“Ốc đảo" dưới chân núi Chúa
02:13 PM 03/10/2016 | Lượt xem: 5070 In bài viết |Thôn 2, xã Trà Giang là vùng căn cứ cách mạng và vùng sâu, vùng xa của huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Từ trung tâm xã Trà Giang, muốn đến thôn 2 phải đi vòng qua ngọn núi Chúa với đèo cao, dốc đứng cách trở, hiểm nguy hàng chục cây số. Vì vậy, thôn 2 được ví như "ốc đảo" dưới chân núi Chúa.
Tìm lối thoát cho làng Ka Tu
Thôn 2 (trước đây đồng bào gọi là làng Ka Tu) hiện nay có 17 hộ dân với 62 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào Co đã lập làng sinh sống lâu đời. Tuy có ưu thế khí hậu mát lạnh quanh năm, đồng bào đã trồng keo, trồng quế và phát triển mạnh đàn trâu, bò, nhưng do giao thông cách trở nên đầu ra khó khăn. (Nếu như giá 1 kg quế tươi ở thị trường là 20 nghìn đồng thì ở đây chỉ bán với giá ba nghìn đồng vẫn không có người mua). Còn rừng keo vài trăm ha đã trồng hơn 15 năm rất tốt, đồng bào vẫn chưa khai thác vì không bán được... Do đó, đồng bào làng Ka Tu vẫn nghèo đói quanh năm với tỷ lệ hộ nghèo hơn 90%. Chủ tịch UBND xã Trà Giang Hồ Văn Thế cho biết: "Mặc dù là vùng căn cứ cách mạng trước đây và đã hơn 40 năm giải phóng, nhưng hiện làng Ka Tu đang thuộc diện khó khăn nhất của huyện Trà Bồng, quanh năm huyện, tỉnh phải viện trợ nhiều mặt hàng cho đồng bào để bảo đảm an sinh xã hội. Ka Tu vẫn là làng "5 không": không có trường học, không trạm y tế, không điện, không đường bê-tông và không nước sạch sinh hoạt...
Tỉnh, huyện tìm lối thoát cho làng Ka Tu với đề án trước mắt là tập trung đầu tư xây dựng "mô hình điểm kinh tế-xã hội, tạo bước đi bền vững trong xóa đói, giảm nghèo". Tỉnh ưu tiên bố trí vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm xây dựng trường học, trạm y tế, làm thủy lợi và hỗ trợ giống cây, con cho đồng bào sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống lâu dài. "Nóc ông Đến" là cụm từ thân thuộc mà đồng bào làng Ka Tu dùng để định danh nơi mình sinh sống. Họ ưu ái mượn tên của ông Hồ Văn Đến, một già làng uy tín, đầu tàu dẫn dắt buôn làng, vượt qua những khó khăn nơi đại ngàn heo hút để vươn lên trong cuộc sống. Già Đến tâm sự: Nhìn chung đời sống của nhiều hộ ở làng Ka Tu còn nghèo khổ, đồng bào thiếu ăn, thiếu mặc, sống biệt lập giữa nơi chỉ có rừng và thú dữ. Càng thương dân mình bao nhiêu thì già Đến càng ấp ủ hy vọng, hoài bão thay đổi bản làng bấy nhiêu. Già Đến giúp đồng bào trong thôn từ những việc nhỏ nhất. Bà Hồ Thị Út Sơn, vui vẻ cho biết: "Có gì khó khăn, mình và bà con đều nhờ già Đến thôi. Cái bụng già Đến tốt lắm, biết thương người nghèo lắm". Hằng tuần, già đưa con cháu rời núi xuống ở nhờ nhà người thân theo học cái chữ. Rồi kiêm cả việc đi chợ giúp bà con, ai gửi gì ông mua nấy rồi cõng gùi lên bản. Già cho biết: "Cái quãng đường ấy thật quá sức những người cao tuổi như mình. Nhưng biết làm sao. Phải đi thôi, đi mới đem tiến bộ về cho dân làng được".
Tranh thủ có những cuộc họp dưới xã, già Đến thu thập nhiều thông tin bổ ích, ghi chép cẩn thận những kinh nghiệm từ các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt để về kể cho đồng bào nghe mà vận dụng phát triển kinh tế có kết quả. Ban đầu làm công tác tuyên truyền trong làng khá vất vả, nhưng không chùn bước, nản lòng, già Đến vẫn ngày ngày lặng lẽ đem chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trao đổi lại với dân làng. Tại các buổi họp của thôn, già thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là dịp để già lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, tìm cách giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc. Chỉ có đoàn kết thì mới chiến thắng được mọi trở ngại, già Đến luôn nhắc nhở các hộ trong làng phải biết đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, phải sống cho tốt, không được phạm pháp. Việc làm đó đem lại hiệu quả tích cực, mấy chục năm, trên địa bàn không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, đời sống văn hóa của đồng bào ngày càng được nâng cao.
Khao khát một con đường
Những cán bộ của thôn 2 muốn xuống xã Trà Giang họp phải đi bộ gần 7 km. Mỗi lần đi họp như thế, cán bộ phải trèo đèo, băng dốc cao rất nguy hiểm. Nhiều người trong làng Ka Tu chia sẻ: "Đường sá đi lại cực quá nên cả tháng dân làng mới xuống xã một lần để mua hàng. Băng đường rừng thì phải đi bộ khoảng 10 km, mất cả ngày trời vì đường quá xa, lại khó đi. Giờ chỉ mong Nhà nước quan tâm, làm đường để người dân thôn 2 đỡ khổ". Vào mùa mưa, đường mòn bị xói lở, nước sông Ong dâng cao đi lại rất nguy hiểm. Những lúc đó, UBND xã mất liên lạc với đồng bào làng Ka Tu cả tháng. Là thôn ở vùng sâu, vùng xa của huyện nhưng chưa có trường học nên con em trong làng phải xuống trung tâm xã ở trọ nhà người quen để học (mỗi tuần các em lại về nhà một lần để xin gạo, mắm, muối...) rồi trở lại lớp học. Hiện tại làng Ka Tu có khoảng 20 học sinh đang theo học tại các trường tiểu học, THCS ở trung tâm xã Trà Giang. Hầu hết các học sinh này đều thuộc diện hộ nghèo, phải đi bộ đến trường. Do điều kiện đi lại quá khó nên phải đến hai hoặc ba tháng các em mới rủ nhau băng rừng, lội suối về thăm nhà một lần. Khó khăn nhất là mỗi lần trong thôn có người bị bệnh nặng phải đưa đi bệnh viện. Những lúc như thế nhiều thanh niên trai tráng trong làng dùng võng khiêng người bệnh đến trạm y tế xã để đón xe đưa đi cấp cứu...
62 người dân dưới chân núi Ka Tu đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Cuộc sống ấy sẽ chẳng thể đổi thay nếu cầu treo qua sông Ong và con đường dẫn về thôn 2 chỉ dài khoảng 4 km chưa được quan tâm đầu tư xây dựng.
Theo: Minh Trí (nhandan.com.vn)