Đổi thay ở Hang Kia, Pà Cò
10:14 AM 27/06/2016 | Lượt xem: 3203 In bài viết |Trở lại hai xã Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu, Hòa Bình) sau 23 năm khi tỉnh thực hiện xóa bỏ cây thuốc phiện, tận mắt chứng kiến những đổi thay nơi đây, chúng tôi hiểu hơn về công sức và tiền của Nhà nước đã đầu tư cho bà con người Mông ở đây xóa bỏ cây thuốc phiện, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Bí thư Đảng ủy xã Pà Cò chia sẻ: Bây giờ cuộc sống người dân đã đỡ khó khăn hơn trước kia, nhiều gia đình trở nên giàu có, đời sống tinh thần phong phú, con em đều được đến trường... và địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện.
Nhớ những ngày khó khăn Đúng ngày Tết của người Mông ở hai xã Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu, Hòa Bình) năm 1993, tôi có dịp cùng đoàn công tác liên ngành của tỉnh Hoà Bình đi chúc Tết bà con, cũng là để nắm tình hình, động viên bà con sau khi các lực lượng chức năng cơ bản đã xóa hết gần 500 ha cây thuốc phiện của hai xã. Lúc đó, chỉ có một vài xe ô-tô hiệu u-oát hoặc là xe đặc chủng của Công an tỉnh mới có thể “bò “ mất năm giờ đồng hồ để đến được trung tâm của hai xã, còn những phương tiện khác (loại trừ xe máy) thì hoàn toàn không thể. Ngày đó, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, Đại tá Bùi Văn Lệnh dẫn đầu đoàn công tác, đến thăm hỏi, tặng quà từng nhà, động viên bà con yên tâm với chính sách của Nhà nước để xóa bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; động viên những người già nghiện thuốc phiện phải cai nghiện, bảo đảm sức khỏe và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Nhớ lại những ngày khó khăn, Chủ tịch UBND xã Hang Kia Khà A Váu cho biết: Năm 1993 cả xã vẫn chỉ có một con đường đất dẫn đến trung tâm xã, cả hai xã không có điện lưới quốc gia, trẻ em bị thất học nhiều, chưa có ti-vi và sóng điện thoại di động, đời sống bà con vô cùng khó khăn. Nông sản như ngô, mận làm ra nhưng không bán được vì không có đường giao thông. Cao điểm nhất là năm 1993, có 8/13 bản là điểm nóng về tệ nạn ma tuý; 45% số hộ dân là hộ nghèo; vào mùa khô, người dân thiếu nước sinh hoạt... Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò Hàng A Phứ không thể quên mùa khô những năm trước khi xóa bỏ cây thuốc phiện, cả xã hầu như nhà nào cũng có người nghiện thuốc phiện, chủ yếu là người già. Nhiều người đàn ông đến tuổi lao động nhưng suốt ngày say sưa với chén rượu, lấy rượu làm niềm vui. Cây trồng chủ yếu là ngô, một ít chè và mận nhưng hộ nghèo chiếm đến hơn 50%... Cây ngô làm ra chủ yếu để làm thức ăn cho gia súc và để nấu rượu, không thể thương mại hóa được; trẻ con không được đến trường như bây giờ, trạm y tế, trường học đã có nhưng nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ... Phó Chủ tịch UBND xã Hàng A Phứ so sánh: Nếu không có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, và thiếu sự quan tâm đầu tư của nhà nước, chắc chắn cuộc sống của bà con còn cơ cực và đói nghèo. Cuộc sống đã đổi thay Trong chuyến công tác lần này, tôi thật bất ngờ khi chứng kiến toàn bộ lãnh đạo chủ chốt của hai xã đều sử dụng thành thạo vi tính, tự tay soạn thảo văn bản, viết báo cáo gửi lên huyện, lên tỉnh. Máy tính được hòa mạng, vệ sinh môi trường được cải thiện đáng kể và thực phẩm tươi sống được thương lái chở xe máy đến từng gia đình để bán. Từ đường quốc lộ vào đến Trung tâm xã Pà Cò chỉ mất năm phút đi xe máy, và thêm 15 phút nữa là đến trung tâm xã Hang Kia. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 19%, tất cả các hộ gia đình đều có bể chứa nước từ 5 đến 10 m3. Người dân ở Hang Kia, Pà Cò không còn phải lo thiếu nước, thiếu đói, mà bây giờ phải lo làm sao cuộc sống đầy đủ hơn, con em của họ được sung sướng hơn. Ngày nay, đường giao thông đã đến từng hộ gia đình, nhà nào cũng có ti-vi, tủ lạnh, có nhà có vài chiếc xe máy; cả hai xã đến nay đã có hơn 70 ô-tô... Đường được bê-tông hóa đến tất cả các hộ gia đình, nhà cửa, chuồng, trại được quy hoạch gọn ghẽ. GDP đầu người năm 2015 là 7,8 triệu đồng. Đáng chú ý nhất là cả xã không có ai trồng thuốc phiện. Hai xã đã hoàn thành được 11/18 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tiếp tục đầu tư, phấn đấu để hai xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Những kiến nghị Đổi mới cách tuyên truyền, phương pháp phải thay đổi để phù hợp với thực tế cuộc sống. Hiện nay bà con người Mông ở đây đã có điện thoại di động, có thể hòa mạng, lướt web bất kỳ lúc nào, cho nên có thể dễ dàng tiếp cận với thế giới bên ngoài, thậm chí bà con xem phim của nước ngoài qua mạng di động. Nếu cứ cứng nhắc tuyên truyền, vận động bà con theo phương thức cũ, sẽ là hạn chế và hiệu quả không cao - Bí thư Đảng ủy xã Pà Cò Sùng A Màng cho biết thêm: Nhà nước nên tính lại các hình thức hỗ trợ bà con, nhất là hộ nghèo để phù hợp với thực tế của địa phương. Tại xã Pà Cò, phần lớn các hộ nghèo là do họ có tâm lý ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, đàn ông uống rượu và say sưa suốt ngày. Sắp tới, Nhà nước không chỉ hỗ trợ hộ nghèo, mà còn hỗ trợ nhóm hộ trong cùng xóm, cùng bản để những hộ không nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tiến tới khá giả, giàu có, lúc đó sẽ hỗ trợ các hộ nghèo hơn trong nhóm, như vậy sẽ thiết thực hơn nhiều. Cần nhân rộng các mô hình làm kinh tế giỏi, đây còn là những “đầu tàu” để giúp các hộ vươn lên làm giàu. Các ý kiến đều nêu nguyện vọng xây dựng nông thôn mới cần lồng ghép vào các chương trình an sinh xã hội khác, sẽ tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Xây dựng nông thôn mới, không chỉ là làm đường, mà còn phải chú trọng cải thiện vệ sinh môi trường, đầu tư các công trình nước sạch, xây dựng các thiết chế văn hóa. Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu phải tạo ra được những loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thời tiết và thổ nhưỡng để sử dụng tám tháng còn lại của đất, bởi vì hiện nay với cây ngô là phổ biến thì chỉ trồng trong bốn tháng. Những tháng còn lại người dân nhàn rỗi, không có việc làm thêm... Đầu tư, hướng dẫn, đào tạo người dân nhằm nhân rộng mô hình homestay để đón khách du lịch nước ngoài, vừa có thêm thu nhập và người dân có điều kiện tiếp xúc với các nền văn minh khác - Chủ tịch UBND xã Hang Kia mong muốn. Xây dựng các thiết chế văn hóa, chú trọng đến văn hóa bản địa, phát huy những nét đẹp văn hóa của bà con, coi đây là việc làm thật sự cần thiết. Mong muốn lớn nhất của ông Sùng A Dềnh, một người dân ở xã Pà Cò: Muốn dân trí được nâng cao, muốn bà con nghe theo, làm theo và ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thì tất cả trẻ em phải được đến trường; Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu, làm việc có trách nhiệm và có tâm, được như vậy, người dân sẽ đồng thuận. |
Theo: Hồng Sâm và Trần Hảo