Hỗ trợ học tập cho hơn 4.000 trẻ em dân tộc thiểu số

05:02 PM 15/06/2018 |   Lượt xem: 2797 |   In bài viết | 

Ngày 15/6, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức hội thảo cấp quốc gia tổng kết dự án về Bộ công cụ Hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với Đọc viết và Toán (ELM).

Theo ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), sau 3 năm thí điểm, Bộ công cụ hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với đọc viết và toán (ELM) đã chứng minh sự hữu ích đối với các giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non quốc gia.

Dự án đã góp phần nâng cao sự sẵn sàng đi học và sự phát triển toàn diện của trẻ em dân tộc thiểu số tại 2 tỉnh Yên Bái và Quảng Nam, đối tượng là các trẻ em thuộc các nhóm dân tộc thiểu số H'mong, Dao, Thái và Cơ Tu. Dự án đã  tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cho giáo viên mầm non và cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh, người chăm sóc trẻ tại địa phương về thực hành ELM tại trường và tại nhà. Bên cạnh đó, Tổ chức Cứu trợ trẻ em cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tập huấn báo cáo viên quốc gia về ELM cho các cán bộ quản lý giáo dục mầm non của 25 tỉnh thành trọng điểm trên cả nước.

Dự án tập trung vào ba hợp phần chính: Cải thiện môi trường học tập tại trường; Cải thiện môi trường học tập tại nhà; Thúc đẩy sự công nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với phương pháp ELM như là một bộ công cụ toàn diện nâng cao tính hiệu quả và bổ trợ rất tốt cho chương trình Giáo dục mầm non quốc gia hiện hành.

Ước tính đã có hơn 4.000 trẻ em dân tộc thiểu số ở độ tuổi 3-6 ở tỉnh Yên Bái và tỉnh Quảng Nam được hưởng lợi từ việc thí điểm Bộ công cụ ELM. Kết quả đánh giá sau 3 năm thí điểm thực hiện Bộ công cụ đánh giá về kết quả học sớm của trẻ đã cho thấy mức độ phát triển của trẻ tham gia thí điểm bộ công cụ đều tăng rõ rệt ở các lĩnh vực. Cụ thể, kĩ năng vận động tăng từ 44-56%, kĩ năng đọc viết sớm tăng từ 21-37%, kỹ năng làm quen sớm với toán tăng từ 38-50% và lĩnh vực tình cảm xã hội tăng từ 27-32%. Điểm trung bình IDELA cuối kỳ tăng 11% so với trước khi thực hiện dự án.

Đánh giá về Bộ công cụ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tại Tây Giang, giáo viên đã biết lồng ghép hoạt động phát triển kỹ năng làm quen với toán và đọc viết cho trẻ và văn hóa đồng bào Cơ Tu vào việc tạo ra đồ dụng dạy học cho trẻ. Trẻ ham thích học tập hơn và có những chuyển biến tích cực rõ rệt trong việc làm quen với đọc viết và toán trong lớp mầm non”.

Đặc biệt, Bộ công cụ đã hướng dẫn giáo viên và cha mẹ khuyến khích, khơi gợi sự ham học của trẻ từ những sự việc, đồ dùng quen thuộc hàng ngày xung quanh trẻ. Giáo viên có thể đơn giản hóa việc làm đồ dùng dạy học, tận dụng các nguyên liệu sẵn có giúp trẻ học tập thoái mái, không bị gò ép.

Một website cung cấp đầy đủ thông tin về Bộ công cụ ELM và các tiết học có lồng ghép thẻ hoạt động ELM đã được phát triển và đưa lên mạng internet để góp phần phổ biến bộ công cụ. Ngoài ra, một trang mạng xã hội đã được xây dựng và vận hành để tăng cường chia sẻ kinh nghiệm áp dụng bộ công cụ ELM trong cộng đồng giáo viên mầm non.

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em để chuẩn hóa nội dung kiến thức Bộ công cụ phù hợp nhất với thực tế Việt Nam. Từ đó, đưa vào áp dụng đại trà trong chương trình đào tạo giáo viên tại các cơ sở đào tạo và chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non.

(baochinhphu.vn)