng đang ngủ thì có điện thoại, nhờ hỗ trợ sản phụ đẻ. Đường trơn, trời mưa tôi không tự đi được, phải nhờ chồng chở đi. Chồng tôi bảo mỗi tháng có 447.000 đồng thì có đủ để chi phí đâu. Mà lại còn nguy hiểm đến tính mạng, nhỡ ngã xe giữa đêm thì sao? Nhưng mình vẫn phải xắn tay áo lên giúp đỡ bà con dân bản.

"Đi làm thuê 1 ngày được 200.000 đồng, đi 2 ngày là đủ tiền lương cả tháng rồi, thôi bỏ công việc này đi", chồng em bảo. Em thuyết phục chồng: "Mẹ đẻ em ra đã khó khăn như thế, nên mình phải giúp người, do họ không hiểu biết nên họ mới chịu thiệt thòi", cô Đường chia sẻ.

Cô đỡ thôn bản Lò Thị Luấn, bản Mật Sàng, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Y tế rất vui mừng thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế đón tiếp đại diện lãnh đạo ngành Y tế các địa phương và các cô đỡ thôn bản về Hà Nội dự Hội nghị Vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản.

"Tôi xin gửi tới các đồng chí đại biểu và đội ngũ các cô đỡ thôn, bản trong cả nước lời chào thân ái và lời chúc sức khỏe, hạnh phúc; chúc các cô đỡ tiếp tục đạt nhiều thành tích, xứng đáng với niềm tin, trách nhiệm cao cả của Ngành Y tế mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, giao phó", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Mạng lưới cô đỡ thôn bản có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Nhờ có cùng ngôn ngữ, phong tục, tập quán và tín ngưỡng, lại ở ngay trong cộng đồng nên giữa cô đỡ thôn bản và đồng bào không còn khoảng cách về địa lý và văn hóa, dễ dàng tiếp cận tới bà mẹ, trẻ em ở những vùng khó khăn, cung cấp các dịch vụ phù hợp, gần gũi với đồng bào, được đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng, chấp nhận.

Bộ Y tế ghi nhận mạng lưới Cô đỡ thôn bản đã góp phần không nhỏ vào thành tựu của Việt Nam trong việc hoàn thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước đây và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, bước vào năm 2023 và những năm tiếp theo, đất nước ta có nhiều cơ hội để hội nhập và phát triển, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức cả về phát triển kinh tế lẫn an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, một thách thức không nhỏ là sự cách biệt lớn về sức khỏe giữa các khu vực địa lý, giữa các nhóm dân tộc.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan tặng quà cho đội ngũ cô đỡ thôn bản.

Để thu hẹp dần sự cách biệt này, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, vai trò của các cô đỡ thôn bản tại các vùng miền núi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS là không thể phủ nhận. Có thể nói các cô đỡ chính là những cánh tay nối dài của ngành Y tế, là cầu nối giữa các cơ sở y tế với đồng bào DTTS, đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào.

Bộ trưởng nhìn nhận, vừa qua, hoạt động của các cô đỡ thôn bản có gặp một số khó khăn, chủ yếu do các chính sách về hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ chưa được thực hiện tốt. Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị ngành Y tế các cấp phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, tổ chức liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng và thực thi đầy đủ các chính sách đãi ngộ đối với cô đỡ thôn, bản, nhằm hỗ trợ, động viên cho đội ngũ cô đỡ thân, bản yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến sức lực của mình vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.

"Tôi mong các cô đỡ thôn, bản khắc phục các khó khăn, tiếp tục phát huy các kiến thức, kỹ năng của mình để giúp đỡ, chăm sóc cho các phụ nữ, trẻ em ở cộng đồng của mình, đóng góp vào việc giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở đồng bào DTTS tại những vùng khó khăn", Bộ trưởng Đào Hồng Lan gửi gắm.

(baodantoc.vn)