Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời về việc thừa giáo viên miền xuôi, thiếu giáo viên miền núi

01:43 PM 14/03/2023 |   Lượt xem: 8797 |   In bài viết | 

Ảnh minh họa.

Cụ thể, cử tri tỉnh Khánh Hòa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nghiên cứu, xem xét giải quyết tình trạng thừa giáo viên ở miền xuôi nhưng lại thiếu giáo viên ở miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi có điều kiện khó khăn. Bên cạnh đó, việc thiếu giáo viên dạy các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả triển khai chương trình. Do vậy, Bộ GD&ĐT cần có chiến lược dài hơi trong đào tạo đội ngũ giáo viên, bởi đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy, nếu không có đội ngũ giáo viên đảm bảo chất lượng, việc triển khai chương trình GDPT mới sẽ khó có thể đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, để giải quyết tình trạng thừa cục bộ giáo viên giữa các cấp học ở các địa phương, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 3397/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 11/8/2021 gửi UBND các tỉnh/thành phố về việc giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp học phổ thông. Đến nay cơ bản các địa phương đã giải quyết được tình trạng thừa giáo viên theo định mức biên chế ở các cấp học.

Về vấn đề thiếu giáo viên, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 về biên chế các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2026 (Quyết định số 72-QĐ/TW), trong đó đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022 - 2026 (năm học 2022 - 2023 tạm giao 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương), Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 3585/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 2/8/2022 về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW.

Theo đó, Bộ đã đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển dụng số biên chế được giao và ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình GDPT 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Đối với các môn học mới, ngay từ khi xây dựng Chương trình GDPT2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương về chuẩn bị đội ngũ (Công văn số 34/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 5/1/2018 về việc phối hợp rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên các cấp và xác định nhu cầu đào tạo giáo viên; Công văn số 1019/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 24/3/2020 về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018; Công văn số 371/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 26/01/2021 về chuẩn bị giáo viên Ngoại ngữ, Tin học cấp tiểu học...).

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt, tạo sự thu hút đối với thí sinh vào học các ngành đào tạo giáo viên và để các địa phương đặt hàng đào tạo, bảo đảm đủ nguồn tuyển dụng theo nhu cầu thực tế của từng địa phương.

(TTXVN)