Chung tay đưa trẻ dân tộc thiểu số đến trường

11:36 AM 29/08/2017 |   Lượt xem: 15568 |   In bài viết | 

Tìm hiểu về vấn đề này phóng viên báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với bà Lê Thị Thùy Dương – Quản lý Dự Án Giáo dục của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt Nam.

- Xin bà cho biết một vài nét về hoạt động của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em trong việc hỗ trợ trẻ em vùng DTTS tại Việt Nam hiện nay?

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em được thành lập tại Việt Nam vào năm 1990, chủ yếu hỗ trợ cho trẻ em và gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực miền Trung. Hiện nay, chúng tôi đang hoạt động tại 20 tỉnh thành, làm việc trong các mảng bảo vệ trẻ em, quản lí quyền của trẻ em, giáo dục, sức khỏe và dinh dưỡng, việc làm cho thanh thiếu niên, ứng phó với các tình huống khẩn cấp và cứu trợ nhân đạo.

Trong thập kỉ trước, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã hỗ trợ cho hơn 4 triệu trẻ em để có được một khởi đầu lành mạnh, nhận được nền tảng giáo dục tốt hơn, và đảm bảo các em được an toàn khỏi bạo lực, xao nhãng, lạm dụng và bóc lột. Chúng tôi là một trong những tổ chức đi đầu trong tất cả công tác cứu trợ nhân đạo, trực tiếp hỗ trợ cho hơn 2 triệu người phục hồi từ thảm họa trong thập kỉ vừa qua.

Nhờ có sự hỗ trợ của các nhà tài trợ cũng như sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã tham gia chương trình vận động chính sách với nhiều tổ chức khác để truyền cảm hứng cho những thay đổi quan trọng trong các chính sách của Chính Phủ, bao gồm việc thành lập ngân hàng phục vụ cho người nghèo, tiền thân của Ngân hàng Chính Sách Xã Hội Việt Nam ngày nay, thời gian nghỉ sinh có trả lương cho phụ nữ mang thai là 6 tháng. Chúng tôi cũng đã khởi xướng chương trình dạy Tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai cho trẻ em DTTS tại 22 trường cao đẳng sư phạm trong cả nước, được Bộ GD&ĐT phê duyệt để triển khai.

- Tại sao Tổ chức Cứu trợ Trẻ em lại chọn các vùng DTTS để hỗ trợ trẻ em?

Việt Nam có 54 dân tộc khác nhau, trong đó DTTS chiếm khoảng 15% tổng dân số. Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ phần trăm dân số nhỏ nhưng tỷ lệ người nghèo của DTTS lại chiếm đến 47% số người nghèo ở Việt Nam. Một trong những yếu tố góp phần gia tăng số lượng người nghèo trong cộng đồng DTTS là trẻ em DTTS gặp khó khăn trong việc tiếp cận và hoàn thành một nền giáo dục có chất lượng.

Tỷ lệ nhập học ở cấp tiểu học của trẻ em dân tộc Kinh đạt ở mức cao 95%. Tỷ lệ này giảm xuống còn 71% đối với trẻ em dân tộc Dao và H'mông. Trong khi 82% trẻ em người Kinh học hết bậc tiểu học, thì trẻ em DTTS chỉ chiếm 60%. Điều này nói lên sự bất bình đẳng lớn về chất lượng giáo dục, khiến trẻ DTTS đạt kết quả học tập thấp hơn và thiếu cơ hội làm giàu cho tương lai của mình.

Thách thức đối với những trẻ này rất khó khăn bởi thực tế là hầu hết cha mẹ của các em ít có cơ hội đi học và không biết chữ, dù là tiếng mẹ đẻ hay tiếng Việt. Khi bắt đầu đi học, các em học sinh DTTS, từ trước vẫn chỉ sống trong môi trường ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, cảm thấy bị cô lập trong môi trường mới với ngôn ngữ không quen thuộc, giáo viên và trang thiết bị học tập xa lạ. các em khó có thể hiểu giáo viên của mình đang nói gì. Rào cản ngôn ngữ là một trong những vật cản chính đối với học sinh DTTS trong việc có được một nền giáo dục chất lượng bình đẳng so với các bạn đồng trang lứa của các em.

Tại hầu hết các thôn bản hẻo lánh là địa bàn sinh sống của các nhóm DTTS, cơ sở hạ tầng của trường học thường không đảm bảo chất lượng. Tại xã Mường Luân và Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) trường học thường cũ nát và không có các trang thiết bị vệ sinh tối thiểu. Mái nhà dột nát trong mùa mưa, trang thiết bị của trường không đảm bảo và số lớp học không đủ để phục vụ số lượng học sinh của trường. Mặc dù các giáo viên đã cố gắng hết sức để tạo ra một môi trường học tập tích cực, nguồn vốn cũng như năng lực chuyên môn hạn chế cũng cản trở các thầy cô rất nhiều trong việc cung cấp một nền giáo dục chất lượng. Các thầy cô không được cung cấp các phương pháp sư phạm và tài liệu phù hợp để giao tiếp với trẻ DTTS và giảng dạy trong môi trường văn hóa phù hợp với các em hơn. Phần lớn thời gian, các thầy cô bị cô lập về mặt chuyên môn, không có sự giám sát hợp lí và cơ hội để phát triển chuyên môn. Mặt khác, quản lí của trường thường thiếu các nguồn lực cần có, sự tự tin cũng như năng lực để áp dụng các chương trình giảng dạy và lôi kéo sự tham gia của cộng đồng DTTS. Đó chính là lí do mà chúng tôi đã chọn các tỉnh miền núi, khó khăn để hỗ trợ.

- Được biết Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đang thực hiện Dự án: Tạo Môi trường học tập chất lượng và an toàn cho trẻ em DTTS tại tỉnh miền núi phía Bắc. Vậy tại sao lại chọn Điện Biên Đông (Điện Biên)?

Điện Biên Đông được Chính phủ liệt kê là một trong 61 huyện nghèo nhất ở Việt Nam, trong tổng số hơn 500 huyện trên cả nước, và nằm trong danh sách ưu tiên của Chính phủ và các nhà tài trợ. Tỷ lệ hộ nghèo trong huyện vượt quá 50%, với dân tộc thiểu số chiếm hơn 95% dân số. các dân tộc chính là H’Mông, Dao, Lào và Thái. So với các trẻ đồng trang lứa người Kinh, trẻ DTTS đang theo học tại các trường tiểu học có điểm số Tiếng Việt và Toán thấp hơn hẳn. theo chuẩn quốc gia dành cho trẻ 3 – 5 tuổi, các em cần biết 40% trong tổng số 29 chữ cái trong bảng chữ cái. Tuy nhiên, trẻ DTTS chỉ có thể nhận biết cao nhất là 20% số lượng chữ cái. Do vậy, chỉ có 6 – 10% số trẻ học hết lớp 3 có thể trả lời câu hỏi bằng một câu tiếng Việt đầy đủ. (Khảo sát Đầu kì, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, 2010). Các em cũng gặp nhiều khó khăn khi tiếp xúc với các khái niệm trừu tượng như cộng, trừ, nhân, chia, đếm và xác định phương hướng… Kết quả là, nhiều trẻ DTTS không thể đọc, viết thành thạo khi các em học hết tiểu học, như được chỉ ra trong các báo cáo nghiên cứu gần đây nhất của chúng tôi. Chính vì vậy mà chúng tôi đã chọn Điện Biên Đông để được hỗ trợ các trẻ em DTTS.

- Những việc làm cụ thể mà Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã làm được tại Điên Biên Đông?

Để đối phó với những thách thức phải đối mặt về chất lượng giáo dục cho trẻ em DTTS, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em - Văn phòng đại diện tại Việt Nam đã chỉ rõ trong Kế hoạch Chiến lược Quốc gia của chúng tôi cho giai đoạn năm 2016 – 2018 rằng: hỗ trợ thúc đẩy giáo dục chất lượng cho trẻ em DTTS là một trong những ưu tiên của chúng tôi. Để thực thi kế hoạch này, chúng tôi đang thực hiện dự án "Tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục cho trẻ em DTTS tại huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Dự án này tập trung vào việc xây dựng năng lực giáo viên trong việc giải quyết các rào cản ngôn ngữ và văn hóa mà trẻ em dân tộc thiểu số phải đối mặt trong việc tiếp cận với học tập trong hệ thống giáo dục chính quy. Chúng tôi cũng thực hiện dự án "Quyền được giáo dục, văn hóa dân tộc và sắc tộc"tại tỉnh Yên Bái, nhấn mạnh đến sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự trong quản trị liên quan đến tiếp cận giáo dục của trẻ em DTTS. Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện dự án “Hỗ trợ kĩ năng làm quen với toán và đọc viết cho trẻ mầm non" để cải thiện mức độ sẵn sàng đi học của trẻ em DTTS ở tỉnh Yên Bái và tỉnh Quảng Nam.

- Bà có mong muốn gì sau khi Dự án “Tạo Môi trường học tập chất lượng và an toàn cho trẻ em DTTS” tại Điện Biên Đông kết thúc?

Chúng tôi xây dựng Dự án này dựa trên các bài học kinh nghiệm cũng như những thành công nhất mà chúng tôi có được trong việc tiến hành các dự án cho trẻ em DTTS. Riêng tại tỉnh Điện Biên, do kinh phí hạn chế, dự án song ngữ hiện tại không thể bao gồm việc nâng cấp các thiết bị học tập cơ bản, điều vô cùng cần thiết cho việc tạo ra một môi trường học tập chất lượng cho trẻ em.

Do vậy, dự án được đề xuất lần này sẽ bù đắp được khoảng trống này, đặc biệt là sự cần thiết phải cải thiện việc tiếp cận các trang thiết bị vệ sinh và đồng thời mở rộng sự can thiệp của chúng tôi, nhằm cải thiện mức độ sẵn sàng đi học và kết quả học tập của trẻ em DTTS thông qua việc thúc đẩy kĩ năng làm quen với toán và đọc viết và theo sát các nguyên tắc Chăm Sóc Và Phát Triển Trẻ Thơ. Thông qua phương pháp này, chúng tôi hi vọng có thể đáp ứng toàn diện nhu cầu giáo dục liên quan đến trẻ em DTTS, giúp các em đạt được kết quả giáo dục tốt hơn và thoát khỏi cảnh nghèo đói trong tương lai.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

PV