Mô hình trường học mới phù hợp với vùng cao tại Điện Biên
04:08 PM 24/10/2016 | Lượt xem: 3042 In bài viết |Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) được tỉnh Điện Biên triển khai từ năm học 2012-2013 đối với khối Tiểu học, từ năm học 2015-2016 với khối Trung học cơ sở. Tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa như Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa… mô hình đã có hiệu quả bước đầu.
Huyện biên giới Mường Nhé là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện mô hình. Em Mùa A Của, người dân tộc Mông, học sinh lớp 6A1 trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Nhé chia sẻ: Được học theo phương pháp mới này từ năm lớp 2, các bạn rất thích vì thầy cô giáo giảng cho từng nhóm. Các bạn trong nhóm tham gia thảo luận, tìm hiểu ra kết quả rất nhanh. Còn em Nguyễn Duy Hưng, học sinh lớp 2A1, trường Tiểu học Dân tộc bán trú Trần Văn Thọ thì hào hứng với vai trò Nhóm trưởng: Cháu thích mô hình học tập vì các bạn tham gia thảo luận vui và hiểu bài nhanh hơn.
Đặc điểm dễ nhận thấy của mô hình trường học mới khi triển khai tại các trường học ở vùng cao tỉnh Điện Biên là học sinh lớp 2 và lớp 6 thường rất lúng túng. Đó là bởi trong 1 lớp có đủ các thành phần dân tộc, học sinh nói tiếng Việt như 1 thứ ngoại ngữ nên thường ngại phát biểu, thảo luận vì sợ nói sai. Nhưng sang đến năm học sau, các em quen dần và rất hào hứng, mạnh dạn hơn khi giao tiếp.
Cô giáo Phùng Thị Dương, hiện đang dạy lớp 3 trường Dân tộc bán trú Tiểu học Lenh Su Sìn cho biết: Dạy và học theo phương pháp mới, học sinh được học theo nhóm, được rèn luyện khả năng tự tin trước đám đông, tự khám phá kiến thức. Song bên cạnh đó cũng còn nhiều bất cập như học sinh đều là người dân tộc thiểu số, khả năng giao tiếp hạn chế. Nhiều em đọc được văn bản nhưng không hiểu nội dung nên thầy cô phải giải thích rất nhiều. Bởi vậy nên chương trình nên áp dụng từ lớp 4 đến lớp 5 sẽ phù hợp hơn. Đối với giáo viên đứng lớp, phần hồ sơ phải mất nhiều thời gian nhận xét từng học sinh theo tuần, theo tháng…
Qua 2 năm thực hiện tại trườn, thầy Trần Đại Nghĩa, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Nhé cho biết: Mô hình này có nhiều ưu điểm như học sinh năng động, chủ động trong học tập, đặc biệt là rèn cho các em tính tự giác, chủ động trong chuẩn bị bài và tự tin khi trả bài. Tuy nhiên, với đặc thù của trường chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số, chưa nói thông viết thạo nên các thầy cô phải rất vất vả và cần năng động hơn để hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho từng nhóm, chỉ cho từng em để hiểu yêu cầu. Với học sinh lớp 6 các em còn khá rụt rè nhưng sang đến lớp 7 đã được cải thiện.
Toàn tỉnh Điện Biên đã có 154 trong tổng số 180 trường Tiểu học và 66 trường Trung học cơ sở áp dụng dạy và học theo mô hình trường học mới. Mô hình được triển khai ấn định tại tất cả địa phương theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn với các trường triển khai mở rộng thì thực hiện theo hình thức Ban Giám hiệu các trường và lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tự nguyện đăng ký thực hiện. Thành phố Điện Biên Phủ là đơn vị đăng ký cuối cùng trong năm học 2016- 2017.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Qua thời gian thực hiện, chúng tôi nhận thấy với cách thức cũ học sinh chỉ ngồi nghe giáo viên giảng, gọi lên đọc. Còn phương pháp mới này có sự tương tác trong nhóm, giữa các nhóm và với giáo viên, giúp phát hiện học sinh còn hạn chế để bồi dưỡng thêm.
Còn các em đã thực hiện được rất tự tin và nỗ lực vươn lên. Qua thực tiễn, học sinh dân tộc thiểu số đã tự tin, mạnh dạn tổ chức các hoạt động của nhóm, của lớp, trình bày các vấn đề lưu loát hơn. Với miền núi, thường các lớp Tiểu học có từ 20 - 25 em, Trung học cơ sở có từ 30 - 35 em nên việc phân nhóm, tổ chức đạt hiệu quả. Nhưng với lớp quá đông thì việc phân nhóm khó khăn, năng lực quan sát và quản lý của giáo viên chưa tốt sẽ chỉ đạt được hiệu quả nhất định.
Đây là mô hình mới nên yêu cầu giáo viên phải cập nhật, nghiên cứu lại và bồi dưỡng thêm. Có một số ít giáo viên cao tuổi ngại chuyển đổi, giáo viên có năng lực chuyên môn, năng lực tổ chức lớp hạn chế cũng ngại khi tham gia mô hình này. Do đó Sở xác định phải tăng cường kiểm tra, quản lý, tư vấn để tháo gỡ khó khăn, giải quyết vấn đề tư tưởng, nhận thức của giáo viên.
Qua 5 năm tổ chức thực hiện mô hình trường học mới cho thấy mô hình này phù hợp với các địa phương vùng cao có nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Trước đây đã có tình trạng học sinh học đến lớp 4, lớp 5 còn chưa đọc thông viết thạo, các em ngại giao tiếp với thầy cô, với người lạ. Mô hình trường học mới đã giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, ngành giáo dục Điện Biên vẫn nhận định mô hình này chỉ phù hợp với các lớp có từ 30 - 35 học sinh, nếu quá đông như ở khu vực thành phố, giáo viên có năng lực hạn chế về tổ chức sẽ rất khó khăn trong việc quản lý lớp. Điện Biên đang vận dụng mô hình theo hình thức vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm đến đâu chắc đến đấy, không vội vàng, không chạy theo phong trào để đạt được hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh và dư luận xã hội.
Theo: Chu Quốc Hùng (TTXVN)