Nhiều hoạt động đặc sắc chào mừng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2022
07:34 AM 27/03/2022 | Lượt xem: 3112 In bài viết |Các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đồng thời, triển khai hiệu quả những nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Triển khai chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền.
Ngoài ra, sự kiện sẽ tái hiện, giới thiệu quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam hướng tới xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình điểm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Tái hiện Lễ cưới của người Ba Na tại Chương trình “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”
Theo Kế hoạch, các hoạt động chào mừng "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" năm 2022 sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ 16 - 19/4/2022, với 4 hoạt động chính như: Diễn đàn văn hóa với chủ đề: Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường Văn hóa; Hội nghị gặp mặt Nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc; Triển lãm "Sen trong đời sống văn hóa Việt"; Tái hiện những lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc như: Lễ cấp sắc của dân tộc Dao, Lễ Kin chiêng boọc mạy của dân tộc Thái, Lễ Mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai và các hoạt động diễn tấu cồng chiêng, dân ca dân vũ dân tộc Gia Rai, Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer…
Dự kiến Ngày hội sẽ có sự tham gia của 17 cộng đồng dân tộc của 13 tỉnh, thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền. Trong đó khoảng 100 người của 13 dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Mường (Hòa Bình); dân tộc Thái (Sơn La); dân tộc Khơ Mú (Nghệ An); dân tộc Mông (Hà Giang); dân tộc Tày, Nùng (Thái Nguyên); dân tộc Dao (TP. Hà Nội); dân tộc Tà Ôi, dân tộc Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); dân tộc Ba Na (Gia Lai); dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum); dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc Khmer (Sóc Trăng).
(baodantoc.vn)