Phát triển chăn nuôi trên vùng đất khô cằn Mường Khương
03:48 PM 09/12/2016 | Lượt xem: 3314 In bài viết |Ở một địa bàn có độ dốc lớn, thiếu nước canh tác, nhưng nhờ chọn đúng vật nuôi và những chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả của Nhà nước, đồng bào các dân tộc Mông, Nùng, Phù Lá… ở những xã vùng cao, biên giới của huyện Mường Khương (Lào Cai) đã xóa nghèo nhanh, bền vững.
Chọn con bò làm “đầu tàu” xóa nghèo
Sớm mùa đông, sương núi ướt đẫm, chúng tôi bấm chân trên những chiếc cầu đá nhỏ, bắc chênh vênh trên những con hào bình địa ngoằn ngoèo trên sườn núi dốc ở thôn Lao Tô, xã vùng cao biên giới Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương để đến những hộ chăn nuôi giỏi, xóa nghèo nhanh và bền vững ở địa phương. Do địa hình có độ dốc lớn cho nên bà con dân tộc Mông, Phù Lá ở đây phải đào những con hào theo đường bình độ để ngăn nước xói vào nhà khi mùa mưa đến, vì thế ở đây rất nhiều cầu bằng đá phiến lấy từ vách núi cao gần đó, nối từ nhà nọ sang nhà kia. Vợ chồng anh Giàng Pao Sửu đang thái thân ngô non làm thức ăn cho bốn con bò nhốt trong chuồng trại khá kiên cố, lợp mái ngói xi-măng, dừng tay, anh Sửu bảo: “Trời rét, mình không thả bò sớm, mà cắt cây ngô non gieo dày làm thức ăn dự trữ cho bò ăn để nó không bị đói, không bị rét vì sương muối, dễ sinh bệnh, chậm lớn”. Do độ dốc lớn, thiếu nước, đất canh tác nông nghiệp rất ít nên chính quyền xã và huyện chọn con bò làm vật nuôi chủ lực để phát triển kinh tế gia đình, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững. Giống bò Tả Gia Khâu có trọng lượng khá lớn, nhiều thịt do có khối u vai lớn và mông đùi phát triển, nhất là chất lượng thịt ngon do vận động nhiều và nguồn cỏ tự nhiên phong phú, được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Mặt khác, bò Tả Gia Khâu có khả năng thích nghi môi trường khô hạn rất tốt, ít bệnh, lớn nhanh nên dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao. Câu chuyện nuôi bò của gia đình anh Sửu là một minh chứng về hiệu quả kinh tế, xóa nghèo bền vững trên vùng đất khó này. Năm 2008, triển khai dự án xóa nghèo của tỉnh, gia đình Hoàng Sảo Dín, dân tộc Phù Lá được cấp một con bò cái làm giống, vừa sinh sản bê vừa mua thêm bò mới, đến nay gia đình anh có đàn bò thịt hơn mười con và hai con bò cái giống tốt để sinh sản, tổng trị giá đàn bò lên đến vài trăm triệu đồng. Gia đình anh vừa bán sáu con bò thịt, giá từ 25 đến 27 triệu đồng/con để làm nhà kiên cố và mua thêm ruộng bậc thang để canh tác bền vững, bảo đảm nguồn lương thực ổn định, lâu dài. Để bảo đảm nguồn thức ăn ổn định cho chăn nuôi bò, gia đình anh Dín nghe theo khuyến cáo của cán bộ khuyến nông xã, trồng thêm cỏ voi, gieo ngô dày, dự trữ thức ăn khô và sắn, ngô cho bò ăn vào mùa rét. Theo Bí thư Đảng ủy xã Tả Gia Khâu Lù Phủ Hương, người dân ở tất cả 12 thôn, bản của xã đã giúp nhau chuyển hướng từ canh tác nương rẫy sang chăn nuôi bò, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Toàn xã, hiện có 412 hộ, nuôi gần 900 con bò sinh sản và bò thịt, giúp đồng bào xóa nghèo nhanh và bền vững.
Lực đẩy từ Nhà nước
Học theo Tả Gia Khâu, vùng đất khó khăn nhất của huyện Mường Khương, nhiều xã vùng cao khác như: Dìn Chin, Tả Ngải Chồ, Lùng Vai, Bản Xen... phát triển mạnh chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa. Dự án Ngân hàng bò được triển khai tại huyện Mường Khương từ năm 2011. Trong 5 năm qua, tổng số vốn từ dự án"Ngân hàng bò" do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và UBND tỉnh Lào Cai tài trợ là 700 triệu đồng, trong đó vốn Trung ương Hội là 500 triệu đồng, đối ứng với ngân sách tỉnh là 200 triệu đồng, tương ứng với 100 con bò giống hỗ trợ cho 100 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện Mường Khương. Ban quản lý dự án đã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã Bản Xen, Thanh Bình và Nậm Chảy tổ chức họp thôn, bình xét các hộ nghèo theo đúng tiêu chí, kết quả đã hỗ trợ bò sinh sản cho 40 hộ nghèo ở xã Bản Xen, 60 hộ ở hai xã Thanh Bình và Nậm Chảy, để nuôi theo phương thức quay vòng, người nuôi hưởng lợi con bê, còn con mẹ luân chuyển cho hộ nghèo khác. Kết quả sau 5 năm triển khai, từ 100 con bò giống ban đầu, đến nay đã sinh sản và chuyển giao thêm được 179 con. Nhờ có "Ngân hàng bò”, nhiều hộ gia đình sau khi bàn giao lứa bê đầu cho dự án, đã tiếp tục chăn nuôi có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Ly Seo Cồ, ông Thào Seo Hòa ở thôn Mào Phìn, xã Nậm Chảy; bà Nguyễn Thị Cư, ông Tạ Văn Sỹ ở xã Bản Xen.
Khác với nhiều chương trình hỗ trợ giảm nghèo khác, Dự án “Ngân hàng bò” hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo một con bò sinh sản, khi bò mẹ sinh con bê đầu tiên là bê cái thì bê con này sẽ tiếp tục được trao cho hộ nghèo khác nuôi. Nếu sinh bê đực thì giao cho Hội Chữ thập đỏ bán để mua con bê cái trao cho các hộ nghèo. Sau đó, hộ gia đình nuôi ban đầu được sở hữu con bò đã sinh sản. Như vậy, “Ngân hàng bò” sẽ tạo cơ hội cho nhiều hộ nghèo có điều kiện phát triển chăn nuôi. Đây là một trong những chương trình giảm nghèo mang tính bền vững, bởi không chỉ hỗ trợ con giống ban đầu mà còn phát huy tính tích cực trong lao động sản xuất để bà con có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, huyện Mường Khương đã xây dựng và triển khai dự án “Chăn nuôi bò sinh sản kết hợp trồng cỏ”. Theo đó, huyện đầu tư hỗ trợ 160 con bò cái sinh sản cho các hộ nghèo, đa số là đồng bào các dân tộc Mông, Nùng, Pa Dí, Phù Lá…, kết quả sau hai năm (2015 và 2016), đàn bò hỗ trợ đã sinh sản tăng thêm 152 con bê, nâng tổng đàn bò hiện có trên địa bàn huyện lên 2.610 con, tập trung chủ yếu tại các xã: Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu, Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, Tung Chung Phố, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.
Theo: Quốc phòng (nhandan.com.vn)