Thông tin thị trường giá cả số 51+52/2019

12:18 PM 30/12/2019 |   Lượt xem: 3908 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Cam Lâm (Khánh Hòa):

Thu hoạch xoài trái vụ

Những tháng cuối năm, thời tiết ở Cam Lâm (Khánh Hòa) ít mưa, thuận lợi cho người dân trồng xoài trái vụ. Đến nay, những cây xoài đang trong thời kỳ thu hoạch xuất bán đi các nơi khiến cả người trồng và thương lái cùng phấn khởi, hy vọng vào một vụ mùa bội thu.

Sản lượng xoài trái vụ cao

Xoài trái vụ là thu nhập chính của người trồng xoài trong thời điểm trước Tết Nguyên đán. Những năm trước, vụ xoài tết ở Cam Lâm thất bát do mưa bão, xoài không thể ra trái hoặc bị hư hỏng gần hết. Năm nay, thời tiết tốt là tín hiệu vui với người trồng xoài. Trời không mưa nhiều nên xoài ra quả đẹp, các hộ trồng xoài ai cũng mừng. Nếu thời tiết cứ thuận lợi như thế này, người trồng xoài sẽ trúng đậm vụ xoài tết. Hiện nay, lượng xoài từ các nhà vườn bán ra năm nay đã tăng cao so với năm trước. Do thời tiết thuận lợi nên sản lượng trồng xoài trái vụ tăng cao, chất lượng cũng cao hơn. Thống kê sơ bộ tại các nhà vườn cho thấy, lượng xoài loại 1 chiếm đến 70%.

Theo thống kê sơ bộ, diện tích xoài toàn huyện Cam Lâm khoảng 5.460 héc-ta, tăng so với năm 2018 do nhiều người dân chuyển đổi từ diện tích mía, mì kém hiệu quả. Trong đó, có khoảng 40% diện tích được người dân chăm sóc cho ra quả trái vụ phục vụ bán dịp Tết Nguyên đán. Điều đáng mừng, thay vì dùng thuốc hóa học để kích thích xoài ra trái, đa số các hộ đã sử dụng chế phẩm sinh học, bao quả xoài, bẫy diệt côn trùng để hỗ trợ cây xoài ra trái mà không gây độc hại. Vì vậy, chất lượng xoài trái vụ thời gian gần đây đã đảm bảo hơn trước, hình thức quả cũng đẹp hơn, bắt mắt hơn.

Cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ

Theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 – 2020, Khánh Hòa xác định, xoài là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương với hai loại giống Australia và Cát Hòa Lộc. Ngoài vụ chính từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, bà con còn sản xuất xoài trái vụ phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Thời gian qua, xoài Khánh Hòa được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Gần đây, thông tin xoài được xuất khẩu sang thị trường Mỹ là cơ hội tốt đối với xoài Khánh Hòa bởi đây là thị trường tiêu thụ lớn, có mức giá cao, ổn định. Tuy nhiên, xoài vào thị trường này cần đáp ứng cao về tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc. Xoài được thu hái từ những vùng trồng được các cơ quan kiểm dịch thực vật kiểm tra và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng. Mặt khác, những lô hàng xuất khẩu sang Mỹ phải được chiếu xạ ở những cơ sở chiếu xạ đã được các cơ quan chuyên môn của Mỹ kiểm tra và chấp thuận về cơ sở vật chất và kỹ thuật. Cùng với đó, nông dân trồng xoài và các doanh nghiệp xuất khẩu xoài phải kiểm soát được 18 loại dịch hại; trong đó, bao gồm nhóm các loại đục quả, nhóm các loại rệp và nhóm các loại bệnh; đồng thời chỉ được sử dụng những loại thuốc thực vật, các hoạt chất được Mỹ cho phép.

Như vậy, để xoài Khánh Hòa có thể tiếp cận thị trường Mỹ, người nông dân, doanh nghiệp và nhà nước cần chung tay cùng hỗ trợ nhau phát triển, đảm bảo đạt yêu cầu theo các quy định nghiêm ngặt của Mỹ. Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian gần đây, Hội những người trồng xoài Cam Lâm đã liên tục tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, mời các chuyên gia về tập huấn cách trồng xoài theo hướng VietGAP. Song song với đó, Hội cũng thúc đẩy việc ký hợp đồng xuất khẩu trái cây với các doanh nghiệp lớn. Các công ty này cũng cử cán bộ đến chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép dùng. Hy vọng với sự liên kết, phối hợp hiệu quả của các cấp, các ngành, xoài Khánh Hòa sẽ tự tin xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong tương lai không xa.

Yên Bái:

Đổi đời từ trồng quế hữu cơ

Quế là cây trồng chủ lực của các huyện miền núi Yên Bái. Hiện nay, bà con không chỉ sản xuất quế truyền thống mà còn thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ. Điều này giúp bà con, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần nâng cao giá trị cây quế và bảo vệ môi trường.

Liên kết sản xuất quế hữu cơ

Quế được xác định là 1 trong 10 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Yên Bái. Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại thuộc Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc xây dựng chuỗi giá trị quế hữu cơ giúp nông dân khấm khá.

Từ năm 2015, xuất phát từ 4 nhóm nông dân trồng quế với tổng cộng 33 thành viên ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã lựa chọn giúp bà con tham gia Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại. Khi đó, các nhóm nông dân chưa tiếp cận được thị trường, thu nhập còn thấp. Sau khi tham gia chương trình, các thành viên nhóm được tiếp cận và hưởng lợi từ các hoạt động hỗ trợ. Các hoạt động mà chương trình hỗ trợ các nhóm trồng quế ở xã Đào Thịnh gồm: Nâng cao năng lực về khả năng kinh doanh; tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm từ quế; tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm trong nước, khu vực và quốc tế… Cuối năm 2015, 4 nhóm trồng quế đã thống nhất thành lập Tổ hợp tác liên nhóm Quế Đào Thịnh. Tổ lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, viết đề xuất với Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại về việc trồng thử nghiệm 1,7 héc-ta quế hữu cơ. Tháng 4/2017, Tổ hợp tác liên nhóm Quế Đào Thịnh đã liên kết với Công ty Quế Hồi Việt Nam thành lập Hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam. Kể từ đây hoạt động sản xuất quế hữu cơ ở Đào Thịnh phát triển, mang lại việc làm, thu nhập khá cho nông dân.

Hiện sản phẩm quế hữu cơ đang được 600 hộ dân thực hiện tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên với tổng diện tích hơn 500 héc-ta. Với sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại, sản phẩm quế hữu cơ của hợp tác xã đã được cấp chứng nhận hữu cơ quốc tế bởi Tổ chức Control Union và được các thị trường khó tính như: Nhật Bản, châu Âu, Mỹ chấp nhận. Sản phẩm quế hữu cơ của người dân được bao tiêu toàn bộ và tăng 20% giá trị so với quế truyền thống.

Nông dân được hưởng lợi

Để cung cấp nguyên liệu cho các dây chuyền sản xuất và cung cấp đủ sản phẩm quế cho các đơn vị đặt hàng, Hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam đã triển khai và áp dụng thành công quy trình sản xuất hữu cơ cho 500 héc-ta quế tại xã Đào Thịnh. Hiện hợp tác xã có kế hoạch tiếp tục mở rộng diện tích trồng quế hữu cơ tại các địa phương khác để có thêm nhiều nông dân được hưởng lợi.

Hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam cũng đã xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm quế hữu cơ tại xã Đào Thịnh với tổng diện tích 14.000 m2, công suất 80 - 100 tấn quế tươi/tháng. Nhà máy có dây chuyền sản xuất hiện đại, gồm các khâu chế biến như: Cắt, thái, tháp cất tinh dầu… Nhà máy đang sản xuất 12 loại sản phẩm từ cây quế như: Quế điếu thuốc, quế ống, quế tăm, quế bột, tinh dầu quế… Các sản phẩm này có sức cạnh tranh cao, giá bán ổn định, có lợi cho hợp tác xã và nông dân.

Kết quả từ dự án cho thấy, việc thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ đã giúp xã Đào Thịnh có một sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho lao động địa phương, trong đó có nhiều lao động là đồng bào dân tộc. Mô hình cũng góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới bền vững. 

Bài học kinh nghiệm khi xây dựng, phát triển chuỗi quế hữu cơ là phải tạo được sự liên kết, phối hợp tốt giữa các cơ quan liên quan, chính quyền cấp cơ sở; kết nối, có sự tham gia của doanh nghiệp có năng lực đầu tư, năng lực sản xuất; chú trọng nâng cao nhận thức về sản xuất, kinh doanh cho nông dân theo kịp yêu cầu của thị trường; thành lập các hợp tác xã để đảm bảo tư cách pháp nhân; sản xuất theo quy trình, dây chuyền hiện đại, phương thức quản lý khoa học…

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Thạch đen xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Trong tháng 10/2019, các chuyên gia kiểm dịch thực vật thuộc Tổng cục Hải Quan Trung Quốc đã có chuyến thực địa kiểm tra, khảo sát, đánh giá vùng trồng thạch đen tại Việt Nam để chuẩn bị cho việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Các cán bộ kiểm dịch thực vật thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc tới tận nơi các vùng trồng thạch đen của bà con nông dân tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng và huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn để kiểm tra ruộng trồng và vùng nguyên liệu. Nhìn chung, các cán bộ kiểm dịch thực vật Trung Quốc đánh giá rất cao quy mô, diện tích và vùng quy hoạch trồng thạch đen của Việt Nam. Riêng về chất lượng, các chuyên gia Trung Quốc đánh giá cao chất lượng thạch đen của Việt Nam và khẳng định chất lượng thạch đen của Việt Nam ngon hơn thạch đen đang được trồng tại Trung Quốc.

Hiện nay, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng đang phát triển diện tích trồng thạch đen. Thạch đen đã trở thành mặt hàng quan trọng của một số xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, là cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con dân tộc Nùng, Tày, Dao… với thu nhập 60 - 70 triệu đồng/héc-ta. Đây cũng là món ăn quen thuộc, bình dân của người dân Cao Bằng, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhất là trong những ngày nắng nóng.

Người dân Thạch An từ lâu đã trồng, gắn bó với cây thạch đen và coi đây là cây  mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thạch An đã vận động bà con tích cực trồng và tăng diện tích cây thạch đen. Nhờ trồng thạch đen, kinh tế nhiều hộ đồng bào đã có bước phát triển rõ rệt, có tiền mua sắm thiết bị tiện nghi trong sinh hoạt. Huyện Thạch An phấn đấu hết năm 2020, diện tích thạch đen toàn huyện đạt từ 400 - 450 héc-ta, sản lượng từ 2.200 - 2.500 tấn. Từ cây xoá đói, giảm nghèo hiện thạch đen đã trở thành cây làm giàu của nhiều nông dân Thạch An.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Thạch An, nếu chăm sóc tốt, năng suất cây thạch đen khô sẽ đạt từ 5 - 6 tấn/héc-ta. Với giá trung bình từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, thu hoạch trung bình đạt trên 100 triệu/héc-ta, thu nhập từ thạch đen cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa. Hiện nay, phần lớn lượng thạch đen được xuất thô, chất lượng thấp nên giá không cao. Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng đăng ký thương hiệu cho sản phẩm thạch đen, dán tem truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, xưởng sơ chế sản phẩm thạch đen tại địa phương. Mục tiêu là đưa thạch đen thành cây trồng có giá trị cao hơn nữa ở địa phương.

Trong những năm qua, thạch đen đã là cây nông nghiệp ngắn ngày đặc trưng cho hiệu quả kinh tế cao của người dân tại huyện biên giới Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. So với các loại cây ngắn ngày khác, thạch đen đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng biên giới này, nhiều hộ gia đình đã thu được hàng chục triệu đồng nhờ trồng thạch đen. Tuy nhiên, việc tiêu thụ thạch đen phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Xác định, thạch đen là một trong những cây trồng chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao, ngay từ năm 2017, Lạng Sơn đã xây dựng nhãn hiệu tập thể Thạch đen Tràng Định và được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể ngày 3/8/2017. Mặc dù vậy, đến nay, thạch đen Tràng Định vẫn chưa được đăng ký truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch và chưa được đăng ký mã hàng để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc nên gặp nhiều vướng mắc về tiêu thụ. Hy vọng, việc xuất khẩu chính ngạch lần này sẽ giúp bà con vùng biên yên tâm sản xuất, trồng trọt và ổn định cuộc sống.

Bắc Kạn:

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Là địa phương miền núi sở hữu nhiều nông sản, đặc sản có chất lượng, nhất là những sản phẩm trong Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), như: Cam, quýt, hồng không hạt, gạo, miến dong... thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều giải pháp đạt hiệu quả cao giúp người dân quảng bá, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ từ sản xuất đến phân phối sản phẩm

Ngay từ năm 2016, thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, quan tâm kết nối giữa người sản xuất và bao tiêu sản phẩm nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, đảm bảo lợi ích cho người nông dân.

Cụ thể, theo ông Nông Ngọc Huấn – Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn – thời gian qua, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển sản xuất hàng hoá và tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền từ tỉnh đến các sở, ban, ngành và các địa phương đã dành mọi nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản thông qua nhiều hoạt động triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến phân phối, lưu thông trên thị trường.

Thông qua các chương trình khuyến công, phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới… đã hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở sản xuất đổi mới dây chuyền thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất hàng hoá.

Các chương trình cũng dành nguồn lực hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói để sản phẩm hàng hoá đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường, như các sản phẩm miến dong, curcumin nghệ, măng khô, bún khô…

Đặc biệt, Bắc Kạn đã xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hoá thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh. Tăng cường kết nối với các địa phương trong nước; liên hệ, đăng ký cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm địa phương tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá với nhiều địa phương, doanh nghiệp trong cả nước.

“Chuẩn hoá” và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP được tỉnh Bắc Kạn triển khai từ năm 2018, nhằm tạo nền tảng sản xuất sản phẩm với quy mô rộng khắp, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm...

Ngay trong năm đầu tiên, tỉnh Bắc Kạn có 56 tổ chức, cá nhân với 76 sản phẩm tham gia đăng ký thực hiện chương trình; có 45 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh, trong đó có 37 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao. Tiếp nối thành công, năm 2019, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình OCOP một cách đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở với mục tiêu củng cố, nâng cấp các sản phẩm tham gia OCOP năm 2018 và phát triển các sản phẩm đăng ký mới năm 2019. Đến nay, đã có 125 phiếu đăng ký sản phẩm tham gia chương trình, trong đó có 22 sản phẩm đã đánh giá năm 2018 đăng ký nâng hạng sao trong năm 2019.

Đặc biệt, để hỗ trợ người sản xuất tiêu thụ các sản phẩm OCOP, trong năm 2019, Bắc Kạn đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Điển hình như các hoạt động, tổ chức giới thiệu sản phẩm nông sản OCOP tỉnh Bắc Kạn nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5/2019 gắn với hoạt động quảng bá du lịch hồ Ba Bể; tổ chức các đoàn tham gia hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên và Quảng Ninh; giới thiệu các sản phẩm nông sản OCOP tỉnh Bắc Kạn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam…

Trong năm 2019, Sở Công Thương Bắc Kạn đã tham mưu cho UBND tỉnh thí điểm xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP với quy mô cấp tỉnh và tiếp tục nhân rộng điểm bán vào các năm tiếp theo. Mục tiêu đến năm 2020, xây dựng ít nhất 6 điểm bán hàng OCOP tại các huyện, thành phố; 2 trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Thời gian tới, ngành Công Thương tỉnh Bắc Kạn tăng cường hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông sản của tỉnh, để tạo hiệu ứng quảng bá sâu rộng đến người tiêu dùng ngoài tỉnh.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Lạng Sơn:

Trám đen được giá

Trám đen được trồng nhiều ở các xã miền núi huyện Văn Quan, Cao Lộc, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là loại cây dễ trồng, thích hợp với vùng đồi núi, mỗi năm cho thu hoạch một mùa kéo dài từ tháng 7 - 9 âm lịch. Hiện đã vào cuối vụ thu hoạch nên giá trám đen tăng nhẹ, tiêu thụ tốt. Vụ thu hoạch trám đen năm nay năng suất giảm so với mọi năm nhưng giá bán cao hơn, khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg. Quả trám đen sau khi tách lấy thịt, hạt trám thu lại và bán với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. Với giá bán như vậy, trung bình mỗi vụ, nhiều hộ nông dân xứ Lạng có thể thu nhập tới cả chục triệu đồng từ cây trám đen.

Đồng Tháp:

Vào mùa sản xuất mắm cá chốt

Cũng như mọi năm, sau khi nước lũ rút, làng nghề làm mắm ở TX. Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) lại bắt đầu nhộn nhịp. Do ảnh hưởng nước ít nên năm nay lượng cá chốt không nhiều so với mọi năm. Giá thu mua cũng cao hơn, đạt 10.000 đồng/kg trong khi năm ngoái là 6.000 – 7.000 đồng/kg.

Để nâng cao năng suất và có chỗ đứng vững trên thị trường, bên cạnh các công đoạn làm thủ công theo kiểu truyền thống, hiện nay, các hộ sản xuất cũng đã cải tiến các thiết bị máy móc, đặc biệt các hộ sản xuất luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Ước tính trung bình mỗi ngày có gần 10 tấn cá chốt được các hộ sản xuất thu mua để làm nguyên liệu sản xuất mắm. Đây cũng là điều kiện để hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương có nguồn thu nhập. Với 6.000 đồng/kg công cắt đầu cá, trung bình mỗi ngày, 1 lao động có thu nhập từ 200.000 đồng – 300.000 đồng.

Cần Thơ:

Giá mít tăng mạnh trở lại

Sau một thời gian giảm mạnh, giá mít tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện tăng trở lại từ 15.000 - 16.000 đồng/kg so với cách đây hơn 1 tháng. Tại Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Hậu Giang… hiện mít loại 1 (mít giống Thái, loại từ 9 kg/trái trở lên) có giá 36.000 - 37.000 đồng/kg; mít loại 2 (từ 6 kg đến dưới 9 kg/trái) có giá 26.000 - 27.000 đồng/kg; còn mít loại 3 (từ 5 kg đến dưới 6 kg/trái) có giá khoảng 19.000 - 20.000 đồng/kg. Giá mít tăng mạnh do đang được tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để phục vụ xuất khẩu, nhất là xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc. Dự báo giá mít có khả năng tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng trong những tháng cuối năm và dịp tết 2020, trong khi lượng mít tới lứa thu hoạch tại nhiều vườn mít đang hạn chế. Đặc biệt, nhu cầu thu mua mít phục vụ xuất khẩu tại các vựa trái cây tăng mạnh, giá cao khiến người trồng phấn khởi.

Bến Tre:

Lượng bưởi da xanh chuẩn bị cho thị trường tết tăng

Hầu hết nhà vườn và doanh nghiệp đều đánh giá sản lượng bưởi da xanh năm nay cung cấp cho thị trường nhiều hơn so với năm ngoái, giá bán dự báo bằng mọi năm, khoảng 50.000 đồng/kg. Sản lượng dự báo dồi dào hơn, các cơ sở cũng chuẩn bị nguồn hàng nhiều hơn để kịp thời cung cấp cho thị trường tết. Dự báo, sản lượng cung cấp năm nay sẽ cao hơn khoảng 20%. Người dân thường thích bưởi to có cành, lá để chưng bày tết. Kinh nghiệm từ vụ bưởi năm trước, nhà vườn neo trái chờ đến cận tết nên bị ứ đọng, giá giảm mạnh buộc các nhà vườn phải bán chậm sau tết. Năm nay, hầu hết nhà vườn đã chuẩn bị tâm lý thu hoạch sớm, đúng thời điểm. Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre cũng khuyến cáo, do ảnh hưởng của việc mặn xâm nhập sớm đang đe dọa các vườn bưởi tết có nguy cơ rụng trái, do đó nhà vườn cần quan tâm bảo vệ vườn bưởi.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Gia Lai:

Thất thu vụ mì

Mì (sắn) là một trong những cây trồng chủ lực của các huyện, thị xã khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai. Năm nay, năng suất và giá mì nguyên liệu đều giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân.

Năm nay, do thời tiết bất lợi cộng với bệnh khảm lá vi rút bùng phát nên năng suất mì ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, giá mì còn xuống thấp khiến nông dân rơi vào cảnh thất thu, thậm chí lỗ vốn. Giữa vụ, bệnh khảm lá vi rút lan rộng khắp huyện Ia Pa khiến những rẫy mì đang tươi tốt bỗng nhiên xoăn lá rồi lụi dần. Mì bị bệnh khảm lá cộng với thời tiết bất lợi khiến năng suất giảm. Không những vậy, giá mì còn thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Hiện giá mì tươi dao động trong khoảng 1.500 - 1.600 đồng/kg (giảm khoảng 300 đồng/kg so với năm ngoái). Chưa năm nào người trồng mì thiệt hại kép như năm nay.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa, vụ mì năm nay, nông dân trong huyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thu nhập do dịch bệnh, giá mì nguyên liệu giảm. Không những vậy, bệnh khảm lá vi rút bùng phát còn đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất vụ tới. Hiện ngành nông nghiệp huyện đang tích cực hướng dẫn bà con chăm sóc, làm cỏ, không để cỏ cạnh tranh dinh dưỡng với cây mì. Về phía người dân cần tiếp tục theo dõi những diện tích mì chưa bị nhiễm bệnh để làm giống cho vụ sau. Huyện cũng khuyến cáo bà con nông dân nên dùng giống mì KM94 để trồng nhằm hạn chế nhiễm bệnh.

Tại huyện Đắk Pơ, vụ mì năm nay, toàn huyện trồng 1.278 héc-ta, chủ yếu là các giống KM94, KM98-5, KM95 và ReyOng 60. Do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài cộng với sâu bệnh hoành hành nên hầu hết diện tích mì đều bị ảnh hưởng, thiệt hại 30 - 70%. Trong khi đó, giá mì giảm trung bình 700 - 1.000 đồng/kg, có lúc giảm một nửa so với năm ngoái. Bên cạnh đó, các loại chi phí đều tăng nên người dân thất thu 18 - 20 triệu đồng/héc-ta so với vụ trước. Đặc biệt, do bà con ồ ạt thu hoạch mì cùng thời điểm gây khó khăn cho việc tiêu thụ của Nhà máy tinh bột sắn Gia Lai. Một nguyên nhân nữa khiến giá thu mua của Nhà máy giảm là do chất lượng mì kém. Hiện giá củ mì tươi mua tại nhà máy chỉ còn hơn 2.280 đồng/kg (giảm gần 700 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái) đối với mì tương đương 30 độ bột. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nắng hạn, dịch bệnh nên trung bình mì của bà con chỉ đạt 24 - 27 độ bột. Điều này đã khiến giá thu mua giảm theo.

Mì là một trong những cây trồng chủ lực của đồng bào dân tộc các huyện Ia Pa, Đắk Pơ... Tuy nhiên, thời gian qua, giá mì lên xuống thất thường cộng với diễn biến thời tiết xấu đã ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng mì. Trước thực trạng này, một số hộ đã giảm diện tích trồng mì, thay thế bằng các cây công nghiệp ngắn ngày. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Nhằm giúp bà con có thu nhập ổn định từ cây mì, các nhà máy chế biến đã khuyến cáo bà con nên trồng rải rác tất cả các tháng trong năm thay vì tập trung vào thời vụ. Giống mì KM 94 có đặc điểm kháng bệnh tốt hơn các giống khác nên bà con cần ưu tiên trồng. Đặc biệt, bà con không nên lấy giống mì ở các ruộng đã nhiễm bệnh để trồng lại… Trong quá trình trồng, chăm sóc, bà con phải tuân thủ kỹ thuật, phòng ngừa sâu bệnh, bón phân đầy đủ để mì đạt năng suất, chất lượng cao.

Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa

Tại Bến Tre, cây dừa có một vị trí đặc biệt trong văn hóa cũng như phát triển kinh tế địa phương. Có thể thấy, dừa là cây công nghiệp lâu năm với diện tích trồng lớn, đứng hàng thứ tư sau cao su, cà phê và điều.

Hiện diện tích dừa của tỉnh Bến Tre chiếm 50% diện tích dừa của cả nước, với hơn 71.000 héc-ta, 163.000 hộ dân trồng dừa. Giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp và 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Theo nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam, dừa thuộc nhóm cây chống chịu mặn tốt (từ 5‰ - 6‰), có thể thích ứng với điều kiện thời tiết bất lợi như: Mưa, bão, lũ, ngập úng, hạn hán, đất cát nghèo dinh dưỡng như ở miền Trung. Chính vì thế, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Bến Tre đã kịp thời lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết vào các chương trình cụ thể, chủ động giảm tác động của BĐKH. Trong đó, chú trọng đến vai trò của các hợp tác xã, các doanh nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị dừa thích ứng với BĐKH. Đây cũng chính là hạt nhân của ngành công nghiệp chế biến dừa. Đến nay, Bến Tre có tới 2.000 doanh nghiệp, cơ sở chế biến dừa với nhiều loại hình, quy mô khác nhau. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ chế biến dừa hiện đại, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Đến thời điểm hiện tại, có hơn 30 loại sản phẩm từ dừa như: Sữa dừa, dầu dừa, cơm dừa nạo sấy, nước dừa, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa… đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn và yêu cầu cao như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng sản phẩm từ dừa uống nước, năm 2019 đã xuất khẩu trên 5 triệu trái sang Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, Singapore.

Đắk Nông:

Khoai lang Nhật được mùa, được giá

Vụ khoai lang Nhật vừa qua, bà con nông dân huyện Tuy Đức (Đắk Nông) phấn khởi vì khoai được mùa, được giá. Trong bối cảnh giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp, các hộ đồng bào đã phần nào vơi bớt khó khăn nhờ nguồn thu từ cây khoai lang.

Bên cạnh niềm vui được mùa thì thương lái cũng đến tận vườn thu mua với giá 12.000 đồng/kg. Với giá bán này, người trồng khoai lang Nhật Bản thu lợi nhuận khá lớn, khoảng 140 triệu đồng/héc-ta. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây khoai lang phát triển tốt, đạt năng suất cao hơn năm trước, bán được giá. Người trồng khoai huyện Tuy Đức đã có thêm nguồn thu từ cây khoai lang.

Những năm qua, khoai lang Tuy Đức đã khẳng định được chất lượng, giá trị trên thị trường. Ðồng thời, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân trên địa bàn huyện. Trước thực tế này, thời gian qua, huyện Tuy Đức đã phối hợp với các đơn vị chức năng, các nhà khoa học xây dựng quy trình sản xuất khoai lang Nhật Bản theo hướng bền vững. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, giúp bà con nhân giống, áp dụng đúng kỹ thuật canh tác cây khoai lang Nhật Bản nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức, vụ hè thu năm 2019, toàn huyện trồng khoảng 300 héc-ta khoai lang Nhật Bản; năng suất trung bình đạt 12,5 tấn củ/héc-ta. Vụ mùa năm nay, sản lượng khoai lang Nhật Bản toàn huyện Tuy Đức ước đạt 3.750 tấn.

Thời gian qua, do khoai lang Nhật Bản ở huyện Tuy Đức được thị trường ưa chuộng nên một số thương lái đã trà trộn khoai lang các vùng khác với khoai lang Tuy Đức để thu lợi. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến giá trị, thương hiệu khoai lang Tuy Đức. Nhằm khắc phục tình trạng này, huyện đã phân công nhiệm vụ cho các ngành chức năng địa phương theo dõi, giám sát các đại lý thu mua, phân phối khoai lang Nhật Bản để ngăn chặn. Huyện cũng khuyến cáo, khi xuất bán khoai lang, các đại lý cần dán nhãn thương hiệu để nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm khoai lang Nhật ở Tuy Đức.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của bà con tăng mạnh. Đây cũng là thời gian hay xảy ra các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả diễn biến phức tạp. Để bình ổn thị trường hàng hóa, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

* Long An: Tổ chức kiểm tra theo chuyên đề

Cục QLTT Long An đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2019 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Theo đó, các Đội Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá, đảm bảo ổn định thị trường phục vụ nhu cầu tết cho bà con. Ngoài ra, lực lượng QLTT còn tổ chức kiểm tra các chuyên đề về chống buôn lậu: Thuốc lá, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; xăng dầu giả, kém chất lượng; lợn và sản phẩm chế biến từ lợn, gia súc, gia cầm và sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc; các nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền; kiểm tra về an toàn thực phẩm. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương triệt phá các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu quốc tế; kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm… Đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường được triển khai thực hiện liên tục từ nay đến hết ngày 10/2/2020.

* Tiền Giang: Chú trọng những địa bàn hàng hóa trọng điểm

Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã tăng cường công tác kiểm tra những khu vực tập kết hàng hóa gần khu công nhân, các chợ đầu mối… Đặc biệt, chú trọng kiểm tra tại các địa bàn hàng hóa trọng điểm, những mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp tết như: Lương thực, thịt gia súc, gia cầm, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả... Bên cạnh đó, Cục tích cực phối hợp với các ngành chức năng, địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, giám sát, chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đối với địa bàn các huyện, thị miền núi, công tác kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường nhằm giúp bà con phân biệt được hàng thật, hàng giả, cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo, bán hàng kém chất lượng…

* Phú Thọ: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại

Mặc dù là địa phương nằm sâu trong nội địa nhưng Phú Thọ có đặc thù là điểm giữa của một số tuyến biên giới phía Bắc về Hà Nội, có đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai qua địa bàn nên công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại luôn được lực lượng chức năng quan tâm, triển khai thường xuyên. Nhận định tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu có diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm, QLTT Phú Thọ đã mở đợt cao điểm kiểm tra, tập trung chủ yếu vào một số nhóm hàng: Quần áo, mỹ phẩm, điện tử, phụ tùng ô tô các loại… Đặc biệt, sẽ tập trung xử lý các mặt hàng như: Pháo nổ, thuốc lá, rượu bia, nước giải khát, quần áo, giày dép… Mục đích là bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ nhằm đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng lớn. Không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả.

HÀNG VIỆT

Quảng Nam:

Xây dựng mô hình OCOP vùng dân tộc thiểu số

Năm 2019, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, củng cố, phát triển thêm các sản phẩm tham gia OCOP. Đặc biệt là xây dựng nhiều mô hình OCOP tại các vùng miền núi, vùng khó khăn và vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng các sản phẩm đặc sản vùng miền để nâng cao thu nhập cho bà con.

Sẽ có nhiều đặc sản vùng miền

UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2019. Theo đó, năm 2019, Chương trình OCOP trở thành một Chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh Quảng Nam. Chương trình từng bước phát triển các sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường; phấn đấu xây dựng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP trở thành thương hiệu có uy tín, chất lượng; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, các doanh nghiệp vừa và nhỏ) là động lực quan trọng trong triển khai Chương trình OCOP theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, đem lại lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương. Phấn đấu 100% đơn vị cấp huyện củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức OCOP cấp huyện, cấp xã và hình thành bộ máy tham mưu giúp việc Chương trình OCOP các cấp; 100% cán bộ OCOP cấp huyện, cấp xã được tham gia tập huấn các nội dung cơ bản của Chương trình. Đặc biệt, Chương trình OCOP năm nay, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, củng cố, phát triển các sản phẩm đã tham gia Phương án thí điểm phát triển sản phẩm OCOP năm 2018. Phấn đấu trong năm 2019 có trên 80% số sản phẩm đã đăng ký tham gia đạt hạng 3 sao trở lên. Hỗ trợ củng cố, nâng cấp và thành lập mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX) tham gia OCOP. 100% chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác... đảm bảo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, lưu thông, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chương trình hỗ trợ xây dựng, nâng cấp được 4 - 6 điểm bán hàng OCOP, 2 - 3 Trung tâm OCOP cấp huyện.

Xây dựng 3 mô hình OCOP ở vùng đồng bào dân tộc

Theo kế hoạch, năm 2019 Quảng Nam có khoảng 120 sản phẩm tham gia thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. Trong đó, có 105 sản phẩm mới và 15 sản phẩm năm 2018 nâng cấp. Ngoài ra, với vai trò là tỉnh điểm được Bộ NN&PTNT lựa chọn, trong 2 năm 2019 - 2020, Quảng Nam sẽ xây dựng 3 mô hình OCOP ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: Mô hình liên kết chuỗi sản xuất gắn với chế biến từ củ đảng sâm của huyện Tây Giang, mô hình liên kết chuỗi sản xuất gắn với chế biến từ cây quế của 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, mô hình làng du lịch cộng đồng Zara gắn với phát triển sản phẩm thổ cẩm của xã Tà Bhing huyện Nam Giang. Cùng với đó, xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng ở làng cổ Lộc Yên của xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Đồng thời, xây dựng mô hình trung tâm OCOP cấp vùng tại TP. Hội An và một số gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại các khách sạn lớn trên địa bàn Hội An.

Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 (gọi tắt là Chương trình OCOP). Chương trình triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP đảm bảo đúng tiến độ, thời gian và đạt hiệu quả cao.

Xây dựng thương hiệu chuối Mật mốc Hướng Hoá

Với mục tiêu đưa chuối Mật mốc trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối Mật mốc Hướng Hóa.

Vùng nguyên liệu chuối Mật mốc của tỉnh Quảng Trị tập trung chủ yếu ở các xã giáp biên giới Việt Nam – Lào thuộc huyện miền núi Hướng Hóa với diện tích khoảng 3.800 héc-ta. Hiện chuối Mật mốc chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan và một phần nhỏ tiêu thụ trong nước. Thời gian qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc nơi đây đã thoát nghèo và tiến tới làm giàu nhờ trồng chuối Mật mốc. Tính trung bình, một hộ dân trồng hơn 1.000 gốc chuối. Mỗi đợt thu hoạch, tùy theo giá thị trường có thể thu nhập từ  50 - 100 triệu đồng. Hàng năm, các hộ thường thu hoạch từ 3 – 5 đợt, tùy theo điều kiện thời tiết.

Với lợi thế có khí hậu, thổ nhưỡng khô nóng của vùng biên giới Việt Nam – Lào, chuối Mật mốc được trồng tại địa phương này phát triển tốt, trái to tròn, màu sắc bắt mắt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Thêm vào đó, cây chuối Mật mốc Hướng Hóa được canh tác hữu cơ nên sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, được đánh giá cao. Tuy nhiên, từ trước đến nay trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu, chuối Mật mốc Hướng Hóa vẫn không thể hiện được nguồn gốc xuất xứ nên nhiều lúc bị ép giá, thua thiệt trên thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Để nâng cao năng suất, giá trị cho sản phẩm chuối, đồng thời hướng đến phát triển bền vững vùng nguyên liệu chuối Mật mốc phục vụ xuất khẩu, Hội Nông dân huyện Hướng Hóa đã làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối Hướng Hóa. Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối Mật mốc Hướng Hóa vào tháng 8/2018.

Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho chuối Hướng Hóa sẽ mở ra nhiều thuận lợi cho sản phẩm tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Nông dân trồng chuối được lợi nhiều từ thương hiệu này. Tuy nhiên, để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm mà không phải lệ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu như hiện nay, tỉnh Quảng Trị cần sớm nghiên cứu xây dựng nhà máy chế biến chuối theo hướng công nghiệp gắn với phát triển bền vững thương hiệu chuối Mật mốc Hướng Hóa. Đồng thời, cần tính toán diện tích quy hoạch phát triển trồng chuối, tránh tình trạng đổ xô trồng khi giá tăng và chặt bỏ đồng loạt khi giá giảm như đã từng xảy ra. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù có tiềm năng song cây chuối Mật mốc phát triển thiếu tính bền vững. Điều đó khiến giá cả và đầu ra của sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Với chất lượng tốt, nguồn cung sẵn, việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa là điều kiện thuận lợi để sản phẩm chuối mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu đối với người tiêu dùng. Qua đó, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.