Khát vọng giảm nghèo ở Tây Trà

02:16 PM 05/07/2016 |   Lượt xem: 3452 |   In bài viết | 

Người dân Tây Trà chuẩn bị cây giống để trồng rừng.

Làm việc với lãnh đạo Huyện ủy Tây Trà, chúng tôi hiểu rõ hơn về những khó khăn của người dân hiện giờ vẫn chưa xác định được cây trồng chủ lực ở vùng đất này. Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”, vừa qua bà con đã mạnh dạn đầu tư các mô hình trồng cau, mây, cây dó bầu… bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhờ nguồn vốn 30a của Chính phủ, huyện đã hỗ trợ, cấp phát hàng nghìn gốc chuối mốc, chuối Đồng Nai cho người dân trồng, rất phù hợp điều kiện thổ nhưỡng. Hiện nay, huyện đang nhân rộng mô hình trồng chuối với hy vọng là cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Huyện đã cấp cho người dân khoảng 200 nghìn gốc giống chuối mốc, chuối Đồng Nai, trồng trên diện tích hơn 100 ha.

Nhưng những cây trồng nêu trên chỉ tạm thời giải quyết khó khăn trước mắt cho đồng bào vùng xa, vùng sâu. Hầu hết những sản phẩm của các loại cây trồng ở Tây Trà hiện giờ chưa có đầu ra ổn định, cho nên khi đến mùa thu hoạch chuối hoặc cau…, người dân không có nơi tiêu thụ và bị thương lái ép bán với giá rẻ. Ngoài ra, cây quế và cây keo là những cây trồng phù hợp vùng đất Tây Trà cho nên được người dân đầu tư phát triển mạnh. Đây là hai loại cây có đầu ra ổn định, dễ sản xuất và người dân có thu nhập cao. Cùng với cây trồng chủ lực, huyện Tây Trà chú trọng phát triển chăn nuôi; hỗ trợ nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân đầu tư mô hình nuôi heo siêu nạc, heo rừng lai, nuôi dê và phát triển nhanh đàn bò với gần 5.000 con, đàn gia cầm hơn 25.000 con. Tuy nhiên, người dân hiện nay chưa tận dụng được lợi thế để đưa chăn nuôi trở thành sản phẩm hàng hóa. Chăn nuôi chủ yếu theo hướng chăn thả tự nhiên, chất lượng sản phẩm thấp, không chủ động được nguồn giống và nguồn thức ăn…

Để giảm nghèo nhanh và bền vững, Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Anh Ngọc cho rằng: “Giai đoạn 2016-2020, huyện tập trung phát triển mạnh kinh tế nông - lâm nghiệp. Huyện chọn công trình, dự án cấp bách, có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân để dồn sức thực hiện. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân, doanh nghiệp để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng nông thôn mới...”.

Hiện nay, huyện xác định cây quế, keo, chè và lồ ô… là những loại cây trồng chủ lực giúp người dân giảm nghèo, bởi đầu ra các cây này tương đối ổn định, dễ sản xuất. Trên cơ sở quy hoạch, huyện tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư, hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế vừa và nhỏ, kinh tế gia trại, trang trại và kinh tế nhóm hộ. Cùng với đó, huyện đã khảo sát, nghiên cứu mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo; xây dựng đề án trồng quế và trồng cây bản địa gỗ quý, nghiên cứu trồng cây Thiên Ngân (cây gáo vàng) của Thái-lan… Định hướng là vậy, nhưng cái khó hiện nay của Tây Trà chính là điều kiện địa hình khá phức tạp với nhiều núi cao, độ dốc lớn. Việc giúp đồng bào các dân tộc canh tác bền vững trên những địa hình đồi núi dốc luôn là vấn đề mà chính quyền quan tâm. Với khoảng 95% diện tích là đất đồi dốc, việc áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất nông - lâm nghiệp là điều không dễ, cùng với đó, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống người dân còn nhiều khó khăn cho nên việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi cũng không đơn giản. Bên cạnh điều kiện tự nhiên, giao thông đi lại khó khăn, chính quyền địa phương lúng túng trong việc định hướng phát triển sản xuất bền vững, thì ít nhiều tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã ăn sâu vào suy nghĩ của một bộ phận người nghèo.

Xóa nghèo bền vững đang là một thách thức với huyện vùng cao Tây Trà và không thể hoàn thành ngay trong một sớm một chiều. Điều then chốt ở đây là cần có sự thay đổi nhận thức của người dân, phải xóa bỏ hoàn toàn tư tưởng “xin làm hộ nghèo” để được nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước. Khi người dân có khát vọng làm giàu, khát vọng giảm nghèo thì sự hỗ trợ, đầu tư từ bên ngoài mới phát huy tác dụng. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nhấn mạnh: “Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của đồng bào miền núi, chính quyền địa phương cũng cần cải tiến cách làm, cán bộ phải chủ động hướng dẫn, làm cùng người dân, giúp bà con tiếp cận cái mới, tận mắt nhìn thấy kết quả để tin tưởng và làm theo. Có như vậy mới mong người dân thoát nghèo nhanh và bền vững. Con đường thoát nghèo chỉ có thể rút ngắn hơn, bền vững hơn khi đồng bào tự vươn lên bằng chính khả năng của mình dưới sự giúp đỡ của Nhà nước...”.

Theo: Minh Trí (nhandan.com.vn)